Cõi âm

Lý do tôi sắp sửa đi chầu Diêm Vương, là một câu chuyện tương đối dài. Cách đây chừng mươi phút, một viên đạn nữa lại đi xuyên qua người tôi. Nhưng lần này, may sao, người bóp cò không phải cô Mây. Lần này, kẻ thủ ác, là một tay sát thủ, cũng trong tổ đội Gọi Hồn. Tên này, là đội trưởng. 

Lý do bắn tôi, đơn giản là vì nhiệm vụ. Nhiệm vụ của hắn ta, chia làm hai bước. Bước 1, lấy cho được chìa khoá. Bước 2, thủ tiêu thủ lĩnh của Ba Gai. Giết một người không tấc sắt trong tay, là chuyện đơn giản. Còn để moi ra sự thật từ bất cứ ai, là một việc ngốn thời gian, hơn nhiều. Tôi khai man đủ thứ chuyện, từ gần 3 giờ chiều đến hơn 9 giờ đêm. Ban đầu, tôi khai, tôi chôn chùm chìa khoá ở một gốc cây, trên đường YK, cách quán xíu mại tôi thường ăn, không xa. Tôi không ngờ vừa khai xong, thì tên đội trưởng khởi sự ngay một cuộc gọi, cho thuộc hạ của hắn. Trong chưa đầy mười phút, hắn đưa điện thoại, ra trước mặt tôi. Trên màn hình, là tên thuộc hạ của Gươm Thiêng, đang gọi vi-đê-ô. Hắn đang ở ngã ba đường YK, tôi thấy quán xíu mại cách đó chừng trăm mét, hắn hỏi, gốc cây nào? Tôi chỉ bừa một cái cây gần đó, thế là trên màn hình xuất hiện thêm hai ba tên nữa, có lẽ, là thuộc hạ, của thuộc hạ, của tên đội trưởng. Những tên này bắt đầu khởi sự đào, cả bọn tay nhanh thoăn thoắt, những nhát đào dứt khoát và sâu. Bọn này, chắc đã đào vô số nấm mồ, cho kẻ thù. Chỉ sau vài phút, một cái hố nhỏ hình thành bên gốc cây, và dĩ nhiên bên dưới đó trống không. Tôi trần tình, vậy là tôi nhầm, chỗ đó, tôi chỉ đứng đái, rồi đi.

Bị tên đội trưởng tát một cú trời giáng vào mặt, tôi và cả cái ghế, và cả những sợi dây thừng đang trói đôi tay tôi vào ghế, và cả ít máu tươi vừa phát sinh sau cú tát, ngã ra tấm sàn gỗ, ẩm mốc và hôi hám. Trong một căn phòng tối, duy nhất chỉ một ánh đèn vàng hắt ra từ phòng bên cạnh. Tôi định lấy tay lau đi vết máu, nhưng bàn tay vẫn bị khoá chặt, thế là tôi nói, miệng vẫn đang nhớp nhúa, máu và nước bọt. Tôi nói, thôi anh bỏ qua, đời người, ai cũng nhầm một vài lần, có khi cứ nhầm mãi một chuyện, nhiều lần, cũng có gì lạ. Tôi nói, huống chi, mấy chùm chìa khoá, là những thứ tôi không bao giờ, cất giữ trong đầu. Tôi lặp lại, mấy chùm chìa khoá, và tôi, là hai thực thể, chỉ va chạm nhau vài mươi giây, mỗi ngày. Nên việc tôi phải cất giữ nó trong đầu, cho ngay ngắn, là không cần thiết. Tôi nói, mối quan hệ của tôi, và chuyện đi tè bên gốc cây, còn khắng khít hơn, nên tôi nhầm, cũng không có gì lạ.

Bị tên đội trưởng đá tiếp vào bụng một cú trời giáng, một cú, rồi hai cú. Tôi gào lên. Thảm thiết. Tôi lại muốn lấy đôi tay ôm lấy bụng, để xoa dịu bụng. Để nói với bụng, tôi xin lỗi bụng. Vì giờ này nếu chiếu theo không thời gian của Mũi Né, tôi và bụng phải đang no nê những cá, những tôm, những thịt, những rượu, những đêm hè nằm nghe gió biển. Không ngồi một mình ở quán, thì cũng phải bên chòi cá, chỗ nhà anh Hố Đen. Đến cú húc thứ ba, bụng tôi và tôi nhớ anh Hố Đen càng nhiều hơn. Chúng tôi nhớ hôm ở chòi cá, anh Hố Đen mời tôi và bụng, 2 ký-lô ghẹ. Rồi ổng mời tôi và não tôi vài câu triết lý, rằng phải sống cho đàng hoàng, cho nên-thân, cho ra hồn. Tôi bây giờ, trong căn phòng hôi hám. Tôi bây giờ bật cười, vừa nôn thốc ra sàn. Tôi nghĩ, anh Hố Đen, đây có phải là cái ra-hồn, mà anh nói đến.

Tên đội trưởng đi đi lại lại nhiều giờ đồng hồ trong căn phòng. Cố để moi ra mớ sự thật. Tôi tiếp tục khai man thêm vài lần, toàn những phân nửa sự thật. Tôi ghé quán phở là một, ngồi chỗ tay-vịn là hai, vừa đọc kinh vừa loanh quanh Hồ Xuân Hương là ba. Toàn những địa điểm có thật, nhưng không có chìa khoá. Tôi dám khai man vì tôi biết, hắn không thể giết tôi trước khi tìm ra sự thật. Tôi nói, với hắn, bây giờ anh giết tôi, thì vừa công cốc, lại vừa khơi mào một cuộc chiến, nên anh sẽ chỉ có thể hành hạ tôi, là giá chót. Mà ngay cả khi tra tấn, anh cũng phải chừa cho não tôi hoạt động, vì não hoạt động, thì miệng mới nói. Nếu tôi ngất, anh phải đợi. Anh càng đợi, đồng đội tôi càng có thời gian, để tìm thấy tôi.

Lý do tên đội trưởng có thể loại bỏ hoàn toàn những lời khai của tôi về đồi Huy Hoàng. Là vì cô Mây cho rằng, cổ đã xới tung cả khu biệt thự, nên có thể khẳng định, không có thứ mà bọn họ cần tìm ở đó. Cô Mây bây giờ, cũng đang ở trong căn phòng tối. Chính xác ngay bây giờ, tôi đếm, có bốn người trong căn phòng. Gã Đội trưởng, cô Mây, và hai tên nữa. Họ ăn mặc như thường dân. Kẻ áo thun, người sơ-mi. Kẻ quần ka-ki, người quần jeans. Kẻ để đầu trần, người đội nón. Tất cả đều mang khẩu trang. Cô Mây là người đội nón. Cô đứng tựa vào góc phòng, khoanh tay, không nhìn tôi, mà nhìn ra phía ánh đèn vàng từ phòng bên cạnh. Thi thoảng cổ mới lên tiếng, khi tôi đề cập đến chùm chìa khoá và khu biệt thự. Cổ nói những câu cụt lủn, như, không có, không phải, không đúng, không có cơ sở, vân vân và vân vân. Thi thoảng tôi liếc nhìn Mây, rồi tự đưa ra kết luận, cứ mỗi lần cô ả không mặc đầm, là tính mạng tôi bị đe doạ.

Lý do tôi nằm đây trong căn phòng tối, là vì trước đó chừng mười tiếng đồng hồ. Tôi bị đánh thuốc mê. Lý do tôi bị đánh thuốc mê, là vì tôi lại sắm vai, thằng ĐB hai dấu huyền. Chừng một tiếng đồng hồ trước khi ngất đi, hai Nhà đã rượt đuổi nhau khắp Đà Lạt, trên hai con xe bốn-bánh. Hai nhà đều đi những chiếc bảy-chỗ. Bọn tôi đeo bám, rồi nổ súng vào nhau, từ khắp mọi ngả đường. Hải Thượng Lãn Ông, Phan Bội Châu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Chí Thanh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, Ba Tháng Hai. Trong chiếc bảy-chỗ của Ba Gai, có Giang ngồi ở tay lái, có Phương ngồi ghế bên cạnh, tay cầm một khẩu tiểu liên màu xanh trong suốt. Dãy ghế giữa, có tôi ngồi ở giữa, hai bên, cô Mây ngồi bên trái, không vũ khí, thằng Ngộ ngồi bên phải, cầm súng ngắn. Hai vợ chồng Kẹo Đồng ngồi băng sau cùng, xem bản đồ, báo động, tìm thông tin, gọi điện, và kêu gọi, tôi phải bình tĩnh. Ngồi ở giữa xe, tôi nhìn qua chiếc bảy-chỗ của nhà Gươm Thiêng, thấp thoáng bên trong đó là bốn mái đầu, đều xanh, và lăm lăm súng trong tay. Bọn tôi bám vào nhau, khi thì xe tôi vượt lên trước, khi thì xe nhà cô Mây. Cả hai bên đều dùng kính chống đạn, và cả hai bên đều thiện chiến. Thằng Ngộ, sau mỗi phát súng, đều đẩy đối phương ra xa thêm vài mươi mét. Đến khi một tên Gọi Hồn đầu trọc ngồi ở băng ghế trước, bắn đáp trả, thì Giang cũng phải gấp rút đạp phanh. Đạn bay như mưa, nhưng bay đúng-quy-trình. Vì tất cả chúng tôi đều hiểu, mục tiêu của trò cút-bắt này, không phải để lấy mạng kẻ thù. Những trò lấy mạng nhau, chỉ dành cho đám ma-cô nửa mùa. Chúng tôi chơi trò cút bắt, là để giành lợi thế trong cuộc chiến, mà để có được nó, thì phải có được một thông tin, và để có được một thông tin, thì phải bắt sống được tôi.

Bọn Gươm Thiêng bắt sống được tôi không phải vì năng lực của nhà Ba Gai yếu kém. Nếu không muốn nói, dưới sự chỉ huy của Đồng chí G, chúng tôi tác chiến có phần nhỉnh hơn. Vì chúng tôi không chỉ đọ súng với chiếc bảy-chỗ đầu tiên của tên Đội trưởng, mà sau đó còn có thêm một chiếc lâu-la bốn-chỗ chặn đầu ở đoạn Nguyễn Chí Thanh. Rồi một chiếc mười-sáu-chỗ chở chừng bốn năm tên bên trong, đầy đủ súng ống, chắn ngang đường Phan Đình Phùng. Cả hai trường hợp, đồng chí G đều giữ một cái đầu lạnh. Trước khi giảm tốc rồi rẽ sang một đoạn đường dốc, G kịp mở cửa để nhả một làn đạn tới chỗ chiếc mười sáu chỗ trước mặt để chống trả, trong khi Phương và Ngộ đang một-kèm-một với chiếc của tên Đội trưởng đang bám theo từ đằng sau. Hai chiếc bảy-chỗ rẽ nhanh vào một con đường dốc rồi tiếp tục những loạt mưa kẹo đồng vào kính, vào cốp, vào bánh xe. Khi trở ra đường Hồ Xuân Hương, chúng tôi đều đã hết đạn, nên bắt đầu tìm cách chèn xe đối phương vào ngõ cụt. Chúng tôi chạy quanh Hồ Xuân Hương bốn vòng. Đà Lạt những ngày cuối năm, mưa lấm tấm trên mặt kính, trên gương chiếu hậu. Có lúc, mưa bụi bám vào gương mặt Ngộ, vào Phương, vào Mây, vào tôi, vào tất cả chúng tôi, mười một con người trên hai chiếc bảy-chỗ. Mưa làm thành phố phủ một màu xám, và mưa đạn làm dân chúng la hét, tấp hết vào lề. Đến vòng thứ bốn, chúng tôi thấy vài ba chiếc xe bốn-chỗ của công an xuất hiện, phát loa, kêu chúng tôi kiềm chế, về đồn, tự nộp mình, để còn hưởng sự khoan hồng của chính phủ. Không phải bảo nhau, cả hai chiếc bảy-chỗ nhanh chóng cắt đuôi và rẽ vào một con đường khác. Lúc này trong một khoảnh khắc, khi hai chiếc xe đi liền kề nhau, thì tôi bất ngờ ngó đầu ra cửa sổ. Lúc bấy giờ tôi và tên đầu trọc của nhà Gươm Thiêng chỉ còn cách nhau chưa đầy một mét. Lúc bấy giờ tôi nói. Rằng em, anh nói thật, sau vụ này, anh khuyên mày đi tu. Anh quan sát từ nãy giờ. Mày có chân tu, mày nên lên Chùa, sám hối, rồi tìm niết bàn. Chứ chuyện bóp cò, là của bọn, phàm phu tục tử, mà thôi. Mưa bụi lấm tấm vào chúng tôi vào hai số phận. Trong một tích tắc tên đầu trọc chưng hửng, về lời mời đi tu của kẻ thù. Trong tích tắc, tôi quay về phía cô Mây, vốn gần như ngồi im suốt cuộc giao tranh. Cô ngồi im, có lẽ vì cổ không biết làm thế nào cho đúng. Tôi quay sang, rồi tôi rủ cổ, xong tôi rủ tất cả thành viên trong xe, rằng một mai giã từ vũ khí, bọn mày theo anh, vợ chồng anh, đi tu.

Thằng chụp mớ thuốc mê lên mũi tôi, rồi kéo tôi vào chiếc bảy-chỗ của nhà Gươm Thiêng, là thằng đầu trọc. Trước đó, xe bọn tôi đi đến đoạn ngõ cụt, thế là hai bên dừng xe rồi chuẩn bị tẩn nhau tay đôi, thì cô Mây thoát được và chạy về phía tên Đội trưởng, mặc cho G can gián, thằng Đăng-nhỏ và Phương kéo lại, tôi vẫn kịp bám theo cô Mây. ĐB hồ đồ hai dấu huyền, ăn mớ thuốc mê rồi tỉnh lại trong căn phòng tối. 

Bây giờ là 9 giờ tối, người tôi mềm oặt, như một cọng bún thiu. Gã Đội trưởng hết đá vào bụng, thì đá vào lưng. Gã lệnh cho tên đầu trọc chân tu, kéo lê tôi ra xô nước. Trấn nước lần một, tôi cười, thật lòng tôi còn vui, vì rửa xong mớ máu và nước bọt nhớp nhúa. Lần thứ hai, tôi cười, rồi tôi nói, đời người, ai cũng nhầm lẫn một vài lần, có người cứ mãi một chuyện còn nhầm nhiều lần, thì trách cứ nhau, làm gì. Lần thứ ba tôi đòi mở nhạc, tôi nói, mở cho tôi Goldberg Variations, BWV 988, của Bach. Câu trả lời tôi nhận được là lần trấn thứ tư, người tôi bắt đầu run rẩy, đầu óc tôi choáng váng, nhưng não tôi vẫn hoạt động, dù yếu ớt, để lắp bắp, rằng, có người cứ mãi một chuyện phải nhầm nhiều lần. Tên Đại ca thôi trấn nước, nắm đầu tôi trước xô nước. Để nước từ tóc, từ mắt, máu từ miệng tôi rơi từng giọt, nhanh và chậm đan xen nhau đổ vào chiếc xô, nay nghe như tiếng mưa. Tiếng mưa từ tôi, và từ ông trời, nhỏ từng giọt. Não tôi gần như vô dụng, nhưng tôi vẫn kịp tưởng tượng nhạc của Bach, trong đầu. Miệng tôi lắp bắp, cứ mãi một chuyện phải nhầm nhiều lần. Gã Đội trưởng dùng đầu gối thúc mạnh vào mặt, một lần nữa tôi ngã ra sàn, tiếng dương cầm vang trong đầu bỗng ngưng bặt trong vài giây, rồi trở lại yếu ớt, theo từng nhịp thở yếu ớt, của tôi. Đến lúc này, tôi nghe tiếng cô Mây. Vừa xa xăm, vừa như những vết thủng lỗ chỗ trong gian phòng, mà tai tôi phải cóp nhặt, để nghe được. Cổ nói với tên Đội trưởng, anh đánh nữa, là anh giết ổng. Anh giết ổng, thì việc của ta, thành công cốc.

Lý do viên đạn xuyên qua người tôi, là do trước đó vài mươi phút. Tên Đội trưởng thay vì nắm tóc và thúc đầu gối vào người tôi, như việc hắn đã làm cả buổi chiều, thì bỗng dưng hắn quay sang, nắm lấy tóc cô Mây, rồi lôi cổ đến gần chỗ tôi đang nằm. Hắn nói. À, tao quên nữa, có phải tụi mày, đã thương nhau rồi không. À, tao quên nữa, sau vụ việc này, tao còn phải mang mày (hắn nhìn vào Mây), về cho hội đồng xét xử. Tao quên nữa, tụi mày nhắn tin cho nhau, tình tứ lắm mà. Nào là thơ, là văn, là vết thương. Thảo nào, con hồ ly này, đâu có bắn chỗ hiểm. Đâu muốn nó chết phải không? Hay là bây giờ, tao cho tụi mày đi một lượt, tao bắn cô Mây, trước mặt mày, rồi tao bắn mày, trước đôi mắt trắng dã của Mây, là xong chuyện. Mày thấy sao, thằng Ba Gai??

Viên đạn găm vào người tôi, vì tên Đội trưởng, đã hoàn thành xong bước 1, là bước khó nhất, của cả nhiệm vụ. Tôi đầu hàng, khi gã bắn vào đùi, rồi vào đầu gối, cô Mây. Tôi vội nói khoan, dừng khoảng chừng là hai giây, rồi tôi nói, cởi trói cho tôi, rồi tôi nói, tha cho Mây, rồi đưa cho tôi tờ A4 thứ hai mươi ba, để tôi vẽ lại chính xác, nơi tôi cất giấu chùm chìa khoá. Hắn không đưa cho tôi tờ A4, mà lấy ra một quyển sổ tay, y như quyển Mây vẫn dùng. Hắn cởi trói tay, và để nguyên trói chân. Tôi vẽ vài đoạn đường, rồi đánh dấu vị trí chính xác. Trong khoảng mười lăm phút, tên Đội trưởng đi đi lại lại trong gian phòng, gọi gần một triệu cuộc điện thoại. Lúc hắn đang chỉ huy đám thuộc hạ, tôi lại sắm vai thằng hề, tôi luôn miệng, xin lỗi cổ. Rồi tôi nói với thằng đầu trọc, đang chĩa súng vào cô Mây, nhờ nó chữa trị, cho cổ. Tôi nói tạm biệt. Tôi chưa kịp nói lời tạm biệt, lần thứ hai, thì tên Đội Trưởng nhận cuộc gọi, mà tôi đoán, là tin vui, là thứ hắn muốn nghe. Bởi vì, ngay khi vừa gác máy, thì hắn thực hiện ngay bước thứ 2. Đanh và lạnh. Bụppppp. Một phát duy nhất, một lỗ hổng trên da thịt, máu loang ra sàn nhà. Ngoài trời mưa mau hạt. Ở chỗ tôi, mồ hôi từ tóc, nước từ mắt, máu từ miệng, tiếp tục rơi xuống lớp sàn gỗ hôi hám và cũ kỹ, trước khi hoà vào lớp máu còn mới nguyên từ phát súng của tên sát thủ. Toàn thân tôi, lạnh toát.

Thế là tôi trở thành thằng ĐB hai dấu hỏi. Là thằng Đổ Bể. Hai lần đổ bể. Đầu tiên là những tiếng loảng xoảng vỡ vụn từ phía ô cửa. Lại là cửa kiếng, và lại là Giang. Đồng chí G luôn xuất hiện, *ngay lúc* hoặc là *vừa khi* tôi bị trúng đạn. Nỗ lực giành giật sự sống cho tôi, cũng đổ bể. Có lẽ vậy. Vì ngay bây giờ, tôi đang đứng trước một đường hầm tối. Từ phía cuối đường hầm, những đốm sáng dần hiện ra, rồi chậm rãi tiến đến gần nơi tôi đang đứng. Là đom đóm, vài mươi con, có lẽ vậy. Ban đầu, chúng bay xung quanh tôi một khoảng cách vừa đủ, để săm soi, dò xét. Rồi bất chợt, chúng bay như một đội hình, thành một vệt sáng trong bóng đêm. Vệt sáng, đúng hơn là một dòng chữ. Tôi đọc vệt sáng, là hai từ, Âm Phủ. Trước khi theo đom đóm đi qua đường hầm, tôi xem lại mình. Đầu tiên, tôi lấy tay sờ đủ mọi nơi trên cơ thể. Từ đầu cho đến chân, dường như vẫn sờ nắn được. Vậy là ở bên kia thế giới, ít nhất là trong thời điểm này, trước khi qua đường hầm, tôi dường như vẫn còn thân xác. Tiếp theo, tôi nhìn quanh, bóng tối vẫn tràn ngập, tôi lò dò, đi về phía sau, để kiểm tra xem có va phải bức tường nào, hay không. Vô ích. Vậy là tôi đổi kế hoạch, bắt đầu đi qua bên trái, bên phải, rồi lại một lần nữa đi về phía sau, ngược lại với lối vào đường hầm, nhưng dường như, vẫn không tiến thêm được một bước nào. Tôi ngẩng đầu lên, vì tôi cho rằng, khi chết, xuống âm phủ, là đi xuống lòng đất. Nên nhìn lên, nếu phóng được đôi mắt xuyên qua màn đêm, có khi tôi lại thấy tôi ở dương gian. Có khi tôi lại thấy cô Mây, và đám người Ba Gai, đang gào khóc. Nhưng vô ích. Vẫn là màn đêm bao phủ lấy nơi tôi đang đứng. Tôi lại nhìn về phía đường hầm, lúc này bọn đom đóm vẫn bay la đà cách tôi chừng năm mét, như chờ đợi, mời gọi, tôi đi theo chúng. Khi bước vào trong đường hầm, theo đom đóm, lần đầu tiên tôi cảm nhận được mình đang di chuyển. Cứ vài trăm bước, chúng lại rẽ sang một hướng khác. Chừng được mười lần như thế, chúng dừng lại. Tôi tiến đến gần và một cánh cửa dần lộ ra.

Anh đang ở âm phủ, nếu không có việc gì gấp, vài bữa anh về

Tôi cứ nài nỉ cô thủ thư ngồi ở ô cửa số 1, ghi giúp tôi lên tờ A4 thứ hai mươi chín, một câu như thế, rồi gửi bảo-đảm, đóng dấu hoả-tốc, đem lên trần gian đưa cô Mây. Cô thủ thư đeo kính, tóc xoăn, cột đuôi gà. Khi cô lắc đầu, cái đuôi ngoe nguẩy, từ bên này sang bên kia. Cổ nói, trách nhiệm của Ban Điều Phối, là đưa tôi đến đúng Phòng Chờ, rồi từ đó nhận quyết định đi đầu thai. Chứ không có việc, gửi thư, hẹn ngày về. Cổ nói thêm, rằng không có ngày về, cho anh đâu. Cổ nói, anh nên ngoan ngoãn hợp tác, anh coi, nhiều người đang chờ anh, kia kìa. Tôi quay lại đằng sau, thấy một hàng dài những người, tôi nhìn xung quanh tôi, là nhiều hàng người, đang chờ đến lượt. Tôi đếm có 12 ô tất cả, trong một căn phòng có một dãy bàn dài và một dãy ghế dài. Tôi đang ngồi trên ghế, giữa tôi và cô thủ thư, là một lớp cửa kính được chừa một khoảng hở chừng hai gang-tay. Cô thủ thư lấy ra một tờ giấy, rồi từ tốn đẩy sang phần bàn người đối diện. Tôi nhìn chằm chằm vào tờ giấy, với dòng tiêu đề lớn, nó ghi: Tờ Khai. Nó yêu cầu, Họ và Tên (thật), Quê quán (thật), số Chứng minh thư (thật), Ngày tháng năm sinh (thật), Ngày tháng năm mất (ước chừng), Lý do mất (ước chừng), Hộ khẩu thường trú (thật), Nghề nghiệp (có thể có nhiều, hoặc không), Vợ chồng (có thể có nhiều, hoặc không), Con cháu (có thể có nhiều, hoặc không)… một lô lốc những thông tin khác về Tôn giáo, quan điểm, vân vân và vân vân. Ở dòng cuối cùng nó ghi Nguyện Vọng (không được bỏ trống), rồi chừa ra chừng nửa trang giấy, để người khai ghi vào. Tôi hỏi cô thủ thư, nguyện vọng ở đây, là gì? Khi tôi vừa ngước mắt lên, đã thấy đôi mắt cổ chờ sẵn, như tất cả những ai từng ngồi đây, đều sẽ có cùng một thắc mắc. Cổ nói, là bất cứ thứ gì anh muốn. Tôi hỏi, bất cứ thứ gì như là cái gì? Đôi mắt cô thủ thư vẫn không di chuyển, cô nói, như là, anh có oan ức gì, anh có bất mãn gì, anh còn điều gì nuối tiếc, trước khi tới đây? Tôi lắc đầu ra vẻ như không có gì, rồi trở lại với tờ giấy. Tôi lấy cây viết rồi bắt đầu ghi trơn tru những sự thật, tôi ngồi nắn nót từng chữ, Họ và Tên, Ngày tháng năm sinh, về Đấng sinh thành, chầm chậm từng nét một. Vì thiết nghĩ, có khi đây là lần cuối cùng tôi làm một tờ khai, không biết chừng. Đến phần Nguyện Vọng, tôi nói với cô thủ thư, rằng tôi thật lòng, không có nguyện vọng gì. Cổ lại lắc đầu. Cổ nói, anh nhất thiết, phải có một nguyện vọng, đó là quy định, là chính sách. Một người khi chết, mà không có vướng bận gì, thì chỉ có là thánh nhân, mà thôi. Cả trăm lần anh ghé đây, có lần nào mà anh không ghi một núi những nguyện vọng, khi thì anh đòi đẻ ra làm con nhà giàu, khi thì anh đòi làm quan chức, khi thì anh nhất quyết làm nhà thơ, khi thì anh đòi hai ba cô vợ… chúng tôi còn lưu trữ giấy tờ, đầy đủ. Anh con-người, mã số D176. Lần trước anh tới đây, là hơn tám mươi năm, anh còn xin thêm tờ giấy trắng, để ghi thêm. Tôi khuyên anh, bây giờ anh ngồi nhớ lại, vài chuyện cũ, lớn nhỏ gì cũng được, rồi ghi vào, cho đúng với chính sách, thì tôi cho anh qua. Còn nếu không, anh cứ lẩn quẩn ở đây mãi, chuyện không đi đến đâu hết.

Nguyện vọng cđm gì? – Tôi nói. Rồi đập bàn đứng dậy toan cởi chiếc áo sơ mi đang mặc. Ở đây, đám người chết mặc toàn một bộ đồ trắng, từ trên xuống, áo vải trắng, quần vải trắng, đôi dép quai kẹp cũng trắng, tóc tai của dòng người đang đứng đằng sau tôi hầu hết đều trắng. Tôi toan cởi áo, thì cô em thủ thư đưa bàn tay lên ra hiệu cho tôi ngừng, cô nói, vết thương của anh, lành rồi. Tôi trả lời rằng tốt, tôi định cho cô xem lý do vì sao tôi ở đây, rồi nhân chuyện cái vết đạn đấy, tôi thổ lộ nguyện vọng, cho đúng chính sách. Nguyện vọng của tôi, là muốn đi chùa với cô Mây, cho xong. Tôi nói, lý do đám người chúng tôi rượt đuổi nhau trên Đà Lạt, là bởi vì bọn người nhà Gươm Thiêng phát hiện ra tôi đi chùa với cô Mây. Cái thằng đầu trọc có chân tu (tôi chỉ tay lên trời), ban đầu tôi tưởng nó là sư trong chùa, ai dè đâu nó là sát thủ, lúc tôi vừa định ra về thì nó áp sát định cho tôi một nhát chí mạng, ai dè đâu thằng Ngộ có mặt vừa kịp lúc để can thiệp, rồi đẩy tôi vào trong xe. Các anh các chị thấy vậy (tôi nhìn quanh dãy bàn), mà không ứng cứu, phù phép, gì đó, để tôi sống. Mà thêm một lần nữa đẩy tôi cho thằng đội trưởng, còn man rợ hơn. Nên giờ tôi đứng đây, gửi thư cô không cho gửi, đòi sống lại thì cô nói không có ngày về. Nhưng nhất quyết đòi tôi phải có một nguyện vọng. Thì tôi ghi: Một, cho tôi quay lại phân cảnh đi Chùa, để tôi sửa sai, còn nếu không được, thì Hai, cho tôi khỏi đầu thai. Là chấm hết.

Nghe tôi nói xong, cô thủ thư như chợt phát hiện ra một điều gì đó, lúc này cô nói tôi chờ một chút, rồi quay ra đằng sau, hướng đến chỗ một ông công chức già. Ông này ngồi bàn riêng, ngay sau dãy bàn làm việc của các cô thủ thư. Cô rì rầm nói với ông một lát, thì ông đứng dậy. Ông có dáng người cao lớn, gương mặt gầy gò khắc khổ, nhưng luôn thường trực một nụ cười. Ông tiến đến ô cửa nơi tôi đang ngồi, rồi nói, có một số thông tin anh khai báo chúng tôi thấy không khớp với hồ sơ chúng tôi đang có, vậy mong anh, anh D176, dành chút thời gian đi theo tôi để làm rõ một vài vấn đề, anh nhé. Anh mang theo chứng minh thư, hộ khẩu có công chứng, giấy tạm trú có xác nhận của công an phường, hai tấm ảnh 3/4 chụp gần đây nhất, rồi đi theo tôi.

Tôi hỏi, rằng nên gọi ông ta là anh, hay chú. Thì ổng nói, nhìn bề ngoài, thì là anh, nhưng thực ra về vai vế, ở cái chốn âm ti này, thì tôi, là D176, còn ông ta, là N402. Ổng kết luận, ổng phải gọi tôi bằng, cụ, kị, trở lên. N402 đưa tôi đến một khu để xe đạp, chừng mười mấy chiếc, rồi kêu tôi chọn. Tôi chỉ muốn chấm dứt việc này, cho nhanh, nên chọn qua loa một chiếc, có cái rổ lớn ở đầu xe, để nhét đống giấy tờ. N402 muốn tôi gọi ông ta là Thầy Đức. Gọi nguyên văn hai chữ, không được chỉ Thầy, và cũng không được chỉ Đức. Thầy Đức chọn một chiếc đầm xám và đạp song song với tôi một quãng dài. Từ quầy lễ tân âm ti ra khu để xe tầm hai trăm mét, chúng tôi đạp tà tà từ đó đã chừng một kí-lô-mét mà chưa thấy bóng dáng của phòng tư liệu, nơi Thầy Đức muốn đưa tôi đến. Đường chúng tôi đi, một bên là vách núi, bên kia là biển. Hôm nay lại một ngày trời nắng gắt, nên biển lấp lánh. Tôi hỏi thầy Đức, là ông ta có biết cô Mây, về tương lai, hay qua khứ của cổ? Cổ sẽ sống đến năm, bao nhiêu tuổi? Lần cuối cùng cổ đến đây, là khi nào? Cổ mang mã số bao nhiêu? Là cụ kị, hay hàng cháu chắt, của tôi? Thầy Đức không trả lời một câu nào, điều ông ta làm sau mỗi câu hỏi, là nhắm đôi mắt thật chậm, để thay cho cái gật đầu, tôi đoán thế. Tôi đoán, rằng ông ta biết, nhưng không thể nói.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *