(Chú thích: Nực cười một cái là bài này rất nhiều lỗi chính tả)
—
Tôi rất tự hào khi thừa nhận rằng, tôi đã có một năm làm việc đầu tiên hoàn toàn thất bại. và tôi thực sự trưởng thành từ những thất bại này.
Tôi là trưởng nhóm IT của một công ty nhỏ, đây là năm làm việc đầu tiên trong đời (newbie). Vì vậy bài viết này sẽ rất thích hợp với người đang ở thời điểm, vị trí, môi trường tương tự.
Sau đây là những gì tôi muốn chia sẻ
—————————
Đầu tiên.
Lỗi chính tả
Vâng, bạn có thể là một siêu sao nhạc Rock, bạn code nhanh hơn ánh sáng, nhưng lỗi chính tả có thể làm sụp đổ hoàn toàn công sức của bạn. Khách hàng, những người không bao giờ quan tâm đến kỹ thuật, họ chỉ nhìn vào cách trình bày tác phẩm, câu chữ, sự âu yếm, và nếu bạn mắc lỗi:
0 điểm.
Thường thì ứng cử viên cho vị trí này chỉ giỏi tiếng Việt thôi chưa đủ. Người đó còn phải có sự kiên nhẫn và tập trung. Thử tưởng tượng bạn phải đọc qua nhiều ngàn chữ, chỉ cần mất tập trung vài giây là có thể gây ra sai lầm.
Đừng xem thường, Achiles đã không bao giờ mang giày.
Nghĩ xa, không nghĩ dài hơi
Nếu bạn trẻ, thì dễ mắc lỗi này nhất. Đây là thời gian bạn nghĩ mình có thể nghiền nát mọi tượng đài trên thế giới. Khi nhận một project thì bạn thường có xu hướng xây dựng một tòa lâu đài, bạn kiến trúc một website vĩ đại, một database tầm cỡ và một lộ trình thiên thu bất tận. Bạn nghĩ là mình hoàn toàn có thể làm được điều đó ?
Tôi tin là bạn làm được. Nhưng đừng làm vậy.
Bạn đang ở trong một tổ chức, ngoài tài năng của bạn, bạn còn bị ảnh hưởng bởi rất nhiều thức khác: thời gian, nguồn kinh phí, nhân lực…và đặc biệt trong một công ty nhỏ, điều đó càng khó thực hiện hơn. Bạn rất ít khi được thực hiện một project với 100% sức lực từ đầu đến cuối, mà phải phân bổ thời gian cho nhiều project khác nhau. Bạn phải vừa làm mọi thứ để vừa tìm nguồn tiền hoạt động vừa hoàn thành project đó.
Vì vậy, hãy có tầm nhìn xa cho sản phẩm, nhưng đừng cố gắng đưa ra một tuyệt tác ngay trong phiên bản đầu tiên. Việc bạn cần làm là đưa ra sản phẩm đủ tốt. sau đó nâng cấp từ từ.
Copy – Paste team
Trong một công ty, bạn luôn cố gắng tìm được người tài giỏi càng nhiều càng tốt. Nhưng như vậy cũng không ổn, bạn vẫn cần một số người làm những công việc được cho là thấp hơn. Có một người nghĩ ra nó, chưa đủ. Chúng ta cần một nhóm thi công. Tôi gọi đó là nhóm Copy – Paste.
Đó là những thành viên làm các công việc *cấp thấp* như: đánh Word, thay đổi Font chữ, chuyển mã unicode, resize ảnh…copy – paste, copy – paste, copy rồi lại paste.
Một lần, tôi cố gắng mời một người bạn rất giỏi và tôi nhận một câu nói: “Mình sẵn sàng vào làm công ty bạn, nhưng thiết kế web Html thì xin miễn”.
Khi một người từ chối các công việc như thế này (không phải lỗi của họ) thì có nhiều lý do, một trong những lý do đó:
- Tôi là thiên tài, hãy giao cho tôi những công việc xứng tầm.
- Tôi đến đây để học hỏi những điều mới mẻ, những công việc này tôi đã có thể làm ở nhà.
- Đơn giản là tôi không thích. (tôi thuộc nhóm này).
Nhóm Copy – Paste thường rơi vào những thành viên mới, thực tập hoặc các thành viên tận tâm với công ty, sẵn sàng làm mọi công việc (nhóm này rất hiếm, vì còn tùy thuộc vào đạo đức, tâm lý, khả năng thu phục người của sếp bạn, ở công ty tôi, sếp đã làm việc này thành công không chê được, nhưng dù họ yêu công ty bạn đến cở nào, họ vẫn yêu họ hơn) hoặc là nhóm thành viên muốn đến để học nghề, họ chấp nhận làm những công việc đó để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm…trong một thời gian ngắn, hoặc họ làm với phân nửa trái tim.
Điều tôi nghĩ bạn nên làm là:
- Giải thích cho họ hiểu ý nghĩa mà công việc của họ mang lại.
- Luân phiên công việc đó cho các thành viên trong nhóm (đây là cách tôi đang sử dụng).
- Hãy cố luôn có sẵn các thành viên dự bị.
Cai nghiện
Tôi là một người nghiện Microsoft, và tôi luôn muốn áp dụng những kỹ thuật mới nhất vào công việc.
Và nếu bạn cũng mắc cơn nghiện này, hãy cố gắng thoát khỏi nó.
Bởi vì dù công nghệ, kỹ thuật mới có cool, có tuyệt vời đến mấy thì bạn cũng phải mất nhiều thời gian để chuyển đổi, đào tạo và tốn kinh phí để nâng cấp. Cho nên, nếu những gì bạn đang có đem lại hiệu quả, hãy bằng lòng với nó. Tôi biết Silverlight mạnh đấy, nhưng sẽ mất bao nhiêu thời gian để làm chủ nó ? và công ty của bạn chỉ làm một công ty nhỏ, R&D chỉ là một bộ phận ảo, có nên không ?
Hãy quan sát những gì mình đang có, nếu nó tốt. Đừng mạo hiểm.
Súng đạn, xe tăng, máy bay thả bom điếc đặc không nghe lời
Cứ cho là bạn đang có một dàn chiến binh thông minh, dũng cảm đi, nhưng thiếu vũ khí, đạn dược và chúng thường xuyên làm nũng khi ra trận thì rất nguy hiểm. Đối với những công ty nhỏ, khi tiền đổ vào các thiết bị không nhiều (công ty càng nhỏ, tham vọng càng lớn, nguy cơ hỏng hóc và thiếu vũ khí càng lớn). RAM, ổ cứng, CPU, màn hình liên tục trở chứng mà chưa có tiền để thay thế nâng cấp, sống trong phập phồng lo sợ…
Suy nghĩ của tôi: tôi thà không thuê thêm người, dành số tiền đó để sẵn sàng vũ khí.
Hãy thừa nhận những yếu kém của bản thân một cách sáng suốt
“Yeah, yes, được, vâng, tất nhiên, ok, ừa, sure, ông đùa với tôi à ? Các bạn nghĩ tôi là ai ? Microsoft đang săn đuổi tôi…”
Đó là những thứ bạn không bao giờ nên nói nếu bạn chưa bảo đảm công việc trong khả năng của bạn.
Ok, tôi công nhận bạn là thiên tài (nếu bạn muốn vậy).
Nhưng hãy thú nhận đi, chắc chắn phải có những điều bạn chưa làm được chứ ! Thành thật với bản thân là cách gìn giữ uy tín và lòng tự hào của bạn, và cả việc làm của các thành viên trong nhóm nữa.
Tôi đã nhiều lần đánh mất nó, đừng đi theo vết xe đổ của tôi.
Robinson
Ngồi trong phòng họp đầy người như đang ngồi trên hoang đảo. Bạn hãy sẵn sàng đối mặt với cảm giác không ai hiểu mình. Sếp của bạn cho rằng việc bạn đang làm thì có gì là khó ? Coding à ? 10 ngày à ? quá lâu !!! copy paste không được sao ? khả năng của anh (tức là bạn đó) kém vậy sao ? (hãy tin tôi, 90% là bạn thực sự kém như vậy). Vấn đề bực nhất là, những gì mà bạn nghe sếp nói tưởng chừng như Bill Gates còn phải viết báo cáo hàng năm cho ông ta.
Sau nhiều lần ấm ức, tôi đi đến giải pháp là im lặng và làm. Bởi vì nếu bạn cố giải thích điều mà sếp bạn không thể hiểu, thì chỉ làm mất thời gian, và người có lỗi, người đem lại rắc rối khi đó lại chính là bạn. Hãy từ chối nếu công việc ngoài khả năng của bạn, chứ đừng tranh cãi xem sếp và bạn, ai là người đang chuyển động.
Cũng đừng mang trong đầu bạn suy nghĩ rằng cả thế giới không hiểu mình. Trước khi có suy nghĩ đó, hãy đặt câu hỏi : Nếu bạn là sếp, bạn có làm như ông ta không ?
Nhân sự
Tôi luôn muốn tìm người tài, ai cũng vậy, right ? nhưng đối với những công ty nhỏ, điều đó là rất khó. Thường thì những người giỏi chọn những công ty lớn, có điều thăng tiến hoặc nhà trường giữ lại, những người mà tôi có được thường là tốt nghiệp ở mức khá, trung bình hoặc vì tình cảm với công ty.
Công ty nhỏ, giấc mơ lớn. Không có người thực hiện.
Công ty nhỏ, lương thấp, khó có khả năng cổ phần, không ai ở lại.
Công ty nhỏ, yêu cầu chất lượng sản phẩm cao, không tuyển người thừa.
Công ty càng nhỏ, vấn đề nhân sự càng không nhỏ.
Tôi có những người tài, nhưng luôn trong tư thế sẵn sàng mất họ.
Thực sự, tôi vẫn chưa có giải pháp cho vấn đề này, và luôn cố gắng để sẵn trong đầu một danh sách thay thế.
Nhưng bạn cũng đừng nghĩ rằng những cá nhân xuất sắc sẽ đem lại thành công cho công ty bạn, nếu họ nằm trong những công ty nhỏ thì những giải pháp, suy nghĩ lớn lao của họ chỉ làm công ty bạn hụt hơi để chạy theo chúng, và họ cũng chán nản mệt mỏi. Đừng làm khổ nhau. Hãy đưa họ về biển lớn.
Những gì bạn cần là một tập thể phù hợp chứ không phải Real Madrid.
Hãy làm những gì mình thích
Điều cuối cùng và quan trọng nhất tôi muốn nói với bạn: hãy làm những gì bạn thực sự yêu thích.
Bởi vì nếu bạn cố làm những công việc bạn không dành toàn bộ tấm lòng cho nó, bạn chỉ hại bản thân mình và tệ hơn nữa, bạn làm hại công ty, tổ chức mà bạn đang hoạt động.
Suy cho cùng, cách tốt nhất để bạn đóng góp cho thế giới này, chính là làm những việc mà bạn có thể cống hiến hết khả năng của mình. Vì vậy, nếu bạn gặp những công việc không hứng thú, hãy từ chối ngay lập tức. Nếu đã bước vào công việc đó, một là thay đổi cách nghĩ, hai là vì danh dự và trách nhiệm mà kết thúc nó, sau đó hãy làm theo tiếng gọi trái tim.
Cách để nhận biết bạn có thực sự yêu công việc bạn đang làm hay không:
- Bạn có làm việc quên giờ giấc không ?
- Bạn có vui vẻ nhận mức lương thấp hơn không ?
- Bạn có sẵn sàng dẹp bỏ poster diễn viên mà bạn yêu thích và thay vào đó là một bản tiến độ ngoẳn ngoèo không ?
Hãy nhớ, dù Chúa cho chúng ta tổng cộng một cuộc sống với quỹ thời gian dài 100 năm. Ngài vẫn có thể lấy lại nó bất cứ lúc nào.
Vì vậy, đừng để bạn phải hối tiếc.
(Bài viết này dành tặng cho giám đốc như một lời cảm ơn người đã dạy dỗ và chịu đựng tôi rất nhiều. )