Tàu cá

Tôi đang ngồi uống bia ngoài bờ-kè. Tôi ngồi một mình, uống một chai Sài Gòn Xanh, ăn ốc hương mọi. Quán nhỏ, lác đác vài đôi bàn gỗ xếp cạnh nhau, lác đác vài ba ghế lùn, lác đác vài vị khách. Những quán như thế này nằm rải rác trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Đa số bán những món như nhau: ghẹ luộc, tôm nướng, vài ba loại ốc. Đa số khách ở quán là dân chài hoặc sống gần đó. Đa số những quán bờ-kè bán với giá bình dân. Tôi đang ngồi ghi một lá thư, cho anh Hố Đen. Ổng vẫn nhất định không dùng điện thoại thông minh, nên ổng không có thư-điện-tử, không mạng-xã-hội, không gì hết. điện thoại ổng xài chỉ để nhắn tin và nghe gọi, nên nếu muốn trình bày chuyện gì dài dòng, thân mật, chỉ có cách ghi một lá thư. Hố Đen sẽ đọc, ổng mê thư, mê sách, mê tạp chí, và cũng mê ghi này, ghi nọ. Lý do tôi ghi thư là để xin lỗi. Hai đêm trước tôi nói, chỉ mượn con tàu chừng vài giờ, ai ngờ tôi ngủ đến tận sáng. Ổng lỡ việc, mà không rầy rà gì tôi. Nhưng đó chưa phải là chuyện lớn, chuyện lớn là, đêm đó tôi say bí tỉ. Tôi uống từ ba giờ chiều cho tới quá nửa đêm, lúc từ nhà hàng Ra Khơi qua chỗ tàu cá tôi đã ngà say, ngồi trên tàu, uống thêm chai rượu đi biển để sẵn, thì tôi say hẳn. Khi say hẳn, tôi bắt đầu đi đi lại lại trên tàu, thấy cái gì, tôi ném cái đó. Tôi ném lưới chài. Tôi ném nồi, niêu, xoong, chảo. Chưa hết, tìm được con dao, tôi cắt luôn sợi dây thừng đang neo vào bến. Mây cản, Mây năn nỉ, Mây kêu tôi đi nằm. Nhưng tôi cắt được sợi dây thừng, để con tàu có thể rời bến. Tôi nói, tụi mình phải đi xa chỗ này. Tôi nói. Tụi người-nhái phải ở đâu đây, nó bắt em, là không được. Mây nói tôi điên. Nhưng tôi không điên, có người nhái thật, là anh Hố Đen. Ổng nghe tôi hát, tôi gào theo bài Alesund. Ổng nghe tiếng Mây can gián. Biết có chuyện chẳng lành, ổng chạy tới chỗ con tàu, thấy tôi vừa nổ máy được một đoạn ngắn, thì ngừng. Mây bắt tôi phải ngừng. Mây khóc, nói tôi điên. Mây khóc, nên tôi ngừng. Hố Đen bơi một mạch tới chỗ tàu cá thì trồi lên, nhảy phóc lên tàu, phi tới chỗ buồng lái, kéo tay đưa tôi vào một góc, cho nằm ngủ. Tôi chống đối, tôi nói, anh để tụi em đi, em mua luôn con tàu, mai em chuyển khoản. Ổng nói tôi là thằng khùng, Mây nói tôi điên. Xong tôi nằm lăn ra ngủ như chết. Lúc mở mắt ra là gần 10 giờ sáng. Lúc mở mắt ra tôi thấy Mây đang ngồi đó. Lúc mở mắt ra tôi đang đắp mền của tôi, tức là mền tôi dùng mỗi đêm ở nhà, ở số ** Nguyễn Đình Chiểu. Vậy có nghĩa là, Mây đã chạy về nhà lấy mền cho tôi. Lúc mở mắt ra tôi tìm Mây trước hết, mắt tôi dừng lại chỗ Mây đang ngồi. Thấy tôi mở mắt, cổ chỉ liếc sang rồi nhìn đi chỗ khác. Mây vẫn mặc đầm hôm qua, đầm xanh màu đêm, vậy có nghĩa là về tới nhà lấy mền cho tôi, rồi cổ đi ngay. Tôi nói, cám ơn. Cô ả không trả lời, cô ả đang cầm sách, cầm Trăm Năm Cô Đơn, cô ả đang đọc. Tôi nhìn quyển sách, cô ả đang đọc ở những trang giữa, vậy là đang đọc lại những đoạn mình thích. Tôi lại nhìn quanh con tàu, con tàu trống vắng hết cả, tôi ném hết xuống biển còn đâu. Tôi lại nói xin lỗi, rồi tôi lại nhìn quanh, còn duy nhất cây đàn ghi-ta. Tôi ngồi bật dậy, đầu tôi váng vất, đầu tôi nhức như búa bổ. Tôi uống loại bia ngon, loại bia thường khi say người ta vẫn ngủ êm, nhưng tôi trộn thêm rượu, tôi trộn thêm gió từ biển lạnh như cắt da thịt, tôi còn trộn thêm nhiều nỗi muộn phiền. Nên sáng nay đầu tôi như búa bổ. Tôi liếc sang Mây, xem cổ có thấy thương xót tôi không. Cô ả liếc sang tôi, rồi lại dán mắt vào Trăm Năm Cô Đơn. Tôi ngồi dậy để lấy cây đàn, đêm qua lúc say, tôi vẫn ý thức mình không thể ném đàn, ném nhạc đi được. Tôi ngồi dậy cầm lấy cây đàn, tôi lại đàn đoạn dạo đầu của Alesund. Tôi đàn mà mắt tôi dán vào Mây. Vì đêm qua, nỗi muộn phiền tôi trộn, là nỗi muộn phiền về Mây.

Ngày nào tôi chưa thú nhận về chùm chìa số bốn, về tự-khuây-khỏa, thì ngày đó tôi không thể ngủ yên. Điều tôi lo sợ nhất, là lỡ chúng tôi có lấy nhau, một ngày đẹp trời Mây thổ lộ, Mây chọn tôi vì chi tiết chùm chìa, vì tôi không hư hỏng, thì đời tôi kể như hết. Cuộc tình này này được dựng lên từ một lời dối trá. Cổ còn chưa kịp ân xá chuyện cũ, thì tôi đã phạm một tội khác. Nên ngay bây giờ đây, ngồi ở quán bờ-kè, tôi ghi tới hai lá thư. Một cho Hố Đen, một cho Mây. Ghi thư cho Hố Đen tôi ghi một mạch, ghi thư cho Mây tôi xé ba lần. Lần một tôi xé tại câu chữ, lần hai tôi xé tại đổ lỗi cho rượu, lần thứ ba tôi xé tại vin vào đám người-nhái. Lá thư chi chít những gạch bỏ, đóng khung, một bãi chiến trường ngổn ngang. Đặt tờ A4 thứ tư lên bàn tôi không viết ngay. Tôi lôi chai bia ra uống, tu một hơi gần nửa chai xong, tôi lôi biển ra ngắm. Tôi nhìn đồng hồ, gần 4 giờ chiều. 4 giờ chiều trời vẫn còn nắng gắt, nên nhìn ra biển, tôi thấy những ngọn sóng lấp lánh chói loà đôi mắt. Màu biển xanh ngọc, màu trời xanh biếc, còn tôi thì xanh xao. Tính đến 4 giờ chiều hôm nay, là đã gần ba mươi giờ đồng hồ Mây không nói với tôi một lời nào. Thật ra chúng tôi có trao đổi một lần, khi từ chỗ anh Hố Đen về lại quán, cổ có hỏi, mở quán không? Tôi nghe câu hỏi khô khốc, hơi bực bội, tôi trả lời, có cái gì thì mở hết ra. Cô ả lại lườm, ngúyt. Tôi nhìn lại tờ A4, nhà tôi chẳng có tờ A4 nào, trước khi đến đây tôi phải lượn lờ tìm một tiệm văn phòng phẩm, tôi mua luôn một xấp, ba cây viết mực màu xanh, đỏ, đen. Đầu tiên tôi thử màu xanh, thấy yếu đuối, ngây ngô như thuở học trò. Tôi sang màu đỏ, thì lại quá nghiêm trọng, dòng chữ viết ra như răn đe người đọc, hơn là cầu xin sự tha thứ. Chỉ còn màu đen là được hơn cả, mạnh mẽ, ghi câu chữ khẩn khoản một chút thì đọc như đưa tang. Tôi lại bắt đầu ghi những lời đưa tang lần thứ tư. Tôi ghi. Chào Mây. Cảm tưởng như gửi thư cho đối tác, nên tôi gạch bỏ. Lấy một tờ A4 nữa, tờ thứ 5. Tôi ghi. Hello Mây. Nghe như một thằng thất nghiệp. Tờ thứ 6, tôi ghi, Mây, nghe như ra lệnh. Tờ thứ 7 chưa kịp nghĩ ra gì tôi đã ghi trong vô thức, hỏi, em khoẻ không. Tờ thứ 8, 9, 10 cũng không khá hơn. Tôi vò một đống giấy rồi để dưới bàn, tôi gọi thêm chai Sài Gòn Xanh. Để lấy cảm hứng, tôi ngồi đọc lại lá thư tôi ghi cho anh Hố Đen. Một văn bản không chê vào đâu được, tôi không chào hỏi gì hết, tôi xin lỗi chuyện hai đêm trước rồi liệt kê ra những thứ tôi đã ném. Tôi gạch đầu dòng từng món, sau tên là chi phí đền bù, tôi ước chừng rồi cộng thêm chừng năm mươi đến một trăm ngàn tùy món. Xong tôi gạch một đường dài ghi ra số tổng, cỡ ba triệu rưỡi. Tôi đền bù thêm phí tổn tinh thần và tiền công dọn dẹp là một triệu nữa. Đoạn kết thư tôi ghi lời xin lỗi và hứa không bao giờ tái phạm. Tôi ghi ngày tháng và ký tên. Xong tôi gấp lại tờ A4 rồi nhét vào bao thư, tôi bỏ vào đó năm triệu đồng, là mười tờ năm trăm ngàn. Ngoài bìa thư tôi ghi. Em Đăng gửi anh Hố Đen. Thư cho ổng tôi chỉ viết một lần, thư cho Mây tôi vò đã mười lần. Nghĩ tới chuyện vò, tôi mới nghĩ, thay vì vò, tôi nên vờ. Vờ là sở trường của tôi. Tôi không vò tờ giấy nữa, mà tôi vờ như chưa có chuyện gì xảy ra. Trong từ điển, vờ chỉ cách vợ có hai bước chân, còn vò cách tới mười ba bước. Tôi sẽ kết thúc chuyện này bằng một chiếc vòng cổ chân làm quà. Vừa có chút thành ý, mà cũng không phải hạ mình, vì đàn bà con gái, hạ mình một lần, thì sẽ có lần thứ hai, thứ ba, thứ bảy, chủ nhật. Hài lòng với sáng kiến, tôi uống hết chỗ bia còn lại, tính tiền xong tôi đứng dậy ra về. Tôi đi bộ tà tà, lối đi lót gạch vàng, chiều bắt đầu nhuốm màu vàng lên đầu những con sóng. Tôi nghĩ đến Mây, tôi nhớ cổ nói tôi điên, tôi nhớ, giọt nước mắt lăn dài của cô ả khi thấy tôi cầm dao cắt sợi dây thừng, tôi nhớ, mắt cổ nhoè đi khi tôi nổ máy, tôi nhớ, tôi hứa sẽ đưa cổ tới thiên đàng. Giờ Mây ở đàng trong, còn tôi ở đàng ngoài. Tôi xua suy nghĩ, tôi xua luôn cái bóng tôi trước mặt. Tôi định đổ tội cho bóng, khi say là bóng tôi hành xử. Nhưng sự thật là, mỗi khi say, nếu buồn thì tôi sẽ câm điếc, còn nếu vui thì tôi như một thằng điên. Hai đêm trước ngồi bên Mây, là một trong những đêm vui nhất cuộc đời, mà tổn thất chỉ năm triệu đồng. Tôi lại xua suy nghĩ, tôi lại đi với cái đầu trống rỗng, tôi hướng về cửa hàng quà lưu niệm, tên Kẹo Đồng. Chủ cửa hàng là hai vợ chồng. Người tên Đăng, người tên Vi.

Tôi lấy ra tờ A4, tờ thứ 12. Tôi ngồi cùng hai vợ chồng chủ tiệm. Tôi để tờ giấy trên bàn gỗ, nằm giữa bốn bức tường làm từ những viên gạch khối, ở mỗi góc tường là cột trụ, mỗi cột trụ đính một hộp đèn. Dọc bốn bức tường là những kệ gỗ lớn nhỏ nằm luân phiên, kệ thú bông, kệ trang phục, kệ đồ trang sức, kệ văn phòng phẩm, kệ sách. Giữa những kệ gỗ, là chiếc đồng hồ cổ xưa cao chừng hai mét, một bức tượng hiệp sĩ dòng đền, một quả địa cầu lớn. Rải rác khắp gian phòng là những lọ đèn xanh tím. Chính giữa, trên trần nhà, là chùm đèn tròn. Kẹo Đồng như một gian hàng phù thủy. Nhưng hai vợ chồng chủ tiệm không phải phù thủy, họ là luật sư, tôi là thân chủ, còn Mây là bên thưa kiện. Tôi đang vẽ ra một mê cung chằng chịt những vấn đề nan giải. Để nhờ họ cãi cho tôi, một lời bào chữa. Anh chồng, cũng tên Đăng, tạm gọi là Đăng-nhỏ, nói tôi đang vẽ ra bản đồ nhà Hán. Đăng-nhỏ mê truyện Tàu. Mỗi lần ghé tiệm, nếu thưa khách, thì cô vợ đứng bán, còn nó thì ngồi đọc Kim Dung. Nó mê kiếm hiệp, gọi tất cả khách hàng là huynh đệ. Có lần chỉ vào kệ sách, nó nói, tụi em đọc nhiều để hiểu tâm tư con người, thì mới bào chữa được. Nhưng tôi quan sát, chỉ thấy Vi đọc, còn nó cứ dán mắt vào Kim Dung. Đăng nhỏ người, khi nói chuyện thì để một nụ cười thường trực, mắt nó một mí nên cười gian. Nhất là những lúc lấy đồ trên kệ xuống, nó quay sang, liếc, cười với khách, người nào quen thì nó còn tặng thêm, vài câu mỉa. Nó nói, tặng món này thì huynh đệ mười xăng-ti-mét, cũng thành mười bảy, mười tám. Hai vợ chồng đều tử tế, một lần tôi mua quà cho mẹ, món đồ một triệu rưỡi, tôi cố tình đưa một triệu tư, nhưng cả hai đều không hay biết, Đăng còn khen tôi, hảo huynh đệ. Hai vợ chồng Kẹo Đồng cũng là khách quen ở quán, mỗi tháng ghé chừng một lần. Đăng chỉ nói chuyện Kim Dung khi ở tiệm, bước ra ngoài, nó nói giọng miền Tây đặc sệt. Khoẻ không quơi, cơm chưa quơi. Tôi vừa gạch đầu dòng những vấn đề trên tờ A4, vừa kể lại toàn bộ sự tình. Tôi liệt kê những sự kiện quan trọng, nhưng tôi ém nhẹm hai chi tiết về chùm-bốn và khuây-khỏa, tôi chỉ đề cập sơ qua, là tôi cũng hơi dâm đãng. Cô Vi nói, chuyện đó thì không thể bào chữa, nên tôi thôi. Tôi nói, chuyện tôi say bí tỉ, rồi tôi đòi nhổ neo đưa Mây tới thiên đàng. Bây giờ Mây giận. Tôi muốn mua quà xin lỗi, là một cái vòng chân, kể như đền bù. Rồi tôi kể về ý nghĩa của vòng chân hoa-cỏ-lá, thì tôi vẽ xong mê cung. Cô Vi nhìn vào mê cung, suy nghĩ. Các ngón tay đang xoay vần cây bút mực, thỉnh thoảng cô khoanh tròn một chi tiết trên tờ A4, rồi quay sang Đăng, thì thầm một câu ngắn, tôi không hiểu, nhưng Đăng hiểu. Cô Vi tóc ngang vai, răng khểnh, cũng hay cười, nhưng không cười mỉa. Nghĩ trong chưa đầy hai phút, cổ hỏi, anh đã yêu cô này chưa, tôi trả lời, tôi không rõ. Đăng hỏi, động phòng chưa, tôi trả lời, chưa. Sống ở Mũi Né đã bảy năm, đây là lần đầu tiên tôi ghé Kẹo Đồng vì chuyện nam-nữ. Tôi nói, Mây đeo vòng ở chân trái, Mây thuận bên trái, cũng như tôi. Tôi muốn tặng cổ chiếc vòng này, để đeo vào chân phải. Tôi nói hai chiếc vòng khi đứng cạnh nhau, như cái còng số tám, như biểu tượng của vô cực, bên trái là nhân sinh, bên phải là nhân tình. Tôi đền bù bằng chiếc vòng nhân tình, nhưng nhờ luật sư nghĩ cách, mờ ám chuyện đó đi, để làm sao, bề ngoài thì như lời bào chữa, nhưng thực chất là tôi muốn kết án, sao cho cổ phải nghĩ đến tôi, lúc này hay lúc khác, mãi mãi. Tôi nói tiếp, phải ám cổ, là bởi vì không biết, chuyện này có thành không, vì tôi ba-lăm, Mây hai-lăm, nhà Mây bán điện thoại thông minh, thì thiếu gì mấy thằng binh chủng trứ danh ghé tới. Tôi lại là một thằng hay giả vờ. Nói tới đó, tôi lại vờ như đang buồn lắm, tôi hay tỏ ra buồn bã, cho giống ki-a-nu-ri’s. Tôi nhìn vào đám lọ đèn xanh tím, định hỏi hai ông bà thầy cãi, trộn đám đèn này lại, thì có thành thứ độc dược tình yêu, làm cho Mây lú lẫn được không. Tôi còn muốn hỏi, ông bà có câu thần chú gì, mà tặng quà xong, thì đêm đó tôi có thể, đưa cặp mắt của tôi vào chân trái, rồi chân phải, rồi lần lên nữa không. Đang thấy buồn chết được thì Đăng-nhỏ vỗ vai, nó nói, huynh đài đừng lo nghĩ, để đệ lo. Tôi quay sang thì thấy nó đang cười, vấn đề của mấy thằng mắt một mí mà hay cười, là mình không biết nó đang an ủi, hay đang mỉa. Nhất là khi cười mỉm. Tôi nói với nó là không sao. Tôi nói. Vợ chồng em đúc cho anh một viên đạn, để anh kết thúc chuyện này. Nguyên do tiệm có tên Kẹo Đồng, là vì hai ông bà chủ nghĩ, tặng quà là phải có sát thương, vào tâm hồn của người nhận, nên ghé tiệm, phải mô tả thật kỹ, vẽ phác thảo sơ đồ tâm hồn của nạn nhân, Kẹo Đồng sẽ đúc một phát trí-mạng. Tôi cao 1m75, nặng gần 80kg, mặt mày sáng sủa. Tôi làm chủ một quán bia, từ quán bia đến nhà tôi chưa tới ba mươi mét, cả hai đều hướng ra biển. Người đời nhìn vào, sẽ tưởng là chỉ huy binh đoàn thiết giáp, tưởng phi công dày dạn kinh nghiệm, tưởng sư đoàn trưởng trở lên. Nhưng trong chuyện nam-nữ, tôi là một thằng đặc công. Tôi toàn đi đêm. Tôi nhờ Kẹo Đồng đúc cho tôi một viên, bên ngoài bọc đường, bọc những lời ăn năn. Tôi nhờ gắn thêm nòng giảm thanh. Nếu đạn không hiệu quả, tôi có thể sắm vai nhẫn giả, nhờ đúc cho tôi phi tiêu. Đêm nay về lại quán, tôi nấp trên những rặng dừa, tôi nấp vào những tiếng xào xạc, tôi nấp vào đêm, chờ cơ hội, nửa đêm, tôi ra tay.

Đúng năm phút thì Cô Vi ngừng xoay bút, cổ bấm bút rồi nhờ tôi đưa một tờ A4 khác, tờ thứ 13. Tôi vẽ một mê cung, Vi vẽ một đường thẳng, duy nhất. Cổ ghi ra giấy, chữ ngọn-hải-đăng. Rồi giải thích. Em nghĩ ra một số phương án, nhưng ngọn-hải-đăng là phù hợp hơn cả, vì ba lý do. Cổ nói, lý do số một khá hiển nhiên, Hải Đăng là tên anh. Lý do số hai, nhìn ngọn-hải-đăng, là nhớ thời gian ở Mũi Né. Lý do số ba, ngọn-hải-đăng mang ý nghĩa định hướng, nếu anh thực sự nghiêm túc với Mây, thì món quà này, tượng trưng cho lời hứa của anh, dành cho Mây, trên mỗi bước chân cổ đi, anh sẽ đưa Mây, đến nơi an toàn. Em nghĩ, anh không nên tặng món quà thể hiện lời xin lỗi, mà nên thể hiện một lời hứa. Lời xin lỗi, anh ghi vào một tờ thiệp, là được, mang trên người một lời xin lỗi, thì không khác gì một gánh nặng. Tôi vỗ tay, tôi nói, hợp lý. Tôi nhìn sang Đăng-nhỏ, tôi thấy nó gật, nó còn nhún vai, ra vẻ, ở Kẹo Đồng chuyện này là hiển nhiên. Bấy giờ Cô Vi ghi lên tờ giấy hai dòng. Dòng thứ nhất, cổ ghi: Tên thân mật = Đăng Bông. Xong cổ nói, nhiều người tên Hải Đăng, Đăng Bông mới đúng là tên, người ta gọi anh. Cổ xuống hàng, dòng thứ hai, cổ ghi: ngọn-hải-đăng = Đèn Biển. Cuối cùng, Vi ghi một hàng chữ lớn: Đăng Bông / Đèn Biển = ĐB. Rồi kết thúc buổi diễn thuyết, bằng một câu chốt hạ. Cổ nói. Tụi em sẽ khắc lên cái vòng cho anh, hai ký tự ĐB. Bề mặt, ta giải thích nó là đèn biển, nhưng thật ra là khắc tên anh. Mây sẽ nhận ra thôi, nhưng cũng không bắt bẻ được. Lúc này thằng Đăng-nhỏ cảm thán, đ* má hay quơi, mỗi lần bị kích động chuyện gì, nó lại quên diễn Kim Dung. Tôi cũng không khá hơn nó, tôi đứng dậy, tôi đi đi lại lại, tôi nói, đờ mờ, đúng rồi, tụi em đi khắc liền cái vòng-kim-cô đó, bao nhiêu tiền, anh gửi, làm gấp, anh về anh đưa Mây, chuyện này mà thành, anh giảm năm mươi phần trăm hóa đơn quán bia, ôn-đờ-thai’m, mỗi lần kích động chuyện gì, tôi lại hay chêm tiếng Anh. Lúc này Đăng-nhỏ đã đi tới kệ đồ trang sức, nó bắt thang rồi đứng lên bậc cao nhất để lấy chiếc vòng, trước khi lấy chiếc vòng, nó nói khơi khơi, bắt thang lên hỏi ông trời. Vừa bước xuống, nó liếc sang tôi, vẫn cái nụ cười quen thuộc mà tôi biết, tôi biết, nó đang muốn diễn dịch thêm một số nghĩa khác, của ĐB, không đợi cho nó làm toán, tôi thúc nó khắc vòng cho nhanh. Tôi đi đi lại lại trong gian phòng, Vi hỏi tôi, sao anh thích Mây. Tôi trả lời, tôi chưa rõ, trước mắt, là cổ không nói nhiều. Tôi đi đi lại lại trong gian phòng, dừng ở chỗ đồng hồ, ngước lên nhìn, đồng hồ chỉ 5 giờ 22 phút, đã hơn ba mươi tiếng đồng hồ, tôi và Mây chưa nói chuyện. Tôi bước đến quả địa cầu đặt gần cửa ra vào, xoay một vòng, lướt qua năm đại dương, tôi tự hỏi, có bao nhiêu ngọn hải đăng còn tồn tại, có bao nhiêu hoa tiêu còn đi tìm ánh sáng, bước ra từ những ngọn tháp canh này? Tôi xoay quả địa cầu, tôi tìm Thái Bình Dương, tôi tìm biển Đông, rồi dừng lại ở dải đất hình chữ S, tôi dán mắt vào đó, tìm vị trí của Sài Gòn, rồi tiến lên trên, đến Mũi Né, từ đó tôi lại nhìn sâu vào, tôi tìm đường Nguyễn Đình Chiểu. Tôi tìm tôi ở Kẹo Đồng, tôi nhìn vào quả địa cầu để tìm tôi, rồi thấy tôi đang nhìn vào quả địa cầu. Tôi giơ bàn tay ra để chào chính tôi. Tôi ba-lăm, đầu sắp hai thứ tóc, đang vận đồ đặc công, áo thun đen, quần tà-lỏn đen, nón kết đen. Một thằng chỉ giỏi đi đêm. Tôi lại nhìn sâu vào quả địa cầu, cách đó vài mét, tôi thấy Đăng-nhỏ và Vi đang làm việc, Vi đặt chiếc vòng có khắc hình ngọn-hải-đăng nằm trên tờ A4, Đăng-nhỏ vẽ chữ ĐB lên tờ A4, ngay cạnh chiếc vòng, cả hai đang tính toán kỹ thuật. Cả hai đều nói ngắn, nói ít, nhưng hiểu nhau, nhìn sâu vào đó, tôi không thấy những dấu chấm hỏi, tôi không thấy những gạch bỏ, hay tờ giấy bị vò đi. Có vẻ thằng Đăng-nhỏ, và cô hoa tiêu, đã đi trên đoạn đường này nhiều lần. Còn thằng-đặc-công-tôi, vẫn nấp trong bóng tối, cố phát ra thứ ánh sáng mờ nhạt như bóng đèn-pin-đêm. Tôi lại di chuyển thêm vài kí-lô-mét, tìm cái quán không tên. Tôi thấy Mây đang làm món trứng, tôi thấy cổ đang rót bia cho khách. Nhìn vào nét mặt, tôi không biết, tâm trạng của cổ, đang là màu gì, màu trắng, màu xám hay màu đen. Cổ có mưa trong lòng? Ba mươi mấy tiếng không nói chuyện, hai người ở cùng một nhà, hai phòng cách nhau chưa bằng năm mét. Hai mươi tiếng trước mắt cổ vẫn còn sưng. Sáng nay lúc ra khỏi nhà, tôi hỏi xem, hôm nay cổ có cần tôi phụ quán, cổ không nói gì, chỉ để một tờ giấy lên bàn. Trong tờ giấy ghi, doanh thu của tuần đầu tiên đứng quán, ghi đúng từng đồng. Ở dòng cuối cùng, cổ ghi. Còn mười hôm nữa, là hoàn tất nhiệm vụ. Mười hôm nữa, là cổ thu dọn hành lý để về Sài Gòn. Mười hôm nữa, tôi sẽ không còn thấy cây bàn chải xanh màu đêm, tuýp kem đánh răng mùi thảo mộc, khi mỗi sáng đứng trước gương. Mười hôm nữa, chỗ này là một căn nhà hoang. Mười hôm nữa cổ ở Sài Gòn, là đời tôi kể như hết. Tôi đi đi lại lại, nhìn vào những lọ đèn xanh tím. Cạnh những lọ đèn là một đống giấy tờ, của những yêu cầu. Tôi đọc một tờ, nó ghi, cần xin lỗi ba mẹ, vì không qua đại học. Một tờ khác, nó ghi, xin thứ lỗi, em lấy chồng không thể báo trước. Một tờ khác nhờ chuyện trong cơ quan. Tôi tưởng tượng hai vợ chồng của Kẹo Đồng phải ngồi suy xét, đong đếm. Có những trường hợp còn phải vào vai, một người đứng bên A, một người bên B, rồi diễn kịch, để thấy và gỡ những nút thắt, mới tìm được một lối thoát, ra khỏi mê cung. Cuộc đời là tiếp nối những mê cung, vừa mở xong cửa này, ta lại đứng trước một cánh cửa khác.

Tôi cầm trên tay gói quà, là chìa khoá để thoát khỏi mê cung mà tôi tạm gọi, là sự-cố-tàu-cá. Đăng-nhỏ đưa cho tôi chiếc vòng chân được gói cẩn thận, giấy gói xanh màu đêm, màu Mây thích. Trước đó nó hỏi, muốn ghi gì lên thiệp. Tôi quyết định thôi vòng vo, không mở-thân-kết bài, chỉ ghi một dòng ngắn gọn. Tôi ghi. Từ chỗ Hố Đen về đến quán, là 1107 bước chân. Cầm món quà trên tay tôi cất vào túi, rồi từ trong túi tôi lấy ra hai triệu ba, đủ loại tờ tiền, chiếc vòng chân giá hai triệu tư, như thường lệ, Đăng-nhỏ cảm ơn, khen hảo huynh đệ. Lúc ra về, tôi hẹn tuần sau mời vợ chồng luật sư ghé quán, nếu tôi trắng án, bữa bia tôi mời. Bây giờ là 8 giờ 42 phút đêm, tôi đang đứng ở lối đi bộ, cách quán chừng vài mươi bước chân. Tôi lại đứng trước mê cung, có hai lối vào, vào nhà, hay vào quán. Tôi nhìn vào quán, Mây đang loay hoay rót bia, cổ đi từ gian bếp, sang quầy bia, cổ đặt bia lên bàn cho khách, rồi trở lại gian bếp. Đêm nay Mây mặc áo thun màu đỏ sậm, buộc tóc. Mỗi khi trông quán một mình mà không phải ngày thứ bảy, thì cổ có thể mở nhạc cổ thích. Và sau này tôi mới biết, thường trong những ngày buồn, cổ mở bài 81’s, của Joanna Newsom. Tôi giơ điện thoại lên, để ghi lại một đoạn phim cổ tất tả ở quán không tên. Tôi đứng nhìn thêm một hồi nữa, tôi nhìn những ngọn sóng đằng sau Mây, lúc này đã nhuốm màu những ngọn đèn đêm, tôi nghe tiếng sóng và những rặng dừa kêu xào xạc. Rồi tôi bước vào nhà, trước khi về phòng mình, tôi ghé phòng Mây, đặt hộp quà trước cửa.

Trong ba ngày, tôi hiếm khi ra khỏi nhà, là do bận công việc, mà anh Hố Đen hay gọi là, việc-máy-vi-tính. Trong ba ngày, tôi chỉ ra ngoài khi cần qua nhà vệ sinh, hoặc lục tìm đồ ăn. Còn lại, tôi đóng cửa, dán mắt vào màn hình. Tôi và Mây chỉ nói chuyện với nhau qua, tiếng đóng cửa phòng, tiếng mở cửa nhà, ánh đèn và âm thanh vọng ra từ quán. Tôi nghe giọng nói của Mây, qua cuộc nói chuyện của Mây, với khách. Cả ngày tôi làm việc với đội Du Mục, với khách tứ phương. Tôi nghe những cuộc điện thoại kéo dài hàng giờ đồng hồ, tới khi gác máy, nhìn vào màn hình tràn ngập những tin nhắn. Tôi trả lời tin nhắn, rồi làm một số việc lặt vặt, vẫn những việc phong thủy, đổi màu cho hợp mệnh anh chủ tịch mới, dời nút Mua Hàng từ đằng Đông sang đằng Tây. Mỗi cuối ngày, kiểm tra việc xong thì đi tìm cái ăn. Gần Tết, việc dồn, nên tới khi nhớ cái bụng đói, thì cũng gần 9 giờ đêm, tôi bước tới quán, vòng ra sau bếp, nếu thấy Mây đang ở bếp thì tôi đứng chờ, đi lòng vòng một hồi, đợi cho cổ ra quầy thì tôi xông vào, lấy một cái tô, bới cơm, có gì ăn nấy. Mà không biết vô tình hay cố ý, đồ ăn luôn để sẵn, để riêng. Bọn tôi vẫn chưa nói chuyện, nhưng tôi thấy gói quà không còn ở trước cửa, thì đoán rằng cổ đã lấy đi, mà vì bận chuyện Du Mục, tôi vẫn chưa có dịp hỏi. Bận rộn làm tôi quên Mây chút đỉnh, từ 7h sáng đến 9h đêm, tôi hiếm khi có một kẽ hở của thời gian, để đưa cổ vào, xem xét. Mỗi khi có thời gian, thì tôi tranh thủ, ngủ một giấc. Nhờ vậy, mà tôi có dịp nhìn chuyện với Mây, ở một góc nhìn khác. Hôm qua, trong kẽ hở của giờ cơm trưa, tôi nghĩ, nếu mà tôi cua được Mây, rồi lấy nhau, rồi có con, rồi công việc ngày càng nhiều. Tôi nghĩ, đến lúc đó, chúng tôi sẽ như bây giờ, trong ba ngày qua, sống với nhau chỉ qua những kẽ hở. Ba mươi phút giờ ăn sáng, vài mươi phút cơm trưa và một đến hai giờ vào buổi đêm, và sau giữa đêm, mới tìm ra những kẽ hở, để có thể dao-động-mạnh, trong khi với Mây, tôi muốn dao-động-mạnh, cả ngày, ôn-đờ-thai’m, mà nếu có con rồi, hai đứa nằm ở hai đầu, để tránh phiền hà, phải thao tác không khác gì những tên trộm, đã trộm thời gian, một thứ vô hình, nay còn phải rón rén, phải giảm thanh, để tránh làm phiền, vài thứ hữu hình. Một vài kẽ hở khác, là lúc chờ con tan trường, chờ khách tới buổi hẹn, vân vân, để nghĩ đến nhau. Ở chung nhà, ngủ chung giường, giấy tờ hợp pháp, mà vẫn phải mặc cả với thời gian. Không chỉ hai ngày, mà cả đời. Gắn bó trong quan hệ hôn nhân, trên giấy tờ, là hai vợ chồng ở bên A và bên B. Nhưng trên thực tế, tôi nghĩ, là ta ký hợp đồng với thời gian, bên A là chúng tôi, bên B là thời gian. Hiếm khi nào bên A nắm những điều khoản có lợi, bên A chỉ đọc, thắc mắc vài chỗ, sửa đổi vài tình tiết linh tinh, đó là còn can đảm, vài bên A, chỉ nhắm mắt ký. Tôi không định chà đạp hôn nhân, mà tôi định, trước hôn nhân, phải chuẩn bị vài điều khoản có lợi, rồi mới ký. Sao cho những kẽ hở, thành cửa sổ, rồi từ cửa sổ thành cửa ra vào. Chứ nếu không, vài chục năm, sống một cuộc đời chỉ bằng hai con mắt luồn qua kẽ hở, cả năm được mấy ngày nghỉ dưỡng, cứ như ra tù, nằm dài trên bãi cát nghĩ đời mình đi đúng hướng, thực ra toàn tù nhân với nhau cả. Nghĩ tới đó tôi lại thấy buồn kinh khủng, tôi hay tỏ ra buồn bã, để giống ki-a-nu-ri’s. Trong kẽ hở của giờ cơm trưa tôi toan tính vài điều khoản, để mà có cua được Mây, vị-thần-thời-gian có ghé thăm, đưa tờ hợp đồng, thì tôi cũng, trộm vía, mặc cả được vài gạch đầu dòng, giảm số tiền đặt cọc, miễn phí vận chuyển, vân vân.

Ngày thứ năm thì tôi xong việc, từ kẽ hở, tôi mở cửa ra vào. Tôi đứng trước cửa nhà, hít thở một hơi thật sâu. Sáng nay Mũi Né trời đẹp, tôi định ghé qua chỗ anh Hố Đen. Tôi vẫn chưa đưa ổng bao thư bồi thường, năm triệu đồng chẵn, là mười tờ năm trăm ngàn. Hố Đen chắc phải buồn như ki-a-nu-ri’s, vì tôi chưa tới. Hôm nay tôi định mang bia qua chỗ ổng ngồi ăn uống, vừa để giải khuây sau mấy ngày làm phong thủy, vừa tạ lỗi. Tôi bước ra quán định sửa soạn vài lon bia thì thấy Mây đứng đó. Gần một tuần, cô ả vẫn im lặng. Đàn bà con gái, giỏi nhất là chờ ta lên tiếng. Hôm nay tôi sẽ lên tiếng, nhưng tôi định dò thái độ trước, bằng cách kiểm tra coi, Mây có đeo cái vòng chân ĐB, hay không. Cô ả lại mặc đầm, cô ả mặc đầm quanh năm. Xanh đêm, xanh biển, thỉnh thoảng xanh nhạt. Bữa nào buồn thì mặc áo thun. Sáng nay cô ả mặc đầm xanh nhạt, sát tới gót chân, không cách nào điều tra được. Muốn điều tra, phải kê đầu sát đất, thì may ra. Trước tiên, tôi tới gần, cổ đang đứng ở quầy lau chùi ly tách. Tôi đứng gần, cho một kẽ hở chừng một mét. Cả tuần lễ không gần hơi người, nay gần, tôi thấy có chút xao động. Tôi liếc nhìn sang cô nhân viên của quán, nay xõa tóc, đầm hở nách, một kẽ hở gần một gang tay, nên vào tầm ngắm của đặc công, tôi thấy một phần dây áo ngực, màu vu vơ, tôi lại nghĩ vu vơ, có khi hôm nào tôi ghé Kẹo Đồng, nhờ thiết kế một tấm xu-chiêng mỹ thuật, có cẩn vào chữ ĐB, ở hai bên, thì như một phong ấn. Tôi cảm thấy khoan khoái thật sự, nhưng Mây thì không. Mắt cổ vẫn nhìn vào đám ly tách, tôi lần theo mắt cổ đến đôi bàn tay thon thả, bàn tay trơn không đeo nhẫn, tay phải đeo đồng hồ thông minh, bàn tay ôm lấy ly bia 300 mi-li-lít, bàn tay lên xuống chà xát làm tôi lại nghĩ mông lung, vi phạm một điều răn. Tôi xua suy nghĩ bằng cách lên tiếng. Mấy nay bận dữ không? Mây trả lời, bình thường. Dấu hiệu tốt, cũng đã chịu trả lời, dù đanh đá. Tôi bắt đầu vờ để rơi tờ tiền xuống đất, làm như nó rơi vào kẹt tủ, rồi vờ quỳ xuống sát đất, để tìm kiếm, nhưng thực ra, tôi nhìn vào chân Mây, lời gọi từ chân Mây. Tôi thấy, chân trái vẫn hoa-cỏ-lá, chân phải trống trơn. Vừa định đứng lên thì cổ lên tiếng, nói, không có đeo. Tôi đứng dậy, tôi ừ, rồi tôi nghĩ. Mẹ nó, cô ả là nhân viên, tôi là ông chủ, tôi trả tiền đúng hẹn, lợi nhuận tôi chia đôi, mà chưa bao giờ thấy dạ thưa, nể mặt, mà còn nắm thóp ông chủ, mới có mấy ngày, mà đã muốn leo lên đầu tôi ngồi. Tôi định nói, nếu muốn leo lên đầu tôi ngồi, thì bây giờ hai đứa đi vô phòng, muốn ngồi đâu thì ngồi. Nhưng tôi thôi, tôi không muốn tình hình thêm bi đát. Dẫu sao, thế trận cũng đã khá hơn, đã có những lời nói, qua lại, dù tôi cũng nghĩ, giá mà cổ trả lời, chưa có đeo, thay vì, không có đeo, thì tôi mát ruột hơn. Tôi di chuyển đến những thùng bia, tạo ra một kẽ hở không gian, chừng hai mét. Tôi thu gom vài mươi lon, cho vào thùng, toàn bộ là bia Hố Đen. Xong tôi nói, anh qua chỗ Hố Đen chơi. Tôi định nói thêm, là chiều tối tôi về, nhưng chợt nghĩ lại, đàn bà con gái, báo cáo một lần, thì sẽ có lần thứ hai, thứ ba, thứ bảy, chủ nhật, nên tôi thôi. Nghe tôi nói qua anh Hố Đen, Mây nói chờ chút. Chờ chút, là câu nói thứ ba sau một tuần chiến tranh lạnh. Mây chạy vào nhà, mang ra cho tôi một gói quà, tôi cả mừng. Chưa kịp hỏi, cô nhân viên lại nắm thóp, nói, quà cho gia đình anh Hố Đen. Mẹ nó, tôi nghĩ, cổ không cho tôi một kẽ hở nào, để xông vào. Cổ nhờ tôi đưa quà. Tôi ừ, tôi hỏi, quà gì, mua ở đâu. Cổ nói, quà không phải của anh, anh đừng hỏi, rồi cổ nói, mua ở Kẹo Đồng. Tôi hơi toát mồ hôi, tôi hỏi, mua hồi nào. Cổ trả lời, hôm qua.

Tôi tin với lương tâm nghề nghiệp, hai vợ chồng Kẹo Đồng sẽ giữ bí mật cho khách, nhưng khổ nỗi, tôi là một thằng khách chó má, gì tôi cũng đòi, gì tôi cũng gấp, nhưng tới khi thanh toán, quà hai triệu tư, tôi đưa hai triệu ba, lại là quà cho Mây. Nên tôi không thể chắc được, mọi việc sẽ êm xuôi. Dù lo, nhưng tôi phải tạm gác chuyện đó qua một bên, cuộc đời là tiếp nối những mê cung, ta phải giải từng cái một. Bây giờ, tôi đang ngồi ở chỗ anh Hố Đen, tôi tới đây bằng taxi, vì phải chở theo thùng bia, mấy chục lon, ướp sẵn. Tôi và ổng, đang ngồi xếp bằng đối diện nhau. Chính giữa, là một mâm mồi nhậu, cơ man ghẹ hấp, cơ man tôm sú tái chanh, đầu tôm đem nướng lên thơm phức. Ban nãy vừa ngồi xuống, tôi đưa cho ổng bao thư, tôi nói, em đền anh mấy món đồ trên tàu, ổng gạt đi, lại chửi tôi khùng, rồi để tôi đỡ áy náy, ổng nói, đồ tôi ném cũng tới tuổi hết, sớm muộn cũng thay. Tôi cũng dùng dằng một hồi mới thôi. Rồi tôi đưa quà của Mây cho ổng, này thì ổng nhận, xong đưa cho vợ. Ổng nói, con nhỏ coi bộ được ghê, rồi nhìn tôi, nói, mày chắc không có cửa. Tôi lộn gan ruột, cao giọng, gì mà không có cửa, em đi đâu, ngồi bàn nào, chỉ thua có tuổi tác, còn lại không thua ai cái gì, ngồi bàn nào, cũng hàng sĩ quan. Ổng lắc đầu, kêu thôi, uống bia. Bọn tôi đi ra chỗ thùng ướp lạnh đặt ở góc chòi, hai anh em đang ngồi trong một cái chòi lá, lá lợp trên đầu, bốn hướng là biển. Trưa nay Mũi Né trời đẹp, trong vắt một màu xanh, những cụm mây trắng mềm mại, chầm chậm trôi, sóng biển chầm chậm, vỗ từng đợt vào khu bờ đá, nghe êm ả. Mây trên trời đẹp, Mây dưới đất cũng đẹp, nhưng còn đanh đá. Tôi lùa thùng đá lấy ra một lon Hố Đen rồi trở lại mâm. Tôi khui lon bia rồi rót ra ly, vẫn kiểu rót kỹ thuật, và mỹ thuật, lớp bọt vừa một hớp béo ngọt như kem va-ni. Anh Hố Đen cứ khui lon rồi tu một hơi, khà một cái, khen đã. Dạo này ổng để tóc dài, chắc không phải cố ý, mà chưa tìm ra kẽ hở thời gian, cho tóc. Gần Tết, ổng bận tối mặt, trước khi qua tôi có gọi, xin cái hẹn, ổng kêu qua đi, nhưng tôi nghe qua điện thoại, những ồn ào tôm-cá, tôi định thôi, nhưng ổng kêu, cứ qua đi. Tóc dài, cộng thêm gương mặt góc cạnh nhìn ổng càng thêm khắc khổ. Ổng vẫn luôn nhiều tâm sự, càng uống nhiều, càng hiếm khi nhìn người đối diện, mà nhìn ra biển. Tôi xem Hố Đen như một người đàn anh, là thủ trưởng, là cấp trên. Ngày trước ổng hay dẫn tôi đi mát-xa, khi tôi còn ngơ ngác ở mê cung Mũi Né, hai anh em ra chòi uống một chút, rồi tới mấy chỗ hơi tối, hơi vắng, hơi hẻm hóc, khuây khoả. Là đàn anh đúng nghĩa, ổng nhường cho tôi mấy cô đẹp, mỗi lần xong, hai anh em trên đường về làm đánh giá, số đó, thế này, số nọ, thế kia. Tôi hỏi ổng dạo này còn hẻm hóc không, thì ổng trả lời, hết cảm giác. Đàn em lại chơi khó, hỏi, chuyển qua bồ bịch đường muối, hay sao, ổng trả lời, hết cảm giác. Rồi ổng cười, khặc khặc, ổng tu một hơi còn lại là hết lon, đứng dậy ra chỗ thùng đá lùa tay lựa một lon lạnh. Quay trở về mâm, vừa ngồi xuống thì nói. Có con gái, mà con gái lớn rồi, tao muốn làm gương cho thằng chồng nó, làm gương cho con rể tao, chứ mà bậy bạ, con gái tao nó khổ, tao hết đường binh. Ổng lại cười, khặc khặc, rồi hỏi tôi, còn mày thì sao. Tôi nói thỉnh thoảng tôi cũng còn cảm giác, mà bây giờ, tạm ngủ đông. Ổng không nói gì, ngồi gỡ mấy con ghẹ, đặt lên dĩa cho đàn em, vì thằng đàn em vô dụng, chủ quán ăn, nhưng thỉnh thoảng gỡ ghẹ vẫn rướm máu. Tôi ăn ghẹ, bỏ mấy con tôm sống vô miệng, rồi nhai đầu tôm nướng, rồi lại uống. Hố Đen nhắc, nay không được xỉn, ít nhất là ở đây, vì ở đây đã có cái dớp, uống xong là có sự kiện, liên quan tới chuyện nam-nữ, dù hẻm hóc hay ngoài đường chính. Ổng nói, bây giờ mày xỉn, mày lại làm khổ, cô Mây. Mà vợ chồng tao, thương cô Mây. Tôi nói, thôixxxxx, bỏ con nhỏ đó qua một bên, hai-lăm, thì biết cái gì. Hai-lăm mà mở miệng ra, là bóp-đi-lan, là giống loài, vượn ép’p, con nít con nôi, anh đừng nhắc tới. Tôi làm bộ chú tâm vào đống ghẹ, tôi cúi đầu xuống ăn, nhưng tôi biết ổng đang nhìn tôi, như ông bầu của đoàn kịch tấn-trò-đời, nhìn một thằng diễn viên hạng bét. Tôi phá vỡ im lặng, tôi nói, em tới đây tâm sự với anh chuyện đời thôi, chuyện nam-nữ chỉ là một kẽ hở nhỏ, của chuyện đời. Em ba-lăm, em thắc mắc, anh bốn-bốn, anh thấy đời như thế nào. Anh ngày nào cũng tôm-cá, rồi lo đạo đức cho thằng rể, cái thằng còn chưa thấy ló mặt, con anh mới học cấp ba, thời này bốn chấm không, anh cứ buông thả mấy năm còn kịp. Đạo đức để làm gì, sách thánh hiền để làm gì? Hôm say xỉn ở tàu, đó giờ em say, nhưng đầu óc em vẫn tỉnh, dù đang làm gì, em cũng biết con nhỏ hai-lăm đang đứng đâu, để nó có té, em còn nhảy kịp, để cứu nó, em tỉnh tới mức, em còn ý đồ, lỡ nó có té, em còn đợi thêm một chút, để cái đầm màu xanh đêm ướt hết cả, để khi cứu lên, đường cong cho nó rõ ràng. Em say, nhưng có hai thứ em không ném, đó là ghi-ta, em nghe anh hát Ly cà phê Ban Mê, em cũng mê, món thứ hai em không ném, đó là sách, em thấy anh nhét trong hẻm hóc, của con tàu, ba cuốn, anh nhét Trăm Năm Cô Đơn, anh nhét Anh em nhà Karamazov, anh nhét Tướng về hưu, thì đầu em làm phân tích, biết anh cũng thuộc hàng, sĩ quan, binh chủng hải quân. Nên anh tâm tư nhiều, em cũng không lạ. Tôi uống một ngụm, rồi nói tiếp. Em hỏi anh chuyện đời, là bởi vì em nhìn vào anh, là để nhìn trước tương lai, để đi tắt đón đầu, em ba-lăm, anh bốn-bốn, gần mười năm là một kẽ hở thời gian lớn, của một đời người, thời gian càng đi về đoạn kết, thì kẽ hở nứt ra, càng lớn, một năm của hai-lăm khác với một năm của ba-lăm, của bốn-bốn. Em nhìn anh như vầy, anh tâm tư, cho con gái anh, chứ không phải cho anh, cho chính cuộc đời anh, làm em lo nghĩ theo. Em tâm tư, không biết, khi bốn-bốn, mà có con rồi, em sống kiểu gì? Có vợ mà có con, em có tâm tư, có vợ mà không có con, em có đường muối? Em có buồn, như ki-a-nu-ri’s. Em lo lắm, đang không biết, nên có gia đình, hay ở vậy, ở vậy thì chuyện khuây-khoả, cứ hẻm hóc là xong, không quan trọng, quan trọng là, em cô đơn, cô độc, em làm đặc công, ôn-đờ-thai’m. Em hẻm hóc, gặp đường chính, thì em vận đồ đen, áo đen, quần đen, nón đen. Nên em tâm tư quá. Tôi uống, anh Hố Đen cũng uống, ổng nhìn ra biển, trầm ngâm, chắc ổng đang lựa lời, lựa ý, cho thằng ba-lăm. Rõ ràng là phải lựa, vì ổng cũng đang tâm tư, hoang mang, trong cái mê cung bốn-bốn của ổng, ổng nhìn vào mê cung, như nhìn vào thùng bia ướp lạnh, để coi, lon nào đủ lạnh, thì mới mang ra rót, cho thằng ba-lăm, còn những lon khác, là những tâm tư còn ngổn ngang, có khi phải chờ tới năm-ba, năm-bốn, mới giải xong. Anh Hố Đen ngồi lựa một hồi, rồi nói. Tao nghĩ nãy giờ, để tìm cách cho mày vài lời khuyên, mà khó quá. Tại vì, tao với mày xuất thân khác nhau, diễn biến cuộc đời khác nhau, mày vừa bước vào cuộc chiến, đã làm sĩ quan, còn tao, thì làm lính trơn. Thật khó mà nói, nhưng thôi, mày cứ xem những lời này, là tham khảo. Cái chuyện mày có gia đình hay không, ở thời này, là tùy mày. Tao không quá quan trọng, chuyện nối dõi tông đường. Nói thật, nếu hai đứa con tao mà nói, nó không muốn lập gia đình, tao còn mừng cho nó. Nhất là đứa con gái, mày nghĩ đi, làm con gái, là đã thiệt thòi, dù ở cái thời nào, thời tiền sử, phong kiến, hiện đại, dù ở thể chế chính trị nào, mô hình gia đình như nào, thì là con gái, mày cũng phải, có ngày-ấy, có đau-đẻ, có già-đi. Tao với mày có thể biện minh, là chiến tranh thì ai khổ hơn, rồi ban đêm, nghe tiếng trộm, thì ai đi tìm. Nhưng mày nghĩ đi, đâu phải ngày nào, cũng có ăn trộm. Nhưng con gái tao, tháng nào cũng phải, siêu-mỏng, có-cánh, vân vân. Tháng nào, gần tới ngày, nó bước ra khỏi cổng hay bước vô nhà, tao cũng đều coi xem, đằng sau lưng, có dính gì không. Cái đó tao không tránh được, đau đẻ thì tao còn có thể tránh, nên tao nói với nó, ba mẹ không cần con, phải có gia đình, thế này thế nọ. Mà nói vậy thôi, tới chừng nó yêu, thì cũng không còn kẽ hở thời gian nào, để nó nghĩ. Rồi cũng phải, trộm vía, có một thằng rể. Mà thằng này, chửi nó cũng không được, mà sợ nó quá cũng không ra thể thống gì. Kiếm con có khi còn dễ, kiếm rể mới khó. Con mình còn nói nó được, còn sắp xếp, thế này thế nọ. Chứ thằng rể, nó không phải con, cũng không phải người dưng, và nói cho công bằng, nó thương con tao, chứ vợ chồng tao, liên quan gì, thủ tục cả, nó mang con tao về nhà rồi, chuyện gì trong đó, vô phương biết, vô phương điều tra. Tao chán lắm, nên tao tâm tư, nói như mày, là ôn-đờ-thai’m. Nhưng mà, phải nói, nếu có cho chọn lại, thì dù biết nó ra đời, phải sinh-lão-bệnh-tử, phải ngày-ấy, thì có khi tao vẫn đẻ, muốn tiếp tục gặp nó, một lần nữa. Cái đó là tao ích kỷ, đám người mình đều ích kỷ, rồi cũng binh một đường như nhau, sinh ra-lớn lên-ra đời-sự nghiệp-gia đình-con cháu-rồi sáu tấc đất. Nó ăn vô máu rồi, nó là thiết kế kỹ thuật, không ăn vô máu thì cũng sợ bỏ lỡ những trải nghiệm, không sợ bỏ lỡ thì cũng phải diễn tấn-trò-đời, không thôi thiên hạ lại dèm pha. Cái mê cung này nó như vậy, tìm được đường ra mà không bị sứt mẻ, thì cũng là thánh nhân. Mà tao nói mày, cái cô hai-lăm, cổ nói đúng, giống loài cả, phải có người đi, có người vẽ, có người thử-sai, thì sau này, lớp sau mới sướng. Vợ chồng tao thương cô Mây, đang lo, lỡ mà vướng vô mày, mày thì không phải lông bông, cũng không phải hạng đê mạt. Mày ngon, nhưng có cái, mày tưởng mày thông minh, mày biết hết chuyện rồi, mày nhìn vô dòng thời gian, nghĩ mình biết hết những cột mốc chính, hai-mươi, ba-mươi, bảy-mươi, tám-mươi, vân vân. Nhưng tao nói thật, mày chẳng biết mẹ gì, như cái thằng chon’x-nô, chỉ ngó cái tổng thể khơi khơi, ra vẻ sĩ quan, chứ vô trận, còn thua thằng lính trơn. Nói xong, anh Hố Đen lại uống một ngụm, khà một cái. Tôi biết, ổng đang khích tướng chút đỉnh, để xem coi, tôi phản ứng như thế nào. Lúc hẹn ổng qua điện thoại, thấy ổng đang tôm-cá, định dời sang bữa khác, thì ổng kêu cứ qua, có chuyện muốn nói.

Đang ngồi, thì vợ anh Hố Đen tới, cầm trên tay, một cây viết máy, sơn màu vàng ở hai đầu. Chị nói, Mây tặng quà, cho cả nhà, nói xin lỗi đã làm phiền, cây viết này, nó tặng anh, nó nói, để anh ghi nhật ký. Nói xong, chị đưa viết cho Hố Đen. Chị Tiên, nhỏ hơn ổng ba tuổi, chị đằm thắm, nói năng nhỏ nhẹ. Hố Đen đi biển, chị ở nhà chăm con, soạn hàng, giao cho mối. Thường mỗi ngày muốn dặn đồ gì, thì gọi cho chỉ. Muốn tìm Hố Đen, cũng gọi cho chỉ, vì ổng ít khi nào chịu động tới điện thoại. Nhưng ổng luôn, đút túi quyển nhật ký, rồi vắt cây viết trong túi quần, vì cũng ít khi nào, ổng chịu mặc áo. Có những hôm qua chơi, tôi thấy ổng ngồi một góc trên tàu, ở trần, quần tà-lõn, tay cầm một cuốn sổ, đặt lên hai đầu gối, ghi ghi chép chép. Hễ rảnh rỗi là tôi vi phạm, một vài điều răn, còn ổng, thì ngồi ghi nhật ký. Ổng nói, tao ghi từ hồi hai-mươi, mấy thằng nhà phố như mày, suốt đời sống giữa những khối bê-tông, làm sao biết được, cảm giác những chiều lênh đênh trên biển, ngồi ghi nỗi lòng, trước ánh tà dương, nó tiêu sái như thế nào. Tao ghi thư tình cho Tiên, cũng trong những ngày lênh đênh, bả đọc xong, tự nhiên, quần áo không cánh mà bay hết, chứ có ai ép. Ổng cười khà khà, khả ố. Ổng có một tủ đựng đầy sổ nhật ký, để trong nhà, có lần tôi hỏi mượn xem, ổng đưa cái một, còn nói, tao sống ngay thẳng, nên nhật ký cũng ngay thẳng, mấy chuyện hẻm hóc, hiểm hóc, tao quăng ra biển, nên ai muốn đọc thì cứ đọc. Nhật ký của ổng, tôi đọc, toàn những cảm thán, có những câu, ổng gạch bỏ, để viết lại câu khác, thêm nhiều dấu cảm thán. Có lần ổng tâm sự, không theo tôm-cá, chắc ổng sẽ ghi tiểu thuyết trữ tình ướt át. Bây giờ, Hố Đen đang cầm trên tay cây viết, sơn vàng trên dưới, ổng mân mê, rồi lấy cuốn sổ trong túi ra, ghi thử vài dòng. Vừa ghi, ổng vừa nói. Sẵn có vợ tao ở đây, tao nói có bả làm chứng, không thôi mày nói tao gian dối. Cái cô Mây này, tao không ngại ghi vô nhật ký, cả trăm năm, mới có một. Cái hôm mày quậy phá, lúc lăn ra ngủ, nó lau mắt chưa xong, là đã đòi đi về nhà, tao hỏi về đó làm gì, nó nói lấy mền-gối cho mày, lấy thuốc giã-rượu cho mày, tao kêu lấy mền ở nhà tao đi, nó không chịu, không muốn phiền, nó còn nói mày khó, mền-gối của mày, loại mềm cái-mẹ-gì-đó, rồi phải gác chân cái-mẹ-gì-đó, mày mới ngủ được. Nó nói, hôm nó ngủ nhờ, mày lo cho nó đàng hoàng, như người thân, nên bây giờ, nó trả ơn mày. Đêm hôm khuya khoắt, thân con gái, tao đâu dám cho về, mà cứ nhất quyết, nên tao phải nhờ thằng em chở nó về. Trước khi đi, nó căn dặn tao, nhất quyết phải đứng ở chỗ tàu, trông coi mày, sợ mày rớt ra ngoài, chết đuối cái-mẹ-gì-đó, nó bắt tao phải hứa hẹn, làm đúng như thế, tao đầu hàng bọn mày thật sự, cái bọn lãng mạn tiểu tư sản, toàn hành động kiểu này, tao mà say xỉn, bà Tiên, bả để tao ngủ ba ngày ba đêm, cũng không ngó ngàng tới. Chị Tiên, lúc này vẫn còn đứng ở cửa chòi, chỉ nói, Mây nó quan tâm em, tối đó nó ngồi với em suốt đêm, cầm sách đọc, ngủ gà ngủ gật, anh chị kêu vô nhà ngủ, không chịu là không. Hố Đen, ổng nói chen vào, chưa hết, nó cứ rờ trán mày, kiểm tra nhiệt độ, tao muốn nôn mửa, với cái tiết mục kiểm tra nhiệt độ, một mình nó kiểm tra, nó chưa an tâm, bắt tao phải xuống tàu, rờ vô trán mày, ghê chết được, nó muốn phải kết luận đồng bộ, là trán mày mát, bình thường, sống sót, thì mới tha cho tao đi. Cũng chưa hết, đang đứng nói chuyện với tao, nghe mày mệt mỏi, rên rỉ, tao biết là rên rỉ, kiểu hẻm hóc thôi, mà chạy vội vô, vấp té. Rồi mở bài nhạc con-mẹ-gì-đó của mày, suốt đêm, toàn những chuyện nôn mửa. Mà mày đừng hiểu lầm, tao kể cho mày chuyện này, không có ý là Mây nó mê mày hay gì hết, mà tính con này nhân hậu, nó giúp người khác tới nơi tới chốn, ơn nghĩa rõ ràng. Chứ khùng như mày, nhậu xong đòi nổ máy, đưa người ta tới thiên đàng, lúc tao bơi tới còn thấy mày giả câm điếc, cái-mẹ-gì-đó, loại như mày, tao hô hoán, báo công an cho nó nhanh. Mà nó chỉ khóc, năn nỉ, can gián. Tao kể để mày biết, là mày có phước, đêm đó vợ chồng tao nghĩ, sau vụ này phải nói cho mày nghe, để coi được, thì chấn chỉnh lại con người, mà cua nó thử, coi có được không, chứ con này, trăm năm có một. Mày coi, mày nghĩ, nặn óc ra nghĩ cho kỹ, nghe không. Nặn óc ra, để hiểu, gái bu mày có nhiều đi nữa, nhưng đứa nào để ý, mày ngủ phải có gác chân, con-mẹ-gì-đó, thì chỉ có kịch nghệ, nhưng mà cô Mây này, tao khẳng định, không phải kịch nghệ, không phải diễn, tao với tư cách đàn anh, ruột gan ra nói với mày, tấn-trò-đời, tao xem nhiều rồi, đứa nào diễn, tao biết.

Giữa những lời phàn nàn của Hố Đen về sự-cố-tàu-cá, tôi tìm được một kẽ hở của thời gian, để gọi tắc-xi, rồi bỏ trốn. Trước khi ra về, tôi cũng thú nhận rằng sau sự cố, Mây đã hờn dỗi hơn một tuần, cổ chưa mở miệng nói câu nào, mà nếu có nói, thì cũng chỉ vài câu trả lời hành-chính, tôi nhờ Hố Đen ghi vào nhật ký của ổng, một cảm thán, rằng cổ còn không dùng một đại từ danh xưng nào, không thứ nhất, thứ hai, thứ ba, số ít, số nhiều. Không anh, em, tôi, tớ, dĩ nhiên là chưa bao giờ gọi tôi bằng ông chủ. Cô ả như lúc nào cũng mang gươm sau lưng, rồi gặp tôi thì chẻ đôi câu chữ, ám hại tôi bằng vài thứ động từ, danh từ vu vơ, cụt lủn. Tôi đinh ninh, nếu cứ như thế này, tôi sẽ lên kế hoạch trả đũa bằng một phát giảm-thanh ngay trong đêm nay, ngắn gọn, đanh và lạnh, như: đi, biến. Nếu cổ khóa cửa, không thèm tiếp, tôi sẽ làm luôn một tràn liên-thanh: Biến về Sài Gòn của cô đi. Ban nãy trước khi ra về, gặp hai đứa con anh Hố Đen, hai chị em còn nâng Mây, lên mây, nói là, chị Mây có tố chất, có nguyên liệu quai-fù. Mới qua một đêm, mà gia đình đó làm như tri kỷ từ lâu lắm. Tôi mua hải sản quanh năm, tôi mua số-lượng-lớn, không-trả-giá, chuyển-khoản-tức-thì, tôi còn chịu-phí-ngân-hàng, vậy mà bây giờ, lại đi tuồng với cô ả nhân-viên-thời-vụ. Cả một tuần, cổ chặn mọi ngả đường, để đi tới bình thường mới. Như Sài Gòn thời dịch, bước tới quán định xin lỗi, thì quán giăng dây. Thấy ra biển định lẽo đẽo đi theo, thì rào kẽm gai, không phận sự miễn-vào. Gõ cửa phòng định trình bày, thì treo bảng vùng cam, vùng đỏ. Đêm ngủ nằm mơ, tôi đi xét nghiệm lại mối quan hệ, ngồi ở hàng chờ, đợi kết quả, chờ lằn ranh đỏ xuất hiện, một lằn duy nhất thông báo âm tính, cho mối quan hệ chủ-tớ lẫn lộn này. Thời dịch, tôi ra chợ mua chữ, để về nấu một bữa ra trò, tôi xào nấu một bản-tuyên-ngôn, ninh cho nhừ hết đống nhân xưng khó nhằn, để gọi cổ là quận chúa, gọi tôi là đầy tớ. Xong phần nước dùng, tôi cho vào vài câu chữ khó nuốt, như ở-đợ, rồi tôi lấy muỗng đảo qua lại thêm một triệu năm, trước khi rải lên đó mớ rau ngò tươi tắn, như một lời hứa, chắc trăm-phần-trăm, không tái diễn sự cố. Nhưng mùa dịch, tôi không thể đi chợ như bình thường, mà tôi phải, chia chữ với hàng xóm, mua chữ qua mạng, mỗi ngày tôi góp một vài chữ, rồi khi góp đủ thành câu, thì tôi đem đưa cho Mây. Mây mở cửa, tôi thấy Mây đang mặc bộ đồ y tá, ngồi giữa đống tiểu thuyết vụ án ly kỳ, tôi đoán chắc cũng là để, xét nghiệm lại mối quan hệ. Thấy y tá, tôi lao vào phòng không cần xin phép, nói, cấp cứu, rồi tôi nằm ườn ra giường, nói, em lại đây nắm lấy tay anh, để trước khi xuống tuyền đài, anh còn kịp gói ghém, một chút niềm vui mang theo. Tới khi cô y tá nắm tay, chiều chuộng lần cuối, thì tôi hồi sinh một cách thần kỳ, tôi bỏ ý định xuống tuyền đài, muốn đi xuống đó thì phải có sự đồng ý, của hai trên ba bộ-chỉ-huy, trong ba lá phiếu, não muốn đi, nhưng tim và bộ-còn-lại, thì không. Hội đồng nhân dân bỏ phiếu trống. Tôi trở dậy, đặt tay lên đùi cô y tá, tôi định thể hiện thêm một động từ, tôi định vuốt, nhưng mùa dịch, để tránh tiếp xúc, tôi chỉ thể hiện một động từ duy nhất, là trở dậy. Tôi trở dậy lúc 5 giờ chiều. Kế hoạch của tôi, là tối nay sau khi đóng cửa quán, sẽ rủ cổ đi ăn khuya. Trước khi ra về, anh Hố Đen hứa sẽ giúp tôi, một lần và duy nhất, ổng nói, rằng tao sẽ nhờ chị Tiên gọi cho Mây, ban đầu là để cám ơn quà cáp, rồi sau đó sẽ thủ thỉ, nói vài lời êm tai, kêu bỏ qua cho mày. Thì tối nay mày dẫn đi ăn, làm lành, rồi bỏ cái tật giả vờ của mày đi, mà tìm hiểu, nói sao cho coi được. Không thành tình nhân, thì cũng có, một tình bạn đẹp.

Nghe tới tình bạn, tôi rầu chết được. Tôi không có khái niệm làm bạn với người khác giới, bạn vu vơ thì miễn bàn, nhưng tình-bạn-đẹp, nghe rầu chết được, tôi rầu, như sin-zi-í-ka-rì. Bạn bè với một cô y tá, xống áo hớ hênh, ngồi giữa những vụ án ly kỳ, là bất khả. Gần 5 giờ 30 chiều, tôi tắm rửa thay đồ. Hôm nay tôi nộp đơn xin thôi việc, tôi nộp cho bộ chỉ huy miền Nam, xin thôi làm đặc công, tôi ghi lý do, theo đuổi giấc mơ mới. Xong tôi nộp đơn xin việc cho cục phản gián, xin một chân gián điệp, ngay trong đêm nay. Nhưng nghĩ lại, lỡ như Hố Đen nói, thành tình-bạn-đẹp, thì mai tôi lại làm một thằng đặc công toàn-thời-gian, một lần nữa. Nên tôi đổi ý, thay vì thôi việc, tôi xin nghỉ phép. Tôi đẩy bộ đồ đen qua một bên. Để làm gián điệp, thì phải giả dạng thường dân, nên tôi trà trộn, vào đám khách du lịch. Tôi có bộ áo thun được chú Phong cho, chú làm bên du lịch, áo thun cổ tròn màu trắng, trước ngực ghi một dòng chữ, rất du lịch, là I love Mui Ne. Trong một ý đồ, tôi tìm quần tà-lỏn trắng, cỡ nhỏ, để làm quần trong, rồi một cái tà-lỏn trắng khác, cỡ lớn hơn, làm quần ngoài. Tôi tránh mặc quần lót, vì tôi dự, sau khi hết giận, Mây sẽ hiện nguyên hình, là một ả hồ ly tinh, nên tôi phải đặt một cạm bẫy. Đi chơi về, vào nhà chúng tôi cùng rẽ phải, tới phòng ngủ, hồ ly sẽ thao tác đủ mọi động từ, trấn áp, đẩy tôi ra nệm, cô ả sẽ kéo cái quần tà-lỏn trắng, bên ngoài, thì bắt gặp một quần tà-lỏn trắng, y hệt, ở bên trong, thì cứ như mê cung, không lối thoát. Tôi mang thêm đôi dép quai kẹp cùng màu, trông tôi bây giờ, như một tờ A4, thứ mười bốn, trắng tinh tươm.

7 giờ đêm trời quang đãng, hôm nay những đám mây đi vắng, chỉ còn sao trời quanh quẩn, ti tỉ ngôi sao, nên từ mặt đất nhìn lên, Mũi Né như đã ở bên ngoài quả địa cầu. Bây giờ, quán bia như một con tàu không gian, đi giữa không trung. Mỗi khi kéo cần để rót bia, là tôi đang đẩy cần lái, để tàu tiến về phía trước, mỗi khi tôi khóa cần, thì tàu dừng, rồi mỗi khi bật bếp lửa, là con tàu đang nạp đạn. Tôi vẫn ưa nghĩ như vậy, để công việc ở quán đỡ nhàm chán. Xưa nay một mình kiêm hết mọi vị trí, đôi khi tôi cũng thèm được la hét trong bếp, với đám phi hành đoàn. Bây giờ, tôi cũng chiêu mộ được một người bạn đồng hành, nhưng cô này có vẻ chỉ nghe lệnh về mặt hành-chính, còn về thực tế, cổ đang ra lệnh cho tôi nạp đạn, để làm món bò lúc lắc. Cổ đứng ở quầy, đón khách, nhận đơn, thu tiền. Nhờ trông quán, tôi và Mây đã có những giao tiếp đầy đủ danh xưng, gọi nhau là anh-em, chủ ngữ-vị ngữ rõ ràng. Nhờ chị Tiên, mà Mây gật đầu khi tôi rủ đi ăn tối. Tôi dự, là sau cái gật đầu, cổ sẽ căn dặn hôm nay uống ít thôi, nhưng không, Mây chỉ gật đầu rồi lại tiếp tục việc ở quán. Tôi trả lời cho Cô Vi, ở Kẹo Đồng, lý do tôi thích Mây là vì Mây ít nói, quả đúng là như thế. Bây giờ, tôi đang làm món bò lúc lắc, cho Giang và Linh. Tôi và Mây mới biết cô Linh hôm nay. Linh bằng tuổi Mây, học mỹ thuật, tóc ngắn vừa ôm vào tai, cổ đeo loại kính gọng tròn và mặc chiếc áo thun trắng có in nhân vật hoạt hình Nhật Bản nào đó, mà tôi không biết. Giang giới thiệu Linh, một tay đặt lên vai cổ, ân cần nắm lấy, khoe là, Linh, bạn gái em. Tôi làm xong món bò thì ra ngồi cạnh Giang, uống với nó ly Thỏ Đế, tôi không dám uống nhiều. Mọi ngày, khi chưa có Linh, cứ mỗi lần ngồi với nhau một hồi, là tôi và nó lại bàn về chủ nghĩa đế quốc, không thì cũng bệnh viện tâm thần. Hôm nay có Linh, bọn tôi toàn nói về chuyện nam-nữ của nó. Quen nhau ở đâu? Ở Hà Nội, dĩ nhiên. Quen nhau bao lâu? Vài năm, nhưng nam-nữ mới được hai tuần. Cô Linh làm gì? Cổ làm họa sĩ, chuyên vẽ truyện tranh cho mấy tờ tạp chí. Linh ở Hà Nội, nhưng đang làm việc tại Sài Gòn. Linh bẽn lẽn, nhưng Giang khen, là nghịch ngầm. Giang có một đặc điểm, là mấy cô nó thích, đều tên Linh. Giống như nó lựa quai-fù từ cái tên trước, rồi mới tới những chuyện khác. Tôi nói chuyện với Giang, còn Mây nói chuyện với Linh, về vài bộ truyện cả hai đang xem. Một hồi, Linh hỏi Mây, đi Mũi Né với ai, rồi, có bạn trai chưa? Tôi thót tim, dĩ nhiên là chưa, thì mới có cái tình trạng, ngủ chung nhà như thế này. Linh kêu tìm một anh đi, thì cô Mây trả lời, hồi đi học, cũng có tình ý với vài anh, nhưng ba mẹ theo dõi chặt quá, nên chưa, vớt được anh nào. Cổ dùng từ vớt, như vớt một con cá, trong một cái hồ đông nghẹt những cá, con nào cũng như con nào. Thời buổi này, tôi vẫn thường thấy nhiều phụ huynh, ngăn cản con cái bồ bịch. Con một, lại là con gái, thì càng ngăn cản quyết liệt hơn. Lỡ nó đem về một thằng không ra gì, tệ hơn nữa là mang cái bụng bầu, mà tác giả đâu không thấy, thì coi như gia môn bất hạnh. Gần 9 giờ đêm tôi nghĩ ra một sáng kiến, là nhờ Giang và bạn gái nó trông quán giùm, để bọn tôi có thể đi sớm hơn. Tôi nói, tụi em trông giùm anh, lợi nhuận chia đôi. Tôi luôn giở chiêu bài lợi nhuận chia đôi mỗi khi cần nhờ vả một chuyện gì đó. Tôi còn nói, tụi em đứng quán, coi như là thực tập, làm vợ chồng, làm việc, coi có ăn ý không, cũng là một trải nghiệm thú vị cho hai đứa, có nhiều đôi nói chuyện khơi khơi thì được, nhưng tới chừng làm công chuyện nghiêm túc, thì phơi bày ra hết cả, là hợp nhau được tới đâu. Nói xong tôi kéo hai đứa vô chỗ quầy, bọn tôi giới thiệu sơ cái quán, tôi dạy Giang cách kéo cần bia, rồi để nó rót thử một ly, mỹ thuật không tệ một chút nào. Giang nói, hồi vào Sài Gòn đi học, em có xin chân làm thêm ở một quán ăn Nhật, cũng ra gì lắm, không khéo giấc mơ Tiến sĩ Giang mà có bất trắc, em gói ghém hành trang ra Mũi Né, thuê một chỗ đâu đó gần đây, mở tiệm mì udon, đặt tên là Giang Udon, xong lấy vợ sinh con rồi già chết ở đây luôn. Sống ở đây, mấy ngày đầu còn thấy buồn, về sau thấy, vắng vẻ thế này mình có nhiều thời gian để nghĩ ngợi anh ạ, em nhìn ra biển thấy một chân trời rộng mở, không có một toà nhà cao tầng nào, chặn dòng suy nghĩ của em cả. Có khi, về đây rồi, hàng đêm xong việc em ghé chỗ anh, hai anh em mình tâm sự, nghĩ ra một kế hoạch, để tiêu diệt bọn đế quốc, một lần và mãi mãi, anh nhé.

10 giờ đêm đường im ắng. Chúng tôi ghé vào một quán hải sản, có tên là Quán Hải Sản. Quán nằm sát biển, nếu chọn chỗ ngồi quá sát, nhằm ngày sóng lên cao, thì những giọt nước li ti từ đó cứ rải lên bàn suốt cả bữa ăn. Nên tôi chọn một bàn cách sóng chừng mười mét, cho an toàn. Tôi kéo ghế mời Mây ngồi, rồi tôi chọn chỗ đối diện. 10 giờ đêm, tôi gọi canh chua cá bớp, và một dĩa cá bống kho, tôi ăn như thực đơn một bữa cơm trưa, tôi luôn mê canh chua, bất kể giờ giấc. Mây nhìn thực đơn một hồi, rồi chọn món cháo gà, cổ dặn, cháo để riêng, gà để riêng. Lúc em phục vụ rời đi, tôi nói với theo, nuôi cô này tốn lắm. Mây lườm, nguýt. Đã một tuần lễ trôi qua, giờ tôi mới lại được thấy, cái lườm nguýt thương hiệu của cổ. Buổi đêm, gió lạnh lùa vào quán từng đợt to nhỏ, không ngơi nghỉ, làm Mây co rúm lại, tôi đứng dậy đi tới chỗ cô ả, khoác cho cái áo ngoài. Tôi luôn đem theo áo ngoài mỗi dịp nam-nữ. Nhường áo xong, tôi ra quầy chọn một chai vang trắng, nhờ quán cho vào một xô đá, để ướp lạnh, ướp cả hai ly uống rượu, rồi tôi xin hai cái tạp-dề, cho tôi và Mây. Tôi đứng chờ lấy xô rượu, xong tôi mang tạp-dề đi lại chỗ bàn. Đặt xô lên bàn xong, tôi cầm chai rượu rồi rót ra ly, cho cả hai. Tôi mời Mây, rồi tôi gợi ý, cổ đừng buồn việc hôm trước nữa, rằng Mây, bỏ qua cho tôi, dù gì, gặp nhau như vầy cũng là có duyên. Tôi thú thật với cổ, hôm đó tôi vui quá, nên tôi điên, từ nay về sau mỗi khi vui, tôi sẽ chú ý tu tâm dưỡng tánh. Tôi cũng thổ lộ với cổ, rằng tôi thích cổ, tôi nhấn mạnh, yêu hay không thì chưa rõ, nhưng tôi cũng muốn nói ra, để cổ hiểu vì sao tôi điên. Mây nghe, chờ đến khi tôi dừng hẳn, cổ mới trả lời rằng, việc hôm trước cổ buồn, vì hơi sốc về tôi, bây giờ, thì ổn rồi. Cổ định nói thêm một điều gì, nhưng thấy quán mang đồ ăn tới, nên cổ đứng lên sắp xếp lại bàn. Buổi đêm và những cơn gió lạnh, Mây vẫn khoác chiếc áo ngoài, cổ đang làm cho tôi món nước chấm đúng kiểu tôi thích, sắp xếp lại vị trí các món ăn trên bàn cho đúng chỗ, cổ mời tôi ăn, rồi cổ nói, thấy tôi làm việc trong phòng cả tuần, chắc là thèm mấy món này lắm. Tôi định nói, món tôi thèm nhất, là cổ, nhưng chợt nghĩ tới lời dặn của anh Hố Đen, tôi phải chấn chỉnh thái độ, nên tôi quyết định, không tỏ ra một thái độ nào. Chúng tôi ngồi ăn, Mây đã vui trở lại, nên mọi thứ như xưa, có nghĩa, là bàn ăn như một ván cờ. Tôi và Mây bày ra bàn một câu chuyện, một quyển sách, rồi bắt đầu tính toán các nước đi, khen-chê, ai cũng bằng mọi cách, phải chiếu bí quan điểm của người kia. Mỗi khi cổ hết đường nhúc nhích, cổ sẽ cười ha hả, rồi tìm cách bày ra một bàn cờ mới. Đôi khi, chúng tôi xem những món ăn trên bàn như một bàn cờ, hôm nay bao nhiêu đồ ăn được bày ra, nếu xem nó là một bàn cờ tướng, thì dĩa cá bống đang nằm ở vị trí của quân tượng, tôi chống tượng, bỏ cá vào chén. Tôi gắp ra phần đuôi cá, nằm ở vị trí quân xe, đẩy sang phần bàn đấu của Mây, để bỏ lên dĩa nước chấm cho cổ. Mây mê phần đuôi cá nhất, trong con cá. Nhắc tới cá, tôi lại nhớ câu nói của Mây lúc còn ở quán, cổ đòi vớt bạn trai lên, nghe như vớt cá, nếu không khéo, cổ bỏ về Sài Gòn mà chuyện chưa tới đâu, tôi như cá nằm trên thớt. Cổ vẫn không đả động gì tới chuyện tôi vừa thổ lộ, thà cổ từ chối luôn, thì tôi như cá được cho vào nồi, đau đớn chốc lát rồi thôi, coi như hoá kiếp, cả đời hẻm hóc, ngồi sửa soạn kế hoạch tiêu diệt đế quốc với Đồng chí G. Đằng này cổ im lặng, thì tôi như cá trên thớt, giãy chết, rồi ương sình lên, không vì một điều gì.

Ăn xong, tôi và cổ tản bộ. Hôm nay tôi không đội nón, tôi định phơi bày hết ra, mọi đường nét mỹ thuật trên gương mặt. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, mọi khi tôi đội nón, để nhờ bóng từ nón, che đi cái cửa sổ, che đi những muộn phiền, che đi luôn, những ánh mắt ý đồ của tôi, dành cho Mây. Nhờ cái cửa sổ, mà tôi được nhìn cõi trần gian, để ba bộ-chỉ-huy, có thể tác chiến. Thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi, làm thế nào mà Stevie Wonder, một người mù loà từ thuở mới lọt lòng, chưa từng nhìn thấy một cô gái nào, ông không thể tưởng tượng ra, một nụ cười, một ánh mắt, một làn tóc mây, nhưng lại có thể sáng tác ra những bài tình ca như thể, ông có tai mắt khắp mọi nơi trên thế gian, trái tim ông kết nối với mọi trái tim, trên thế gian, để ông có thể yêu luôn cả phần thiên hạ. Ông sáng tác ra một tuyệt phẩm mà đoạn dạo đầu chỉ dùng những phím thăng-giáng, như thể đời ông không có khái niệm về một con đường sáng và bằng phẳng. Tôi thường nghĩ, nếu có một vương quốc cho tâm hồn, thì Stevie phải làm quốc trưởng, còn tôi, dù có đôi cửa sổ mà bác sĩ phán, là mười-lăm-trên-mười, thì hoạ hoằng lắm cũng lên tới bộ trưởng, một nhiệm kỳ, là hết. Giờ thằng bộ trưởng, như cá nằm trên thớt, giãy giụa như tụi đế quốc. Giờ nó đang thưa với ngài quốc trưởng, có cách nào đảo ngược tình thế, cho cô Mây mê muội, cho cổ lú lẫn, trăm-phần-trăm, để cổ gật đầu với lời thổ lộ, hay chí ít, là trả lời cho tôi đường hoàng, cứ úp mở như thế này, cứ nghĩ ngợi thế này, chỉ có khổ. Tôi định đôn đốc Mây một câu trả lời, nhưng vướng cái sĩ diện, thổ lộ xong rồi thì tới nước cờ của đối phương, tôi đã hy sinh một quân Sĩ, bên trái, giờ hy sinh thêm quân bên phải, là thành quách trống trơn, hỏi nữa, là hạ mình, vậy không được. Quốc trưởng lệnh cho tôi mở quốc ca. Thế là tôi mở, Superstition.

Cuối cùng thì Mây cũng nói, những câu hành-chính, rằng cổ cảm ơn tôi đã dành tình cảm, rằng những ai ở gần tôi một thời gian, mà nói rằng không có chút cảm tình gì với tôi, thì rõ ràng nói dối. Cổ còn nói, rằng cổ đã suy nghĩ rất nhiều suốt buổi tối. Đáng tiếc là, thời gian chúng tôi gặp nhau quá ngắn, chưa đến một tuần, còn thời gian xa nhau lại quá dài, chúng tôi không sống trong cùng một thành phố, hơn nữa, ba cổ muốn cổ học một lớp kinh doanh, là ở nước ngoài, và ba cổ cũng đã nói từ lâu, rằng nếu ai muốn lấy cổ, nhất quyết phải ở-rể hai năm. Bao nhiêu đó là đã đủ để hiểu, mối quan hệ giữa tôi và cổ nếu có, là không dễ. Trong một thời đại mà người ta thương nhau, rồi hết thương nhau, rất nhanh chóng. Nên hiện thời, cổ chưa thể chắc chắn được điều gì, cổ chưa thể, dù muốn, hứa hẹn với tôi một điều gì. Về phần tôi, tôi thực sự muốn nôn mửa với ý tưởng ở-rể hai năm trong thời đại bốn.chấm.không này, mặc dù ý tưởng không phải là quá hiếm, tôi có hai thằng bạn ở-rể. Tôi muốn nôn mửa ngay đâu đó bên vệ đường, nhưng tôi thôi cái ý định. Tôi không nói gì nhiều sau đó, chỉ nói, là tôi tôn trọng quyết định của cổ, dù rằng ở đây chưa-có-một-quyết-định-nào. Bọn tôi về lại quán, Mũi Né 1 giờ đêm lạnh chết con đĩ mẹ, tôi rầu như sin-zi-i-ká-rì, và tôi buồn như ki-a-nu-ri’s. Giang và Linh, hai đứa vẫn chưa chịu đóng cửa, dù khách đã ra về hết. Tôi thấy Đồng Chí G đang trải một tờ giấy lớn ra quầy, nó vẽ một tấm bản đồ thế giới, rồi tô đỏ trên đó đầy những mũi tên khắp năm châu, nó giải thích với tôi, đây là kế hoạch tác chiến chi tiết để tiêu diệt bọn đế quốc, những mũi tên tô đỏ chỉ đường tên lửa tấn công, những ô khoanh tròn màu đen là các điểm đổ bộ, đồng chí của tôi say hết cả, thường ngày, tôi sẽ khuyên nó đi ngủ, nhưng hôm nay tôi nhập bọn với nó, vì có khi bây giờ gây chiến với thế giới, còn thực tế với tôi hơn, là về lại Sài Gòn ở-rể hai năm.

Tôi nói với Mây, nếu cổ không đồng ý, thì tôi đóng cửa quán, mai tôi đi tu. Tôi tu ở ngọn hải đăng ngoài Mũi Kê Gà. Sáng mai, tôi gói ghém tư trang, rồi ghé Kẹo Đồng mua vài lá bùa trừ yêu, tới ngọn hải đăng, tôi dán trước cửa, tôi dán đầy lối đi hình xoắn ốc cho đến bậc thang cuối cùng, trước cửa căn phòng ngủ bên cạnh, tôi dán thứ bùa chú hủy diệt nhất, để cấm cửa thứ hồ ly tinh, như cổ. Rồi mỗi ngày, tôi ngồi ở ngọn hải đăng ghi nhật ký, tôi đọc Kinh Thánh, lầm rầm những lời cầu nguyện suốt cả đêm. Tôi sẽ để cho tóc dài ra suốt quãng đời còn lại, mong mỏi đến một ngày, một ngày cổ nuối tiếc, rồi tìm tới Mũi Kê Gà, khi đó tóc tôi đã dài hơn ngọn hải đăng, tôi thả tóc tôi xuống như ra-pun-gieo, để kéo cổ lên. Nếu một trăm năm cổ vẫn chưa đến, thì trước khi nhập thất, tôi đòi lại chiếc vòng chân hai triệu tư, tôi đi vòng quanh hòn đảo hoang tìm một khoảnh đất, để đào một cái huyệt mộ. Chờ đúng một trăm năm, một ngày tháng 10 năm hai-ngàn-một-trăm-hai-mươi-mốt, chờ đúng một ngày mưa bão, tôi tìm một cái xẻng cắm sâu xuống đất, tôi xới, giữa tiếng gầm của sấm chớp và mưa như trút nước, tôi xới, đến khi hình thành một hố sâu sáu tấc, tôi cắt mái tóc dài hơn ngọn hải đăng và bạc trắng hơn cả cơn mưa trắng xóa đang tàn phá từng nếp nhăn trên gương mặt, tôi cắt, từng búi, từng búi, tôi cạo mớ tóc còn lại, vào những giờ khắc cuối cùng, tôi cầm lấy chiếc vòng chân, áp lên ngực, trước khi tự chôn sống mình ngay sau đó. Ngày Mây đến, nhất định là mười năm sau ngày tôi xuống tóc, cổ đã 135 tuổi, cổ xới tung huyệt mộ. Một ngày mưa trắng xoá Mây khóc như lũ lụt, nước mắt nhiều tới mức tràn ra biển, hai bàn tay cổ xới tung chỗ tôi nằm, tôi nằm cô quạnh dưới sáu tấc đất, cổ xới, cho đến khi đôi bàn tay rướm máu, hoà tan cùng nước mắt, thì tìm thấy tôi nằm bên dưới, tay vẫn áp trên ngực chiếc vòng. Thân thể tôi chỉ còn là một nắm xương tàn với chiếc vòng đang treo lủng lẳng trên lồng ngực, cổ cầm lấy chiếc vòng, rồi gào khóc, tiếng gào còn lớn hơn tiếng gầm của trời đất, nước mắt trào ra nhiều đến nỗi cuốn trôi hết đám bùa yêu, hồ ly tinh tiếp tục gào thét, cho đến khi trời đất cũng phải động lòng, quyển Kinh Thánh đột nhiên toả ra thứ ánh sáng đủ để thắp nên một buổi bình minh, thứ ánh sáng như một tia hy vọng chói lọi xuyên qua đám mây và lớp bùn đất rồi dừng lại ở chiếc vòng cổ chân chạm khắc ngọn đèn biển đã già hơn một trăm năm, khi vừa đi qua hai chữ ĐB, thì chiếc vòng sáng lấp lánh, thứ ánh sáng toả ra, rồi lan dần hết thân xác tôi, trả lại cho tôi dòng máu nóng, trả lại cho tôi làn da hồng hào và trả lại cho tôi hình hài của một con người. Tôi trở dậy như Đăng của tuổi ba-lăm và những giọt nước mắt đã gột sạch hết bụi thời gian để đưa Mây trở về với tuổi xuân, đúng vào ngày tôi rời đi, chúng tôi nhìn nhau trong ngày mưa bão, nước mắt của Mây như lũ lụt cuốn trôi hết mọi thứ, cuốn trôi cả hòn đảo hoang đưa chúng tôi về với quán bia không tên. Một trăm mười năm đã trôi qua, Giang và Linh vẫn giữ đúng một lời hứa, chỉ rời đi cho đến khi nào chúng tôi trở lại. Đồng chí G nằm gục trên bàn, cô Linh, một tay nắm lấy tay đồng chí, một tay giữ chặt tờ giấy A4 thứ mười lăm, trên đó ghi một câu ngắn gọn: Bọn em biết, anh sẽ trở về. Mây khóc như lũ lụt, bên ngoài những tiếng sấm vang rầm cả trời đất. Tôi nói Mây chạy nhanh vào nhà, tới phòng làm việc, mở những con ốc bong tróc để lấy chùm chìa thứ tư, rồi tôi dùng nó để khởi động quán bia, vốn là một con tàu không gian do ông ngoại tôi để lại. Khi tôi kéo chiếc cần mở vòi bia thì mặt đất rung chuyển, thứ ánh sáng phát ra từ ngọn hải đăng nay bắt đầu toả đi mọi nơi, ngay chỗ chúng tôi đang đứng, ngay chỗ Giang và Linh đang xiết tay nhau, mái tóc bạc của hai người dần chuyển sang màu đen, y như tôi trước đó, trước khi mớ da thịt hồng hào trở lại và đôi tay bắt đầu cử động. Giang và Linh trở dậy như hôm nay là một ngày tháng mười năm hai-ngàn-không-trăm-hai-mươi-mốt, và đồng hồ chỉ mới điểm hai giờ đêm. Quán bia của tôi, bốn người chúng tôi cùng di chuyển ra ngoài không gian vô tận, tôi nhờ hai đồng chí đến từ Hà Nội nhóm lửa cho gian bếp, trong khi tôi và Mây đang phủi lớp mạng nhện đã bám vào đám ly tách gần một thế kỷ. Con tàu tiếp tục di chuyển với tốc độ không tưởng, băng qua những thiên hà xa xôi mà chưa từng có sử sách nào ghi lại. Hôm nay chúng tôi không nhóm lửa để chống lại lũ âm binh, mà chúng tôi phục vụ đặc sản đến từ trái đất, đó là món trâu gác bếp và mớ nước có độ cồn 11,8 độ mang tên loài hung thần của vũ trụ, bia Hố Đen làm oằn cong thứ ý chí kiên cường nhất của mọi giống loài, lũ người Ọc, người Ép, người Lùn và đám quỷ bóng đêm thống trị cả một vùng thiên hà, đều bị Hố Đen cuốn vào theo đường xoắn ốc và thứ nó nôn mửa ra làm chúng tôi không còn phân biệt được nguồn gốc, tất cả đều như nhau, những bụi sao trời như thời phôi thai của vũ trụ. Rồi khi Hố Đen đã cuốn phăng thứ lý trí ít ỏi còn sót lại, các giống loài bắt đầu rút súng và nhả đạn, những làn đạn xanh đỏ giao nhau như thứ pháo hoa được bắn ra từ quán bia, lúc này đang trôi lơ lửng ngoài không gian, để ca ngợi vũ trụ bao la và huyền diệu. Tôi nói với Giang, bọn em giữ cần lái, bọn em tiếp tục phục vụ thứ chất lỏng màu vàng sóng sánh này kể từ đây. Anh và Mây, sẽ mở cửa sau. Anh và Mây sẽ nhảy ra ngoài không gian, bám vào một lớp ván gỗ rơi ra từ quầy bia sau cuộc hỗn chiến, anh và Mây sẽ cởi hết lớp áo phi hành gia, cho tới lớp vải cuối cùng còn sót lại trên người, bọn anh sẽ hành sự mê man trước ti tỉ hệ thống ca-mê-ra an ninh liên ngân hà, rồi tan vào vũ trụ như đám bụi sao trời, về với những gì tất cả chúng ta đã từng. Và tưởng như ta chưa từng.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *