Saigonation

Tui cảm thấy dạo này Sài Gòn như thành phố của đồ ăn thức uống, đi đâu cũng thấy quán xá, tui chở Ty bông vào một con đường hẻm nhỏ thôi đã có ba quán ăn với ba món khác nhau: Cơm, hủ tiếu, làng nướng. Ở Sài Gòn, một nơi nào bạn vừa ghé vào mấy ngày thôi, mấy hôm sau đã thấy một hàng quán mọc lên. Cái siêu thị Family Mart gần nhà tui giờ mới có một xe bán cơm gà chiên, nhìn thấy thì ngon lắm nhưng chưa có dịp ghé.

Nói về chiến lược cung cấp đồ ăn thức uống của Sài Gòn chúng ta có thể so sánh với chiến lược tung ra sản phẩm của Microsoft: Give people choices, cho người dùng sự lựa chọn. Đó là lý lo vì sao Microsoft ít khi nào sáng tác các phần mềm trên một thiết bị duy nhất. Mình có thể sử dụng Windows trên các máy tính của Dell, Sony, HP, Lenovo, Toshiba với mức giá khác nhau tùy theo túi tiền. Ví dụ như món bánh canh ở Sài Gòn ấy, có nhiều mức giá khác nhau và đủ các chủng loại, bánh canh miền Tây, bánh canh miền Trung, có những quán một tô 22.000, có quán một tô đến 36.000 với đầy ắp tôm, cua mà bạn sẽ húp súp đến khi nào nghe rột rột mới thôi. Vì vậy khi mới lên đây mà nghĩ rằng “Sài Gòn đắt đỏ quá” thì cũng oan ức lắm. Nếu chịu khó tìm, bạn có thể tìm được những quán ăn 4 món mà có 175.000 mà còn được bonus thêm một dĩa trái cây, một bình trà và một anh chàng đẹp chai đứng kế bên cám ơn vì sự có mặt của bạn. Như tui với Ty mới hôm qua ăn ở một làng nướng đường Võ Văn Tần. Để có thể tìm được mấy quán như vậy phải chịu khó tìm tòi trên mạng, gần như bất cứ thời điểm nào cũng có một quán đang có chương trình khuyến mãi.

Sài Gòn giống như cái hợp chủng quốc Hoa Kỳ thu nhỏ vậy, bạn có thể gặp đủ loại người, nghe đủ loại giọng nói. Tui thích điều đó, từ khi ở đây đến giờ tui gặp rất nhiều người khác nhau. Hôm qua đi với Ty bông mua giá vẽ cho nó, tui ngồi bên ngoài nhịp nhịp mấy điệu trống thầy đang dạy vừa ngắm những người ra vào cái shop bán dụng cụ vẽ. Chủ yếu là các cô gái học đại học, đeo kiếng, ba lô sau lưng, chắc là sinh viên Mỹ thuật hoặc Kiến trúc. Các em có vẻ rất say mê công việc lựa màu, thử từng loại cọ rồi nhíu mày lắc đầu mỗi khi các đường nét vẽ không được như ý. Một thế giới hoàn toàn khác, nơi mà người ta xem những hộp màu như những thứ chứa đựng những điều kỳ diệu, cũng như các bạn diễn viên xiếc hôm rồi tui có dịp chứng kiến trong một buổi tập, xem những động tác uống dẻo như ngôn ngữ để liên lạc với thế giới bên ngoài, hay như thầy dạy trống của tui, xem từng nhịp trống như là nhịp thở của cuộc sống.

Cuối tuần có một buổi ngồi nói chuyện rất hay với thầy, hằng ngày chỉ biết vào là gõ, bị đánh, nhận bài mới xong rồi về, hai thầy trò không có nhiều dịp để nói chuyện xung quanh cái đam mê của nó. Thế nên tui hỏi hết, từ việc tại sao thầy dạy cái này trước mà không dạy cái kia trước, gõ dùi trống mạnh hay nhẹ là tốt hơn, thời gian ngồi trên trống bao lâu thì người ta mới đủ để ráp nhạc, những câu đại loại như thế. Thầy không những trả lời hết mà còn trả lời nhiều hơn mong đợi, vì sao thầy để học trò ra đi mà không nói với nó một lời, không hỏi vì sao nó lại nghỉ, vì sao rất lâu thầy mới cho một học trò lên trống ? Hay cái gì làm nên một người đánh trống giỏi ?

Hôm ở nhà sách Minh Khai tui mua một cuốn sách của Krishnamutri – Chiêm nghiệm về cuộc đời, tựa ngầu vậy chứ thực ra ổng trả lời mấy câu hỏi rất dễ hiểu, có nhiều câu hỏi mà tui hay tự hỏi không biết ở đâu trả lời thì Krishnamutri có trả lời hết. Hôm nay tui tình cờ đọc được trích đoạn nói về Niềm hạnh phúc, tui trích lại đây.

Niềm hạnh phúc không xuất hiện khi bạn cố gắng mưu cầu nó, đó là bí mật lớn nhất, mặc dù người ta có thể nói về nó một cách dễ dàng. Niềm hạnh phúc là một thứ thật lạ, nó chỉ xuất hiện khi bạn không tìm kiếm nó. Khi bạn không nỗ lực nhằm tìm kiếm niềm hạnh phúc, khi đó nó xuất hiện một cách đột ngột, một cách bí ẩn, nó sinh ra từ sự thanh khiết, vẻ đẹp của sự sống. Nhưng điều đó đòi hỏi chúng ta phải có sự hiểu biết lớn – không tham gia bất kỳ tổ chức nào, không cố gắng trở thành một ai đó. Sự thật không phải là cái gì đó mà bạn có thể mưu cầu. Sự thật xuất hiện khi tâm hồn và con tim bạn không cố gắng trở thành một ai đó khác hơn chính mình. Nó xuất hiện khi tâm hồn bạn tĩnh lặng, lắng nghe mọi thứ mà không mang theo ý niệm thời gian. Bạn có thể lắng nghe những lời này nhưng để niềm hạnh phúc xuất hiện thì bạn phải khám phá cách giải thoát tâm hồn mình khỏi mọi lo sợ.

Thầy tui nói để đánh trống giỏi, thứ nhất phải tập cho cái tâm mình vững, và đi cùng với nó, đừng có ngó nghiêng coi nó là cái gì rồi làm theo. Tức là nếu tui ngồi tui đếm 1 2 3 4 5 6 1, 1 2 3 4 5 6 1, 1 2 3 4 5 6 1, là xong, chẳng bao giờ đánh được cả. Điều đó đúng, tui nhớ hễ cứ mỗi lần mà lo lắng coi sắp tới là nhịp gì, rồi mình đã gõ đủ bốn cái chưa hay chân trái đã đạp đủ chưa là chẳng bao giờ đánh được. Mỗi khi tui vừa đánh vừa nhớ chuyện khác, là tui đánh được liền. Krishnamutri mới nói là mình phải tự khám phá tâm hồn mình khỏi mọi lo sợ, cũng là lý do vì sao bài tập đầu tiên của lớp thầy là test cái thần kinh học trò thép tới đâu.

Mình muốn được là chính mình, ai cũng muốn vậy. Tui nhớ có một lần tui đọc một buổi phỏng vấn ca sĩ chính của nhóm Eagles of Death Metal, khi được hỏi “thỉnh thoảng anh có nghe nhạc của chính mình không ?” Ổng trả lời gọn ơ là “tui nghe đi nghe lại album của mình nhiều lần trong ngày, tui nhảy theo nó suốt”, xong còn nói thêm một câu, “nghe rất là đồng bóng phải không ?”. Nói theo kiểu teen là bị tự kỷ ấy, tui cực thích cái câu trả lời đó, thường thì ai mà nói thế, hằng ngày nghe album của mình hát ? mình làm gì khi nghe album của mình hát ? Rồi một lần ông guitar của nhóm A.R.E Weapons cũng trả lời rất vui vẻ rằng “tui ghét Radio Head, tui ghét The Beatles”. Nếu bạn mà nói những câu đó, những fan ruột của Rock sẽ cho rằng bạn là một thằng dở hơi, kiểu như nghe Rock là phải gục gặc, “mày có nghe Metallica không ? mày có nghe Death Black không ? không hả ? đi chỗ khác chơi”. Mà hồi trước tui vậy đấy, nghe hỏi tới là tui cũng “uhm, mình rất mê Nirvana”. Bạn có muốn đứng giữa MegaStar mà nói rằng “Tớ thích ăn khoai lang tím” không ? Đại loại thế.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *