Hy vọng chị Nguyễn Ngọc Tư không đưa tui vào danh sách “Yêu người ngóng núi” vì cái lý do ở Sài Gòn mà đi iu Đà Lạt. Tui vẫn và một fan của Sài Gòn và tối qua khi viết những dòng này vẫn đang thèm một ly beer vải Ụt Ụt cỡ lớn và lẩu bò Momo lắm!
Mỗi người có một cảm nhận riêng, có người thấy buồn, có người thích cái lạnh, có người yêu sự yên bình của nó, tự ai đó đều giữ cho mình một câu chuyện, một cái nhìn. Đối với tui:
Đà Lạt là để uống
Tui ghiền uống rượu ở đây, không phải ghiền đến nổi vừa bước xuống bến xe là nói “Xuân, anh muốn một ly rượu”, không tới mức độ đó, nhưng ghiền ở mức buổi tối chuẩn bị hành lý là đã sẵn sàng cho tâm lý được uống rượu, bước lên xe đã nghĩ sẵn trong đầu khi đến nơi mình sẽ đến quán nào, uống loại rượu gì và uống bao nhiêu.
Mặc dù không phải dân sành, nhưng tui có cảm giác mỗi quán rượu tại Đà Lạt được nấu riêng và đều có cá tính riêng. Đi đến đâu tui gọi rượu nếp đều là một thứ rượu nếp đặc trưng, không ai lẫn với ai, không phải kiểu quán A, B, C, D nhưng đều lấy rượu về từ nhà nấu rượu E. Tui chỉ gọi rượu nóng, với cái lạnh của Đà Lạt, nhấp một ly rượu thật nóng và cảm nhận rõ nó đi vào cơ thể mình, càng lạnh, uống càng nóng càng thích. Thích phải nói chỉ có thể là nhắm nghiền mắt mỉm cười sung sướng.
Tui luôn mong một ngày nào đó có thể tập hợp đủ những người bạn thân nhất lại, ngồi ở một cái chòi uống rượu nóng và ăn thịt rừng, kể chuyện và nói xấu về nhau, nếu được thì xin thêm một chút mưa, nếu được nữa mở một vài bài hát của Bon Iver, thì đúng là một dịp có một không hai trong đời.
Đà Lạt là để ăn
Món ăn ở Đà Lạt rất dễ ngon, có lẽ là vì cái lạnh làm tui thèm ăn, một trái bắp nướng bình thường ở chợ Đà Lạt được “cạp” đúng lúc cũng có thể ngon như một món fine dining ở Sài Gòn, ăn tô bún riêu xì xụp giữa tiết trời lạnh như cắt da cắt thịt lúc 11h tối, thưởng thức vài cái bánh căn mà chủ quán nhìn có vẻ thờ ơ ít nói, nhưng cái bánh nóng được làm cẩn thận, chăm chút đến chén nước mắm cũng đủ làm tui hiểu thêm một chút về người Đà Lạt, không cần phải nói tiếng nào!
Tới bà bán phở, bà bán thịt bò ngoài chợ tui cũng thấy dịu dàng đến khó tin.
Cái kiểu của tui,
Nếu là buổi sáng, tụi tui thường thức sớm, khoác vội chiếc áo lạnh và đi bộ tà tà đến quán xíu mại ở đầu đường, tui đã ăn mấy quán xíu mại được cho là ngon nhất Đà Lạt (đó là theo Google) nhưng vẫn thích quán ở đây nhất, quán nằm ngay góc đường Yết Kiêu gần khách sạn YK, quán nhỏ, vừa bán tạp hoá vừa bán đồ ăn sáng, món xíu mại có vẻ như là món phụ nhưng lại cực kỳ ngon, bà chủ đem ra cái chén nhỏ, mỗi chén có khoảng 3 viên xíu mại, bánh mì nóng, rất vừa để ăn, uống kèm với ly cà phê sữa nóng, mỗi lần đến ở đây, chúng tui đều phải dành ít nhất một buổi sáng để thưởng thức món này. Nói ít nhất là vậy, nhưng thực ra lúc nào cũng ghé hai ba buổi sáng lận!
Nếu là buổi chiều, chờ cho trời sắp tắt nắng thì hai đứa dắt nhau ra chợ, có thể bắt đầu bằng ly đậu nành, một cái bánh tráng nướng rồi bắt đầu vào món chính. Ngày xưa ngay chợ có một bà bán bún riêu khá ngon ngay bậc đường xuống chợ, nhưng chắc do dòng đời đưa đẩy, càng lúc tui càng có cảm giác thịt vơi bớt và nước súp thì không đậm đà như xưa.
Nhưng phải là thịt rừng, chỉ là thịt rừng và thịt rừng và thịt rừng và thịt rừng và rượu nóng để gọi là “chỉ-có-thể-là-em” đối với mọi loại ẩm thực vùng núi. Lúc nào khi đến đây, tui và nàng cũng ghé quán thịt rừng Đà Lạt đoạn Phan Đình Phùng, quán nhỏ lụp xụp, nhìn không có vẻ gì là quán ăn, quán thậm chí không có tên và chỉ bắt đầu bán từ 4h30. Thế là mỗi khi đến nơi dù là đói lắm chúng tui vẫn đợi, ăn một món gì đó nhẹ nhàng chừa bụng để chiều đến quán ăn món heo rừng khoái khẩu, trời lạnh, nồi thịt nóng được hấp với gừng và sả, gia vị rất vừa, gắp một miếng thịt, uống một ly rượu nóng. Heaven.
Sau này ngoài thịt rừng ra tụi tui cũng tìm kiếm thêm những loại ẩm thực “Tây” hơn, tui tìm ra một quán bò steak cực ngon, quán sushi với món sake nóng ngon hơn cả lúc uống ở Sài Gòn, đặc biệt là wasabi và rừng chua của nó, rất homemade và rất..Đà Lạt.
Đà Lạt là để hít thở và mặc đồ đẹp
Nếu như ở thành phố ngày nào tui cũng đều đặn dùng thuốc nhỏ mũi hai lần thì đến đây lại khác, cứ hít thở. Đà Lạt là một cái tủ lạnh lớn để đựng những vườn xà lách, dây tâu, nho xanh và nhiều món trái cây khác, như hồi nhỏ mỗi lần mở tủ lạnh ở nhà ra là tui rất thích được hít thở, cảm giác tươi mới, và luôn có một ít mùi thơm. Ở Đà Lạt, lúc nào tui cũng như đang ngồi trong tủ lạnh.
Mặc chiếc áo lạnh co rúm người lại là một hành động rất được ưa chuộng khi mình là người ngoài, thử nghĩ ở thành phố có bao nhiêu lần được đội cái nón len, đeo khăn choàng cổ, dùng găng tay? Trong khi nó là những thứ làm mình trông rất dễ đẹp và cá tính. Xem phim Hàn Quốc ộp ộp pa ôm nhau lãng mạn thở ra khói ai lại không thích? Thì đây, Đà Lạt, thành phố mộng mơ, nơi chúng tui hoàn toàn có thể đeo găng tay áp vào mặt cười nói, lạnh nhưng vẫn tươi rói, nắng ấm thì lại bực mình.
Đà Lạt là để đi để về
Cứ mỗi khi nhu người, mặt đần ra không còn nghĩ được gì, tui lại hỏi người yêu rằng “mình có đi Đà Lạt được hok?”
Không phải là trí thông minh không còn hoạt động được, chỉ là nó có vẻ đã đóng bụi, có vẻ là do mỗi ngày đều phải nhìn quá nhiều xe, những toà nhà cao tầng, hoá đơn tiền điện nước…đến lúc tui muốn được nhìn ngắm rừng núi.
Đi Đà Lạt
Khi nói đi có thể đơn giản là để đi bộ hoặc thả vài vòng, hoặc cứ chạy ra ngõ hẻm nào mình thấy thích, ở đâu đó cũng có thứ mình muốn khám phá, tìm hiểu. Đi bộ là cách cực nhất vì có nhiều đoạn sườn dốc phải lên xuống liên tục, nhưng đi bộ là cách hay nhất để hiểu hơn về cuộc sống ở đây. Bắt gặp một cậu bé đi học vào sáng tinh mơ, chạy vội theo chị gánh trái cây tươi ngon vừa mới ra hàng..chỉ có thể là bộ-ni-ken.
Không đi bộ thì tụi tui có thể thuê một chiếc xe và chạy vài vòng Hồ Xuân Hương, luôn luôn có gì đó để nói, để vui khi đi quanh con đường này, một lúc ta thấy rõ mặt hồ, xanh, nhiều gió và yên bình, một lúc ta thấy lạnh thấu xương, khi buổi chiều xuống và ta đi vào những đoạn đường khuất và nhiều cây, tụi tui luôn cố gắng thử tìm một con đường mới, một ngõ hẻm mới hay đơn giản là một quán là lạ bên đường. Vào ăn thử một dĩa xà lách, uống thử một ly rượu Tây, luôn luôn chúng tui tìm thấy một điều gì đó mới, luôn luôn câu chuyện không bao giờ bị ngắt quãng.
Về Đà Lạt
Nhiều người nghĩ Đà Lạt là một nơi để cho những người yêu nhau đến để yêu hoặc là đến để refresh lại tình yêu.
Đối với tui cho đến lúc này những lần đến Đà Lạt không phải để như vậy, chúng tui đến đây là để thấy ngoài cuộc sống bề bộn hằng ngày mà chúng tui đang sống còn có những góc bình yên, những khoảng lặng, những nét đẹp rất riêng để khám phá.
Cho nên mỗi lần về Đà Lạt là về thăm một người bạn, một người bạn luôn có những điều mới mẻ, một người bạn luôn chờ đón ta cùng hàn huyên trò chuyện. Kiểu: “Ừ, 3 tháng qua cậu làm việc có mệt không? Cậu về thăm tớ, tớ có thịt rừng, có rượu, có một dãy núi này đây và có một đống không khí trong ơi là trong để cho cậu đây!”
Đà Lạt là những kỷ niệm
Tui cũng iu Sài Gòn, con đường công việc, tình yêu, smartphone đều từ nơi này mà bắt đầu. Nhưng Đà Lạt là những kỹ niệm là tui có thể nhớ lại bằng cả cảm xúc và in lại được những gì diễn ra xung quanh mình lúc đó.
Tui có thể nhớ lúc tui và nàng nói câu này thì đằng sau là núi, hay là nhà thờ, hay là chợ, hay đơn giản là một quán cà phê mà chúng tui sắp ghé vào.
Những kỷ niệm đó có thể là một cục to tướng như ngày chúng tui đi chụp hình cưới, lần đầu tiên dắt con đi chợ đêm, hoặc có thể là những viên nhỏ hơn như những đêm mua đồ về nướng BBQ, hoặc nhỏ hơn nữa như mua được một đôi vớ đúng màu mình thích, hoặc thậm chí chỉ là “ê, anh lạnh thở ra khói luôn rồi”.
Đà Lạt là để sống?
Một số bạn bè của tui nghĩ “mài định về Đà Lạt giống như về ở ẩn vậy hả?”. Thực chất là đến tận bây giờ dù ở đâu tui vẫn sống theo cách của một thằng Đăng Bông, Sài Gòn hay Đà Lạt mỗi sáng tui vẫn là một thằng ngủ trễ và ăn nhiều, ba giờ chiều vẫn thèm beer, ngày làm việc 8 tiếng, vẫn chưa đi nghe live nhạc Trịnh Công Sơn và uống cafe Tùng lần nào.
Chuyện có về ở luôn hay không vẫn là một câu hỏi còn lơ lửng trong đầu hai vợ chồng tui nhiều năm nay và đến bây giờ hai đứa mới có dịp dắt nhau, dắt đứa con gái rượu lên đây “sống thử” xem “cỏ có thực sự xanh hơn”. Tụi tui thử ăn sáng những món người dân nơi này thích, tụi tui đi chợ và nấu ăn, ngày cuối tuần tụi tui nằm ì ở nhà đọc sách và nghe nhạc chứ không đi vào các khu du lịch, thức dậy lúc 8h30 sáng và gửi mail như một ngày đời thường nghiêm chỉnh. Và đến bây giờ tụi tui thích, qua năm tháng không biết có thay đổi gì hay không vì còn rất nhiều trở ngại phía trước từ công việc đến gia đình, nhưng hy vọng rằng dấu hỏi sẽ được chuyển thành dấu chấm thang!
(Tặng Xuân Bông và Yên Bông!)