Nếu muốn nghe bản audio, mời bạn nghe ở đây (tiếp tục coi trong kênh các phần tiếp theo)
—
Có lần, tầm 3 giờ chiều, trông thấy Mây đang dọn dẹp ly tách ở quầy, tôi vội lao tới, ra vẻ hốt hoảng, chạy đến sát quầy thì tôi quỳ xuống rồi vờ như đang tìm cách ẩn nấp, tôi kéo gấu váy cổ rồi kêu cổ cũng phải quỳ xuống. Tôi đưa ngón tay lên môi ra hiệu cho cổ im lặng. Rồi nói. Anh nghi có mấy thằng biệt kích dù ở đâu đây, em nghe anh, đi theo anh thì sống, tình hình nguy cấp. Nói xong tôi lại vờ đưa mắt nhìn quanh, vờ ra vẻ đề phòng, rồi đặt tay lên vai Mây, đặt hồi lâu vì vai mềm, để chữa ngại, tôi vỗ vai cổ mấy cái. Nói. Đi theo anh tới hầm trú ẩn. Cổ biết tôi định rủ cổ đi dạo biển, nhưng cổ cũng làm bộ rón rén theo tôi ra khỏi quán. Khi vừa tới bãi cát, tôi nói cổ chờ chút, tôi quay lại quầy, vẫn men theo, vẫn rón rén, tôi lấy hai chai bia lạnh và chút tiền mặt trước khi trở ra. Mây hỏi, biệt kích dù đâu. Tôi chỉ tay lên trời, vào vài người đang chơi dù-bay ngoài biển, những tấm dù màu xanh đỏ. Rồi tôi nói. Đó, biệt kích dù đó. Thế là Mây lườm, Mây nguýt, rồi Mây cười. Xong chúng tôi cùng đứng dậy, phủi quần áo, rồi đi dạo. Tôi đưa cho Mây chai bia rồi đề nghị. Giờ này còn sớm quá, thôi mình đi hướng ngược lại, qua bên kia đường, lên đồi, nói chuyện chơi. Đợi chiều, ông trời buồn, mình quay lại biển sau. Giờ đó tụi biệt kích, cũng nghỉ ngơi hết cả.
Vậy là chúng tôi lại ra Nguyễn Đình Chiểu để tản bộ. Hàng ngày, thỉnh thoảng cả hai cũng gặp nhau trên con đường này, hầu hết là do tình cờ. Tôi ra đó định kiếm vài món hải sản. Cổ ra đó mua đồ lặt vặt. Hôm nay chúng tôi cũng chỉ làm những việc lặt vặt, đi được chừng ba mươi phút, tôi thấy một chiếc honda cũ đậu bên đường, trông rất lặt vặt, nó đeo tấm bảng, đề chữ “CHO THUÊ”, in hoa hết cả, rồi nó đề giá, một trăm ngàn một tiếng. Chúng tôi đến hỏi thì có một anh thanh niên bước ra, anh ta nói, xe này tình nhân như anh chị đi thì hết ý, tôi đính chính, tụi anh không phải tình nhân, tụi anh là phạm nhân, tụi anh trốn biệt kích dù, (rồi tôi lại chỉ tay lên trời, vào đám dù bay xanh đỏ). Anh thanh niên cười, nói, sao cũng được, đi trốn thì em tính ba tiếng hai trăm năm chục ngàn thôi. Tôi gật, rồi tôi nói thêm, tụi anh phải cải trang thành tình nhân nên nhờ em, cho hai cái nón bảo hiểm cùng màu. Anh thanh niên lại cười, cũng chỉ có hai cái mà thôi, nhưng may, chúng cùng một màu trắng. Chúng tôi cùng hai cái nón bảo hiểm màu trắng chạy lên một đoạn đường dốc, thoai thoải. Lúc này là 4 giờ chiều. Mây luôn giữ khoảng cách, cổ ngồi thẳng nên ngực không chạm vào đâu cả. Tôi thấy vậy là không đâu vào đâu cả.
Bọn tôi chỉ nói những chuyện lặt vặt. Chuyện khách khứa ở quán, giá hải sản tăng, về con chó hàng xóm hay qua ăn ké. Rồi bọn tôi nói về những trụ bê-tông tròn rỗng ruột đang nằm bên đường quốc lộ, vì xe vừa đi ngang qua đó, bọn tôi hỏi tại sao nó lại ở đây, ba trụ tất cả, to lớn lắm. Tôi đề nghị. Tụi mình quay lại để điều tra, rồi nấp trong mấy trụ bê-tông, bọn biệt kích dù sẽ không tìm thấy. Chúng tôi đậu xe rồi chui vào một trụ bê-tông, phần ruột rỗng diện tích phải hơn một mét nên hai đứa ngồi thoải mái. Tôi một đầu, Mây một đầu. Chính giữa là bánh kitkat, bánh snack, loa nghe nhạc và vài chai bia vừa mua dọc đường. Chính giữa là những câu chuyện lặt vặt. Đâu đó chính giữa 4 giờ 30 chiều đến gần 5 giờ, Mây cười đôi lần. Mây có cái kiểu cười tôi hay gọi là những nụ cười dư âm. Cổ không chỉ cười chuyện tôi đang nói, mà cười luôn cho những câu chuyện trước đó. Khi cười Mây cũng có lúm đồng tiền dư âm, chỉ cần lúng vào thêm chút nữa, thêm một phần triệu giây nữa thì ta có kết luận cô này có lúm đồng tiền, nhưng không, nó dừng đúng lúc chỉ để vừa là một dư âm. Khi cười mặt cổ đỏ ửng lên, nếu uống chừng vài chai bia thì mặt cổ sẽ đỏ gấc hết cả. Nên tôi biết đối tượng này là thành phần nguy hiểm, binh chủng nào cũng sẽ săn lùng cổ. Tôi biết, nếu một thằng biệt kích dù, một thằng cô-măng-đô hay sĩ quan chỉ huy nào đó tóm được cổ, thì đời tôi kể như hết. Nên tôi giấu cổ ở những trụ bê-tông. Tôi giấu hết những điều lặt vặt về cổ. Nếu có kể cho chúng bạn, hoặc nếu bị tra khảo, tôi cũng chỉ nói những điều chung chung về cổ. Tôi nói. Con nhỏ này có cái đồng tiền cũng không xong. Chúng tôi ngồi uống với nhau, tôi mở nhạc không lời, Mây thỉnh thoảng lại nhoài người đến giữa cột trụ bê-tông để lấy kitkat, cứ mỗi lần cổ nhoài tới tôi lại đưa mắt về phía cổ áo, mắt tôi sáng như bọn đặc công làm nhiệm vụ đêm, tôi cố nhìn xuyên thấu qua lớp áo để tìm phần da thịt đang phập phồng, đầu tôi hoạt động hết công suất. Nhưng tôi không thấy gì cả. Mỗi lần nhoài người tới, Mây lại dùng một tay để che đi cổ áo. Lại một chi tiết lặt vặt tôi không muốn kể với ai. Rằng cổ luôn nhớ dùng tay để che cổ áo mỗi khi nhoài người hay cúi xuống. Tôi có thể khẳng định như thế là bởi vì, mỗi khi Mây nhoài người hay cúi xuống, thì tôi lại rướn người hay đứng lên. Tôi không bỏ sót một lần nào. Cứ độ vài mươi lần thì tôi hoàn thành nhiệm vụ được một lần, là do đối phương bất cẩn, làm vỡ ly chén, đạp trúng con thằn lằn. Tôi thấy một phần bên trong cổ áo xong thì tôi báo cáo lại cho não. Tôi nói với não. Ghi lại, cất kỹ, mỗi tối đem ra dùng. Tôi không thấy tội lỗi, tôi không thấy mình phạm vào điều răn thứ 6. Vì tôi thì thầm với Chúa. Con chỉ làm việc này với mỗi mình Mây.
5 giờ chiều mặt trời bắt đầu đổ dốc, chúng tôi cũng đang đổ dốc, men theo đoạn đường cũ, trả xe, trả hai cái nón bảo hiểm màu trắng. 5 giờ chiều mặt trời đổi màu, chiều hoàng hôn phủ một màu vàng êm dịu đang ôm lấy chúng tôi, nhưng có hai kẻ không đi tìm lãng mạn, mà chỉ làm những điều lặt vặt. Chúng tôi dạo bước bên bờ biển để nói về Holden Caulfield, đoạn anh chàng muốn làm nhân viên trạm xăng rồi giả vờ câm điếc, tôi cũng giả vờ câm điếc, tôi đứng qua một bên, trước mặt trời, giơ tay ra làm động tác đổ xăng, tay còn lại tôi ra hiệu cổ phải trả năm chục ngàn, thế là cổ lấy trong túi ra tờ tiền rồi đưa cho tôi, tôi vẫn đang giả vờ câm điếc, tôi không lấy tờ tiền mà vờ như bắt nhầm tay cổ. Cổ giãy giụa, kêu buông ra. Tôi vẫn hay bắt nhầm tay cổ, ở quán, tôi thường vờ như vô tình thấy trên tay có vết đỏ, thế là lại bịa chuyện, làm ra vẻ hốt hoảng, tôi chạy đến cầm tay lên săm soi, hỏi có sao không. Thay vì cầm lên thì phải để tay án binh bất động, đằng này một vài ngón lại di chuyển, mà tôi là một thằng đặc công ma mãnh, tôi di chuyển làm sao chỉ vừa một phần triệu giây nữa thì tội danh thành lập, là tôi ngừng, cái nắm tay chỉ kịp là một dư âm. Chiều nay, lúc 5 giờ 25 phút chiều, tôi bắt lấy tay cổ mà không cần phải đóng kịch, tôi vờ như không nghe, tôi còn làm như mình mù loà để không thấy tờ tiền, tôi nhắm mắt quờ quạng, tay vẫn nắm chặt. Còn một phần triệu giây nữa để cổ giận thì tôi buông ra. Rồi ngay lập tức tôi tỏ ra hốt hoảng. Tôi nói. Mây, em cúi người xuống, đi theo anh. Rồi tôi chỉ tay lên trời, vừa may vẫn còn một thằng biệt kích dù để đánh lạc hướng. Tôi lại nói. Mình lẫn vào đám người này rồi về hầm trú ẩn. Mây nói. Đừng giỡn nữa, tới giờ mở quán rồi. Tôi nói. Không, hôm nay nghỉ, trường hợp khẩn cấp, phải vào hầm trú ẩn. Mây nói tôi lười. Tôi chỉ cười rồi ra hiệu cho hai đứa đứng lên đi bộ. Còn chừng vài trăm mét là về lại quán. Tôi lấy loa ra, tôi lấy điện thoại ra để mở bài Proof, của I am Kloot. Tôi muốn nói như anh ca sĩ trong bài. Rằng, này em, có thể uống với anh một chút nữa? Nhưng tôi lại đóng vai một thằng câm điếc.
6 giờ rưỡi, chiều vàng ngã sang chiều tím. Về nhà tắm rửa thay đồ xong, tôi rủ Mây đi ăn nhà hàng. Tôi không định đi ăn nhà hàng, mà định về đến tôi sẽ mở cửa quán. Nhưng nghĩ một hồi tôi lại ghi lên bảng, tôi ghi, hôm nay tôi trốn biệt kích. Rồi tôi gọi cho nhà hàng Ra Khơi, đặt một chỗ ngay bờ biển, dặn làm sườn bò nướng, món tôi thích, dặn làm cá bớp nướng muối ớt, món Mây thích. Tôi hỏi xem hôm nay có bia tươi, bánh mì đen, đầy đủ không. Họ trả lời rằng, có. Tôi dặn chừa cho tôi mười ly bia, năm lát bánh mì, là ít nhất. Xong tôi đến chỗ Mây, kêu cổ thay đồ đi ăn nhà hàng. Cổ hỏi chuyện này là hẹn hò hay sao, rằng cổ không biết tôi đang nghiêm túc hay có chuyện gì mờ ám. Cổ có lý, vì tôi luôn luôn giả vờ và luôn luôn bịa chuyện. Tôi lại giả vờ, rằng không, chuyện này không phải hẹn hò. Tôi giả vờ rằng chúng ta sẽ giả vờ tới đó, giả vờ ăn uống như tình nhân, cốt chỉ là để do thám xem quán người ta làm ăn thế nào, nấu nướng có lên tay không, thế thôi. Cổ biết tôi muốn hẹn hò, nên cổ nói, em chưa có suy nghĩ chuyện gì nghiêm túc. Tôi nhún vai, lại đó ăn sườn bò thôi. Tôi về phòng, hôm nay tôi ăn vận như đặc công. Tôi mặc áo thun đen, quần tà-lỏn đen và một cái nón kết cũng màu đen. Tôi chọn cái áo thun đen có dòng chữ: Đang hẹn hò. 7 giờ rưỡi, chúng tôi tản bộ tới quán, lần này đi công khai trên trục đường chính. Lại những chuyện lặt vặt. Tôi thú thật với cổ, điều làm tôi lo lắng nhiều nhất nếu một lúc nào đó tôi gặp nửa kia của mình, không phải là việc tôi có sẵn sàng hay không, tôi có sự nghiệp hay danh vọng gì hay chưa, cái làm tôi thực sự lo lắng, là răng miệng mình ngay-lúc-đó có sạch sẽ không, vì nếu mà hôn nửa kia, mà lại chưa kịp cạo vôi răng thì tan tành hết. Tôi kể, mẹ tôi dặn, đàn ông trên ba mươi tuổi phải biết tự làm món chả cá lã vọng. Rằng, cá đối chiên xù là một trong những điều tốt đẹp của cuộc sống. Mây cười dư âm đến mấy trăm bước chân. Đi một đoạn dài những chuyện lặt vặt, chúng tôi rẽ vào một lối nhỏ để đến nhà hàng Ra Khơi. Chiều tím đẹp đến lạ kỳ, lối đi nhìn hướng ra biển, hai bên là những cột đèn vàng soi bóng người. Bước vào quán, Ta, Tây, Tàu đủ hết cả, không gian vẫn như mọi khi, êm dịu và lãng mạn, những ánh đèn vàng và những bài nhạc lounge mở với âm lượng vừa đủ. Chúng tôi bước đến một chiếc bàn có cái bảng nhỏ đề “Mr. Đăng”. Ngồi ở đây là nhìn trọn vẹn biển, trọn vẹn không gian của quán, ngoài khu ăn uống, họ có quầy bar và hồ bơi. Tôi định ăn xong sẽ ra quầy ngồi uống chút gì đó với Mây, nhưng tuyệt đối sẽ không bơi một chút nào, vì ở đây toàn bọn binh chủng trứ danh.
Nhà hàng Ra Khơi có món sườn bò cũng trứ danh, họ dùng sườn bò Việt Nam, thịt không chỉ ngọt mà sớ thịt còn có độ dẻo dai vừa phải. Thằng-đặc-công-tôi tấm tắc khen ngon suốt buổi, tôi dặn đầu bếp, vốn là người quen, cho tôi một lò nướng riêng đặt cạnh bàn ăn. Họ cũng để sẵn một dĩa thịt bò và cá bớp đã ướp sẵn. Tôi đứng ngay lò nướng cả buổi, tôi trở thịt bò, trở cá, cho ra dĩa rồi đặt lên bàn Mây. Tôi ăn sườn bò và uống bia, tôi tấm tắc khen bia ngon. Mây nói tôi đã lười mà còn ham ăn. Tôi lại giả vờ câm điếc. Thằng-đặc-công-tôi đi đi lại lại, gắp thêm cá, kê ghế ngồi kế bên đối tượng, bộ chỉ huy căn dặn, không được có tình cảm với đối tượng, đó là bộ-chỉ-huy-não, còn một bộ chỉ huy nữa, bên ngực trái, bộ-chỉ-huy-tim, lại nói khác, lại còn một-bộ-chỉ-huy-nữa, thì khỏi cần phải hỏi. Đôi khi tôi tự hỏi, không biết bộ nào là sếp của bộ nào. Thỉnh thoảng thằng-đặc-công-tôi đi đi lại lại, giả vờ như đi vệ sinh, nhưng là để đánh một vòng quanh nhà hàng dò la xem có bao nhiêu binh chủng ở đây, thằng nào là lính đánh bộ, thằng nào là mật vụ, tôi tạo một phòng tuyến xung quanh Mây bằng một dãy ghế che chắn không có ai ngồi. Đợi cho vừa đủ xa để Mây không nghe thấy, tôi nói với cô phục vụ, vừa cho bọn xung quanh nghe thấy. Tôi nói. Em lấy thêm bánh mì cho vợ anh. Tôi nói một câu ngắn để bọn này không bỏ sót. Tạm yên tâm, tôi quay lại chỗ ngồi để tiếp tục ngắm buổi chiều, chiều tím đẹp đến lạ kỳ, ánh đèn vàng soi lối ra biển. Đang nghĩ mông lung, Mây đặt lên bàn tôi dĩa thịt nướng, lần này là cổ làm. Cổ nói. Anh ăn đi, em đi lấy thêm bia. Rồi cổ đi ra quầy bar. Tôi nói với theo, đừng đi qua dãy ghế đó, đằng sau dãy ghế người ta đang làm tiệc. Tôi lại bịa chuyện. Buổi chiều Mây mặc đầm, buổi đêm cổ cũng mặc đầm, buổi đêm cổ mặc đầm xanh màu đêm. Cổ bước đi dịu dàng tới chỗ quầy bar, kẻ địch dõi theo từng bước một. Tôi ngồi hướng về đám người đó, tôi nhìn kỹ từng tên một rồi nhún vai ra vẻ, đối tượng này nằm trong danh sách theo dõi của tao. Xong tôi quay lại buổi chiều tím lạ kỳ của tôi. Tôi nghĩ mông lung, rồi tôi bắt đầu nghĩ đến tuổi già, tôi nghĩ đến hồi chiều này lúc tôi và Mây tản bộ ngoài biển, tôi nhớ đến bài Proof, tôi lại muốn hỏi. Này em. Này em. Này em. Bây giờ nhà hàng mở một bài nhạc buồn thúi ruột, những chỗ này luôn biết mở những bài, mà tình có thành hay không, thì ta cũng phải quay lại.
8 giờ tối. Đang nghĩ thì Mây đặt ly bia lên bàn, cổ cứ quanh quẩn, cổ thôn tính tâm trí tôi, cứ để não tôi phải làm thêm giờ. Có một việc tôi lại đâm ra lo. Tôi hay đâm ra lo. Tôi lo, Mây như thế này thì chỉ có thể tồn tại, trong tiểu thuyết trữ tình. Tôi lo, tôi đang sống trong thế giới của một thằng đánh máy nào đó. Mà mấy thằng đánh máy truyện trữ tình là mấy thằng giết người không gớm tay. Bọn nó hay trốn tránh thực tại bằng cái vùi đầu vô chữ nghĩa, vùi lâu thành ám ảnh, ám ảnh lớn đến một mức nào đó thì phải tìm cách tháo chạy, về với thực tại. Đến lúc đó, Mây không bệnh hiểm nghèo thì cũng tai nạn giao thông, không chắn đạn cho tôi thì cũng trầm mình ở đâu đó. Rồi cuối truyện, thằng đánh máy sẽ cho tôi đứng dọn dẹp quầy, cho tôi treo ảnh Mây bên gian bếp, ở nơi chỉ một mình tôi thấy. Rồi sẽ nhét chữ vào miệng tôi, nó nhét: Anh mong em ở suối vàng sống một cuộc đời như em mơ ước. Rồi nó sẽ kết thúc câu chuyện bằng một câu y như câu mở đầu: Quán bia của tôi nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Mũi Né. Nghĩ tới đó, tôi lại nhìn ra bầu trời, tôi không thấy nó đẹp một chút nào nữa, tôi chỉ muốn xé toạc nó ra, và nếu đúng như tôi nghĩ, qua khoảng không gian vừa bị xé ra đó, tôi sẽ thấy những ngón tay đang gõ lốc cốc, của thằng đánh máy. Tôi chợt nghĩ, nếu là như thế thật thì tôi sẽ tuyên chiến. Tôi sẽ xem cả quyển sách là bãi chiến trường. Tôi sẽ bày binh bố trận khắp các chương. Tôi sẽ, không cho Mây xuất hiện ở những chương đầu, để mấy gã cảnh sát của thằng đánh máy có tấn công, từ bìa sách trở vô, thì sẽ không thấy cổ ở đâu cả. Tôi sẽ cho thằng Giang canh gác ở những chương đầu, lúc này tôi sẽ gọi nó là Đồng Chí G (gi), tôi sẽ gọi nó, là thành trì cuối cùng của chương một. Tôi cho hội Bàn Tròn án ngữ ở những chương cuối. Ngay đoạn cuối cùng, tôi cho Mây giả chết. Vậy là bọn âm binh có tấn công từ hướng nào cũng được, đoạn đầu, không thấy Mây, đoạn sau có thấy, thì Mây cũng chết, giả chết. Tôi sẽ đánh lại số thứ tự các chương. Nếu sách có 7 chương. Tôi sẽ đánh: 1, 2, 3, 7, 4, 5, 6. Kết thúc câu chuyện nằm ngay ở giữa. Tôi và Mây, xây một cái tháp ngà yên ấm ở đoạn giữa, chúng tôi sẽ bên nhau đến muôn thuở, muôn đời. Mà có khi dời cái kết vô giữa, thằng đánh máy dù có phát giác được, mà đọc xong nó thấy có lý, nó ngửi có mùi nobel văn chương, thì sẽ vì cái danh cái phận mà để yên cho chúng tôi. Đang thấy yên trí, thì con quỷ trong tôi lại xuất hiện. Nó ngồi kế bên, nói. Sách như vầy. Chương hồi rối loạn, nhiều tình huống không đứng đắn, dễ gì được lưu hành. Quan trọng nữa, toàn mớ triết lý đạo đức giả, mà mấy quyển đạo đức giả, người ta không in. Vì không biết đọc xong rồi, người đọc nên rút ra cái gì, cái nào, là đạo đức thật, rồi cái nào, là đạo đức giả. Tôi nói với nó. Lỡ mà thằng đánh máy thì may, có mùi nobel là nó sẽ bằng mọi cách đem ra bàn dân thiên hạ, chứ mà vô thằng sáng tác chân chính thì mệt lắm, vì cái tự tôn nó cao, lỡ mà ẵm nobel, thì giải thưởng phải thực sự trao cho tài nghệ của nó. Chứ thằng đánh máy, nó giả danh trí thức, miễn sao có giải là được. Nhưng dù sao, vậy cũng đỡ cho tao. Tao có cảm giác, thằng đang gõ ra cuốn này, là thằng đánh máy. Nó chỉ gieo hạt, nó gieo thằng Đăng, cô Mây, 25 tuổi, nó gieo ra cái quán. Rồi sống thế nào, làm gì, nó để mày quyết định. Nó chỉ đi theo mày, nó gõ. Rồi mày mà sống sao cho người ta nhớ, thì lưu danh thiên cổ. Mà nghĩ lại, sống trong sách mà được tự do, có khi còn sướng hơn đời thực. Mày ở ngoài, mày sống, không có ai ghi chép lại, chết rồi thì cũng mồ mả xanh tươi là giá chót. Sống trong này, nép mình trong những con chữ, là sống muôn đời. Mày thấy, đám người tiền sử, giờ xương cốt đâu không ai biết, chỉ có vài tranh vẽ trên đá, vài con chữ, là sống mãi. Con quỷ gật gù, ra vẻ đồng ý. Nhưng rồi nó lại nói, lỡ nó là thằng sáng tác thì sao. Tôi nói luôn. Nếu nó là thằng sáng tác, thuộc hàng máu lạnh, nó cho Mây trầm mình, tao nhảy theo luôn, tao sẽ xé toạc đám chữ, tao đốt hết giấy, tìm cách tẩu thoát khỏi suy nghĩ của nó. Trước khi tao không còn xuất hiện trong một câu văn nào, rồi tao tan ra thành những chữ cái vô nghĩa. Tao sẽ nói. Chào ba chào mẹ. Chào mẹ chào ba. Chào mấy thằng bạn. Chào cơ quan thuế. Xong rồi tao sẽ vươn tay ra, tìm Mây.
Nghĩ xong tôi lại cảm thấy hơi bất an, nên tôi nói với Mây. Thôi, ăn uống xong mình lại đào tẩu, mình qua chỗ ông bạn anh chơi. Cũng gần đây thôi, ổng có con tàu đánh cá nhỏ, tụi mình ra đó ngồi uống, ngắm sao trời. Mây không phản đối, nhưng cổ nói. Lười, ham ăn, mà còn ham chơi. Tôi gọi cho ông bạn, tôi nói, em và Mây mượn tàu anh một bữa, tụi em trốn đám biệt kích dù. Ông bạn tôi, tạm gọi là Hố Đen, ổng nói, muốn chiếm đoạt con gái người ta hay sao. Tôi tỉnh bơ, đặc công làm nhiệm vụ không có tình cảm riêng. Hố Đen chỉ cười, và lại chửi như thường lệ, đúng là cái bọn lãng-mạn-tiểu-tư-sản. 9 giờ 30 phút tôi và Mây ngồi trên một con tàu đánh cá sơn xanh đỏ, tàu đang neo vào bãi. Chúng tôi ngồi ở đoạn đầu, tàu đung đưa theo sóng, chúng tôi lắng nghe tiếng sóng và ngắm trời đêm. Trời hôm nay đầy sao đẹp lạ kỳ. Ngày mai tôi phải rời đây, tôi phải rong ruổi miền Tây mười ngày, rồi khi tôi trở về cũng là lúc cổ rời đi. Nên nếu có điều gì muốn nói thì phải nói vào lúc này. Khổ nỗi tôi là thằng câm điếc trong chuyện tình cảm, cổ ngồi đây với tôi thì rõ ràng là tôi có cơ hội. Nhưng tôi vẫn câm điếc. Đời tôi, tôi giả vờ quá nhiều, nên đến khi cần nói thật, các ban bộ đều lúng túng. Não đùn đẩy cho tim, tim lại đùn đẩy cho bộ còn lại. Bên ngoài, tôi lại đang nói những chuyện lặt vặt với Mây, nhưng bên trong tôi là nội chiến. Cuộc chiến đang bày ra trước mắt, nếu tôi không đủ can đảm để nói ra đêm nay, thì tôi định khi về Sài Gòn sẽ mở đường máu, bằng cách tới thẳng nhà Mây, thưa với ba mẹ cổ, có khi còn dễ hơn thưa với cổ. Tôi sẽ đến gõ cửa, cửa sau, tôi sẽ gặp người mẹ nói giọng Nam của cổ, rồi tôi gặp người ba nói giọng Bắc. Tôi thưa chuyện, bắt đầu bằng việc tiết lộ một tin động trời, rằng Mây đang ở chỗ tôi, cổ phụ việc cho quán tôi, cổ ngủ ở phòng tôi nhưng là ngủ nhờ, động trời hơn nữa, tôi tiết lộ chúng tôi chỉ là bạn bè bình thường. Tôi không đụng đến một sợi tóc của cổ, đại loại vậy. Ba mẹ cổ chắc chắn sẽ hỏi cung. Tôi tưởng tượng mình như đang hầu toà, tôi ngồi vào chỗ bị cáo. Tôi sẽ khai hết. Rồi tôi sẽ tự nguyện lãnh án tù chung thân, với cổ. Tôi sẽ bắt đầu lân la tới ngồi gần ba cổ, tôi lấy ra vài chai rượu quý mời ông uống. Ba cổ có thể sẽ nói kiểu như, thôi, chuyện của cậu tôi còn phải xem đã. Con gái tôi, gái nhà lành, ăn học đàng hoàng, ăn ở với cậu như thế, tôi khó chấp nhận được. Tôi hy vọng mẹ cổ sẽ nói. Thôi ông, nó tới đây là có lòng thành, cứ coi nó như khách, ngồi ăn rồi mới cho về. Tôi hy vọng như thế, rồi tôi hy vọng thêm. Tôi sẽ mời ba cổ uống hết mấy chai rượu quý, rồi ông sẽ đổi cách xưng hô, từ tôi sang tớ. Nào là, tớ nói thật, gặp cậu tớ cũng quý, rồi, con gái tớ, tớ yêu nhất, nên cậu thẳng thắng, tớ cũng tạm yên tâm. Vậy là tôi biết chuyện đã xong, phân nửa. Rồi tôi sẽ tiến thêm bước nữa. Nói rằng chuyện cái thư viện, con sẽ hùn vốn làm cùng em Mây. Rằng em Mây này em Mây kia. Cái gì cũng bắt đầu có từ em để vào. Nếu ba cổ bắt đầu xưng tớ thì tôi sẽ bắt đầu xưng con. Con nghĩ như vầy, bố thấy sao. Não tôi sẽ nói là mày đang yêu đối tượng, nhưng tôi kệ. Nếu ba mẹ cổ gật đầu, tôi sẽ gọi ngay cho Mây, tôi mô tả chi tiết chiến công. Tôi nắm chắc phần thắng. Mà lỡ tôi không thắng, việc đó có thể xảy ra lắm. Cô ả rất hay bắt bẻ, kiểu, cổ sẽ nói, chuyện tình cảm với em, thì anh phải nói với em, rồi, sao anh tùy tiện đến nhà em, rồi, có khi cổ cúp máy không báo trước không chừng.
Vậy là tôi sẽ buồn kinh khủng, và khi buồn kinh khủng thì tôi thường đi mát-xa. Và kế hoạch B của tôi là, đợi cho mấy cô mát-xa gần xong, tôi sẽ tung chăn rồi tìm cách đào thoát, tôi mặc lại quần áo rồi chạy một mạch về khách sạn, lúc đó là 3 giờ sáng. Tôi dự định sẽ gọi cho Mây. 3 giờ sáng, tôi sẽ hỏi. Dạo này em khỏe không. Dạo này em như thế nào. Những câu bá láp. Rồi khi cổ cúp máy xong, tôi sẽ lao ngay vào bàn để mở máy tính, rồi viết một lá thư dài một triệu chữ. Ở tiêu đề thư tôi ghi. Tờ tự thú. Đầu thư tôi ghi. Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Rồi tôi xuống hàng. Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc. Bên A tôi đề tên tôi. Bên B tôi đề tên cổ. Nội dung tự thú sẽ bắt đầu bằng câu. Mây yêu dấu. Xong tôi xuống hàng. Tôi ghi. Anh xin bắt đầu lá thư này bằng cách đi thẳng vào sự thật. Tôi sẽ thú nhận hết. Tội của tôi là đêm đầu Mây ngủ nhờ, tôi đã đột nhập vào phòng cổ, thằng-đặc-công-tôi, nép vào góc phòng. Tôi ghi. Anh đã vừa ngắm nhìn em vừa tự-khuây-khoả. Tôi còn thành thật khai báo, sau khi xong, trước khi rời đi tôi có rờ vào trán cổ để kiểm tra nhiệt độ, tôi có RỬA TAY trước đó, tôi viết hoa chữ rửa tay. Tôi khai tiếp, rằng sau đó khi trở về quán, tôi lại tự-khuây-khỏa thêm hai lần nữa, cũng chỉ nghĩ đến cổ. Tôi ghi. Tôi xin cổ khoan hồng. Viết xong câu đó thì tôi chấm, xuống hai hàng. Tôi mở đầu đoạn văn tiếp theo bằng câu. Từ ngày gặp em anh như bị bùa ếm, rằng anh không phải là tay chơi, vân vân. Những câu bá láp. Rồi tôi sẽ dành ra gần một triệu chữ để nói rằng tôi thích cổ. Rồi tôi sẽ kết đoạn văn bằng câu, nếu cổ không có chính sách khoan hồng, cổ buộc tôi tội tử hình, thì cũng không thể nào tử hình thứ tình cảm tôi đang dành cho cổ được. Xong rồi ở đoạn văn cuối cùng tôi sẽ ghi ra. Anh cầu xin em, anh quỳ xuống cầu xin em. Là em đừng trả lời lá thư này, dù em đồng ý lời tỏ tình của anh hay không, thì cũng đừng trả lời. Cứ để cho anh vài ngày hy vọng, sống với mớ triết lý con-mèo-cái-hộp, đừng mở nó ra. Khi về lại Mũi Né, nếu em làm như chưa có chuyện gì xảy ra, thì anh sẽ tự hiểu. Con mèo đã chết. Em cứ thu xếp và rời đi, còn anh thì vẫn như từ xưa đến giờ, đứng ở quầy, một mình thôi. Tôi làm ra vẻ tội nghiệp, tôi vẫn không bỏ được thói bịa chuyện. Nhưng rồi tôi khóc thật. Nội chiến tưởng tượng ở bên trong, nhưng tôi đang khóc thật, ở bên ngoài. Chúng tôi vẫn đang ngồi nói những điều lặt vặt, chúng tôi có những khoảng im lặng. Mây lại mở Alesund cho tôi nghe. Dù ở đâu, cổ cũng không quên, hôm nay lại là tối thứ bảy, tối thứ bảy thường là khách đông, vậy mà cái thằng lười, ham ăn và ham chơi lại chọn cách ngồi ngoài tàu đánh cá, chọn cách ngồi khóc. Tôi òa khóc, tôi ôm mặt. Tôi nói, đừng, đừng như vậy. Thấy tôi khóc Mây hơi hoảng, Mây hỏi. Anh, có chuyện gì, anh đau ở đâu hay sao? Tôi chỉ tay vào ngực trái, tôi nói, anh đau ở đây. Mây lại lườm, lại nguýt, nhưng lần này nàng không cười. Tự nhiên, cả ba bộ chỉ huy trong tôi đều gọi Mây là nàng. Nàng không cười mà nhìn tôi với vẻ lo lắng, nàng hỏi. Anh đang nhớ chuyện gì buồn? Tôi không trả lời. Mà tôi hỏi. Tại sao em mang vòng cổ chân có họa tiết hoa, cỏ, lá? Tôi nói tiếp. Hôm cho em ngủ nhờ, lúc bồng vào phòng anh tình cờ thấy. Nàng có vẻ bất ngờ, rồi lại quay sang tôi, cười. Vẫn là cái cười dư âm, lúm đồng tiền dư âm, chẳng đâu vào đâu. Mây nhìn lên bầu trời đêm một hồi lâu. Mây và Trời nhìn nhau một hồi lâu. Rồi nàng nói. Đôi lúc em nghĩ, có khi kiếp sau, nếu có, em thà làm ngọn cỏ bên đường. Nhưng rồi em cũng nghĩ, một ngày nào đó người ta phát hiện ra ngọn cỏ hay dòng nước cũng có linh hồn, mà lỡ mình lại là dòng nước trong bồn cầu công cộng, thì nó cũng không ổn cho lắm. Một thời gian dài em nghĩ, nhận thức vừa là một món quà, vừa là một lời nguyền, người nào tham, đòi nhận nhiều thì trả nhiều. Em có niềm tin một ngày xa trong tương lai, cái chết sẽ chừa chúng ta ra, nói như trong một quyển sách mà em từng đọc, đây chỉ là vấn đề “kỹ thuật”, nhưng đồng thời em cũng nghĩ, nỗi buồn và tâm tư của con người, nó là một thứ sẽ đi cùng giống loài này đến thiên thu, không bao giờ biến mất được. Dù anh nghèo hay giàu, có chức tước hay không, kẻ trộm hay nhà quý tộc, hễ khi nào chúng ta còn cùng nhau chia sẻ thực tại này thì nó sẽ còn tồn tại. Em đọc trong một cuộc phỏng vấn, Bob Dylan có nói, ông ấy suy tư về con người như một giống loài, như một cuộc hành trình kỳ lạ của một loài vượn cho đến tận ngày nay. Chúng ta như những con cờ domino, những thế hệ cứ nối nhau đi tiếp, những con cờ đã ngã xuống, chúng ngã xuống để mọi thứ đi tiếp, trong vô vàn những con cờ sẽ không được ai biết hay nhớ đến. Một thời gian dài em nghĩ về sự sống, rồi cuối cùng em cũng chọn cách sống cho em. Rằng em sẽ tiếp tục hành trình của loài vượn đó, em sẽ tiếp tục làm việc thật nhiều, để một ngày không xa, loài người thực sự được sống trong thiên đàng. Em muốn mở thư viện cũng là một phần của chuyện đó. Việc em đeo chiếc vòng chân này, là để nó luôn nhắc nhớ em về khoảng thời gian mình đấu tranh, nhắc nhớ em, trên từng bước chân em đi.
Bây giờ tôi 35 tuổi và Mây 25 tuổi. Lúc tôi 17 tuổi, khi lần đầu tiên bước lên chuyến tàu đi vào tuổi trẻ, thì Mây 7 tuổi. Tôi tự hỏi Mây làm gì khi Mây 7 tuổi, Mây có như tôi, chơi đồ chơi và nghe nhạc suốt cả ngày? Lúc tôi 7 tuổi thì Mây -3 tuổi, nếu thực sự có linh hồn, có luân hồi, và có kiếp sau. Mây đã làm gì khi -3 tuổi? Cổ đang ở tuổi già của kiếp trước? Cổ sống ở quốc gia nào? Cổ tin vào điều gì? Khi tôi -3 tuổi thì Mây -13 tuổi, chúng tôi có sống trong cùng một không-thời-gian? Chúng tôi có bao giờ gặp nhau? Chúng tôi có cùng thích một nhóm nhạc? Đi trở về đến vô cùng, đến điểm khởi đầu của mọi thứ, nếu có, ban đầu, tôi đã ở đâu và Mây ở đâu? Để trả lời những câu hỏi này ta chỉ hoài công, ta có hỏi thằng đánh máy, thì cùng lắm nó thương tình viết một cuốn Bộ Trưởng Tâm Hồn -3 để cho bọn tôi thoả mãn vài mơ ước lãng mạn bá láp, nhưng tôi đâu muốn lãng mạn bá láp, tôi muốn sự thật. Mà sự thật thì ngay cả thằng đánh máy cũng chào thua. Nên tôi thôi nghĩ. Nhưng tôi vẫn khóc, tôi không òa khóc nữa, tôi chỉ rấm rứt. Một thằng 35 tuổi rấm rứt. Tôi nói với Mây. Anh hiểu, anh hiểu. Hồi gần hai mươi năm trước, anh tưởng tượng ra đủ tai họa cho thế giới. Nào là chiến tranh, nào là người ngoài hành tinh, nào là quái vật. Những hôm ông trời đổ mưa, mưa trắng xoá thì đó là lúc anh bước ra chiến đấu, nào là bay lên trời, nào là mắt bắn tia la-de, nào là lao ra lấy thân mình chắn thiên thạch, hy sinh cho 10 tỉ người được sống. Gặp người nào thì sau khi chào hỏi xong, câu tiếp theo anh chỉ muốn nói rằng, anh không có tiền. Rồi anh nghĩ, cả bọn người đang ở đây là những con tinh trùng thua cuộc hết cả, có những đêm anh nằm mơ, con-tinh-trùng-anh, bị cả mấy chục triệu con tinh trùng khác nhồi nhét, bọn nó lôi anh đi, nó tống anh qua cửa như tống anh lên tàu điện ngầm. Đi vào cuộc đời. Nếu được chọn, anh chọn không bơi. Bây giờ ngồi nghĩ lại, chẳng qua là hồi đó, mình bất mãn, không nghĩ ra được mục đích sống, nên mình lấy thế giới, thiên thạch ra làm bia ngắm. Anh hiểu, anh hiểu. Nhưng mà anh nói, hồi đó mình ảo tưởng cứu được thế giới, nhưng rồi ra đời mình mong công danh sự nghiệp, rồi lớn nữa mình chỉ mong yên ổn, có khi về già, anh học thêm nghề thợ sơn, và anh chỉ sơn cho một mình em. Anh sơn lên tường nhà màu em thích, anh sơn một căn nhà màu tím, như màu của buổi chiều đẹp lạ kỳ hôm nay. Có khi anh học nghề thợ xây, và anh chỉ xây cho mình em. Anh xây một hầm trú ẩn, kệ mẹ cuộc đời. Cuộc đời tưởng anh đào ngũ, nhưng thực tế, đó là lời tuyên bố ly khai. Anh sống chung với đời, nhưng anh không chải chuốt, anh mặc chiếc áo rách lỗ chỗ, Chúng ta xuống hầm trú ẩn, anh có thể làm DJ cho Mây thâu đêm, anh mở nhạc Ottoman cho Mây ngủ. Nói huyên thuyên một hồi, thằng-đặc-công-tôi vẫn rấm rứt. 10 giờ 45 phút đêm tôi bắt đầu lên các phương án, nên câm điếc, hay về Sài Gòn thưa chuyện với ba má nàng, hay bây giờ ngồi đây thưa luôn với nàng. Nếu thưa mà nàng lắc đầu, tôi có nên đẩy nàng ra khỏi tàu, rồi tôi nhảy khỏi tàu. 10 giờ 57 phút tôi òa khóc. Chiến sự ngổn ngang. 10 giờ 59 phút tôi hỏi về chiếc vòng chân. 11 giờ 05 phút tôi rấm rứt. Tôi đặt bàn tay tôi lên tay Mây, nhưng lần này, thằng đặc công án binh bất động. Thằng đặc công áo thun đen không phạm một điều răn nào, không nảy sinh một ý nghĩ tà dâm nào. Thằng đặc công để tâm trí mình bay lên, tâm trí nó cố chạm vào tâm trí Mây, kéo gấu váy Mây. Nói. Em theo anh đi trốn. Bọn người-nhái chắc chắn ở đâu đây, có khi còn có ma-da. Em theo anh ra khỏi tàu. Chỉ trong một chớp mắt, tôi mở cổng tâm trí, rồi để tâm trí tôi dìu tâm trí Mây. Từ con tàu xanh đỏ, chúng tôi bay qua bầu trời, qua chín tầng mây. Chúng tôi ở chính giữa sống và chết. Chúng tôi ở chính giữa mặt trăng và trái đất. Chúng tôi bay một vòng, từ Châu Á, sang Châu Âu, từ Châu Phi, sang Châu Mỹ. Chúng tôi chào đủ thứ tiếng. Tôi lại làm một động tác đổ xăng, và ra hiệu cho Mây dúi vào túi tôi năm chục ngàn. Nạp đủ nhiên liệu. Chúng tôi lại tiếp tục du hành, chúng tôi đi về phía những thiên hà xa xôi, giữa những thiên hà chúng tôi đi tìm thượng đế, chúng tôi tìm đấng tạo hoá. Phúc cho ai không thấy mà tin. Rồi khi nào tìm được hết cả những câu trả lời, chúng tôi về lại tàu, con tàu xanh đỏ. Vẫn ngồi y chỗ cũ. Tâm trí tôi về lại nơi cũ. Bàn tay tôi vẫn đặt trên bàn tay Mây. Tôi vẫn rấm rứt. Rồi Mây chợt luồng tay ra, để bàn tay nàng trên bàn tay tôi. Đôi bàn tay mềm mại nắm chặt lấy tay tôi. Nàng không nhìn tôi mà nhìn lên bầu trời đầy sao. Lúc này là 11 giờ 52 phút. Nàng không nhìn tôi khi nàng nói. Tay anh đang lạnh quá. Nàng nói. Không sao, không sao.