Rơm

Quý độc giả thân mến, tôi định ngừng viết một thời gian, thực ra, tôi đã định thôi một vài lần, không phải thôi hẳn, mà nghỉ ngơi chừng vài tháng. Nhưng cứ mỗi lần yên trí, là đã thôi được, thì tôi lại nghe Alesund, và bây giờ, cứ mỗi lần nghe nó, thì tâm trí tôi lại nghĩ về Mây như một lẽ tự nhiên. Khi đó, tôi lại hình dung Mây đang tất tả ở quầy. Có một nhà hiền triết nào-đó từng nói, tôi phải nhấn mạnh từ nào-đó là bởi vì, tôi chưa bao giờ là người có trí nhớ tốt trong chuyện đọc, tôi đọc bất cứ cái gì có tính sử sách, thông tin khoa học, tên-tuổi, ngày-tháng, những gạch-đầu-dòng, thì đôi ba ngày là tôi quên. Tôi hay quên, mà tôi còn lười kiểm tra lại. Nên tôi sẽ nói, có một nhà hiền triết nào-đó từng nói, có thể là cụ Socrates, Pluto hay Aristotle, thậm chí chưa ai từng nói hết, là, thực tại của chúng ta, là những gì chúng ta nghĩ, là từ trong tâm trí của bản thân ta, mà ra. Tôi viết về quán bia, về người thân, bạn bè, và về Mây từ tháng 07 năm 2021, chính xác ngày 10 tháng 07, là ngày tôi ghi dòng đầu tiên, và cho đến thời điểm này, câu chuyện đã dài chừng một trăm năm mươi trang giấy. Vô tình, qua những trang giấy, Mây đang dần sống trong thực tại của tôi. Tôi không đủ thông thái để có thể giải thích, thực tại là gì, thực tại là, một người đang sống ở miền Bắc, ở Hàn Quốc hay ở Nam Phi, người mà suốt đời tôi không bao giờ gặp, là thực tại, hay những con người chỉ sống trong những con chữ, không thể động chạm, là thực tại, của tôi? Tôi xin nói rõ, bạn đang đọc những dòng ghi của thằng-đánh-máy, còn thằng ĐB, giờ tôi cũng chưa biết nó ở đâu, từ cái hôm nghe tới ở-rể, nó lại bỏ trốn. Bây giờ là thằng-đánh-máy, đang nói, bây giờ, tôi đang ngồi ăn tối cùng gia đình, và tôi lại bắt gặp đoạn dạo đầu của Alesund một lần nữa. Bài hát này, vô tình đã là cánh cửa, để Mây rẽ qua những con chữ, rồi lẻn vào tâm trí tôi, và cứ mỗi lần như thế, ít nhất đã ba lần như thế, tôi tự nhủ, tôi phải đến thăm cổ.

Quý độc giả thân mến, tôi ở bên-ngoài, còn Mây ở bên-trong, dù điều này chỉ có tính khái niệm, nhưng dựa trên đó, tôi xin nói, tôi ở đây một trăm năm là đã quá nhiều, còn Mây, khi nào cổ còn ở trong tâm trí độc giả, khi nào tôi còn đưa Mây, lên mây, bất kỳ đám-mây-lưu-trữ nào, khi nào tôi còn in ra và đưa cho con cháu, khi nào con người còn dùng chữ, khi nào còn con người, thì cổ còn sống. Ở những chương đầu của câu chuyện, thằng-đánh-máy-tôi đã từng nghĩ, có khi nào tôi đang tạo ra một ảo ảnh, một thế giới, để bằng một cách nào đó, đạt được sự bất tử. Nhưng dần qua các chương, tôi bắt đầu nghĩ, đúng hơn, là tôi đang tạo ra một mối quan hệ, dù vô hình, dù không trực tiếp, giữa tôi và tất cả những gì đang sống trong quán bia, nó bao gồm cả tự thân quán bia, tất cả nhân vật, và tất cả những điều nhỏ nhặt, như cột trụ rỗng ruột nằm bên vệ đường. Tất cả những thứ đó, đã có mặt trong đời sống của tôi như một điều hiển nhiên. Như mỗi sáng mở cửa bước ra đường, đi vài bước chân qua tiệm mì Tàu, rồi rẽ phải đi thêm vài mươi mét, là tới Mũi Né, của Vũ trụ 342. Tôi đặt tên cho thế giới tôi đang viết, là 342.

Quý độc giả thân mến, tôi luôn muốn diễn biến của câu chuyện là tự thân nó nảy nở, tự thân những sự kiện cứ tiếp nối nhau tiến về phía trước, tôi không muốn câu chuyện hoàn toàn nằm trong uy quyền của tôi, một trong những thứ tôi làm để tránh việc đó, là đổ xí-ngầu, hoặc dùng một phần mềm trên máy tính, để tạo ra những con số ngẫu nhiên. Ví dụ như trong câu chuyện, ĐB đứng trước một ngả rẽ, nên đi đến quán hay vào trong nhà, thì tôi không quyết định, mà tôi dùng phần mềm cho ra một con số, nếu số chẵn thì vào nhà, số lẻ, thì ra quán. Bằng cách đó, tôi đã từ chối quyền quyết định mọi thứ trong câu chuyện của chính mình. Và từ những việc đó, câu chuyện diễn tiến theo cách mà bản thân tôi cũng không đoán trước được, chùm-bốn, tự-khuây-khỏa, sự-cố-tàu-cá, ngọn-hải-đăng, đều là những diễn biến không được sắp xếp trước.

***

Tôi lại nhìn lên bầu trời, để tìm thằng đánh máy. Tôi định nói, gõ như thế này là không được. Nó toàn gõ những mơ mộng, là dạo mưa, dạo đêm, dạo biển, là cơ man ghẹ luộc, là rót bia mỹ thuật. Không thấy nhắc gì tới thực tế đời sống, là đét’d-lai, là báo cáo, là gửi xe, là kẹt xe, là phí nhà, là phí điện, là phí nước, là phí chợ, là phí chờ, là phí đợi, là phí hoài, là hút thuốc ngoài ban-công, là chấm công, là cho vay, là nợ nần, là lường gạt, là cờ bạc, là đồng nghiệp, là đồng tiền. Nó cũng gõ đồng thật, nhưng là đồng-âm, đồng-ẩm, đồng-dâm, đồng-đạo. Tôi cũng định nói, sao không viết ra một thứ giản dị, mà khoa trương những chấm phẩy liên tục, nhân vật phát biểu, sao không cho dấu kép, cũng chẳng hai chấm, cũng không xuống hàng, gạch đầu dòng, cho người ta phát biểu, đường hoàng. Sao nhồi một đống chữ, mê cung chữ, để giải cái gì. Tên sách nó đề Bộ Trưởng Tâm Hồn, thể loại nó đề trinh thám, xong nó kêu đọc chậm, từng dòng, mở phông-chữ le-te-ri-a, kích-cỡ hai mươi hai, thì mới đọc ra khu nghỉ dưỡng năm sao. Đó là những điều, tôi không thể giải thích.

Bây giờ, tôi cũng không thể giải thích, vì sao, trong giấc mơ, tôi thấy một hành tinh xa xôi cách trái đất vài năm ánh sáng, chỉ có một sinh vật duy nhất sinh sống, thân nó lớn bằng một phần ba hành tinh, nên nếu có ai đi ngang qua mà nhác thấy, tưởng như sinh vật này, mà tôi tạm gọi là Rơm, đang mắc kẹt trên một gò đá. Không thể giải thích, một ngày nọ Rơm ngã lăn ra chết, thời gian từ lúc Rơm ngã từ tư thế đứng, đến khi nằm hẳn trên mặt đất, mất đến gần năm ngày, chiếu theo giờ trái đất. Khi thân hình đồ sộ của nó làm một cú hích cuối cùng, đã khiến cho mặt đất rung chuyển dữ dội. Không thể giải thích, vì sao sự rung chuyển này lại có thể lan tỏa đến trái đất, đúng ngay vị trí quán bia, vô tình làm cái ly cô Mây đang cầm, vì bối rối trước sự rung chuyển bất chợt, rơi xuống đất mà vỡ toang. Vì bối rối, nên khi ngồi xuống dọn dẹp, cô quên lấy tay che đi phần cổ áo, làm thằng-đặc-công-tôi, rướn người lên và đưa mắt tìm phần da thịt phập phồng. Không thể giải thích, vì sao trong hơi thở cuối cùng của sinh vật xấu số, ba ngày sau đã tìm được đường đến trái đất, như một làn gió mát thổi vào ngọn hải đăng, ngay lúc thằng-gián-điệp-tôi đang nâng chén tạc thù với Phương, làn gió làm ngọn chuông rung lên rồi ngân dài một tiếng kêu ai oán, trong một đêm ánh trăng đang chiếu rọi, qua ô cửa nơi chúng tôi ngồi. Rơm ở hành tinh xa xôi, không thể giải thích vì sao, đã sống cô độc suốt nhiều triệu năm, cô đơn trên tiểu hành tinh, vừa làm vua, vừa làm dân, vừa là mình và cũng vừa là bạn của chính mình, vừa sống giữa cuộc đời và vừa như một bậc chân tu ẩn dật. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Rơm đã kịp nhắn gửi một thông điệp, mà tôi đang cố gắng ghi lại, trên tờ A4 thứ mười sáu, những nguệch ngoạc, những ký tự vô nghĩa, tôi đã chứng kiến trong giấc mơ, đúng đêm xảy ra sự-cố-tàu-cá. Giữa tiếng chuông thê lương đêm nay, tôi ngồi uống, và cố gắng lôi ra trong trí nhớ, từng chi tiết một, để ghi lại và đưa cho Phương, một thằng cậu ấm xứ Tây Đô, trạc ba-mươi, nó là nhà nghiên cứu những chuyện kỳ bí, sống giữa những thiết bị máy móc tối tân và ống kính thiên văn lớn nhỏ. Nó hỏi tôi đã mơ thấy gì, tôi nói, tôi mơ thấy Rơm, Rơm nói toàn những lời vô nghĩa, rồi đến phút chót, Rơm nói thứ mà tôi nghe được, nó nói, Litany. Vừa nghe xong lời trăn trối cuối cùng đó, thì tôi choàng tỉnh, vì tiếng cửa sổ của con tàu cá đập mạnh, tiếng đập, làm Mây đang ngồi cạnh bên cũng giật mình, vội tiến đến khép hẳn ô cửa lại, tiếng đập như một dấu chấm hết đúng lúc, làm tôi nhớ như in từ Litany, giữa mớ thông tin vô nghĩa. Suốt hai ngày sau đó, tôi bận rộn với công việc, nhưng thỉnh thoảng vẫn nghĩ đến lời trăn trối, của Rơm, lúc đó tôi cho rằng, nó là một từ vô nghĩa, giấc mơ, là chuyện tình cờ. Nhưng rồi, đêm thứ hai sau sự-cố-tàu-cá, tôi thử tìm nghĩa của từ Litany, dù trong lòng không có mảy may một thuyết âm mưu. Trong sự bất ngờ của tôi, Litany là một từ có nghĩa, gốc latin, nó nghĩa là, Kinh Cầu Nguyện, là các bài kinh mà các thầy tu chủ trì các buổi lễ tôn giáo sẽ đọc lên vài câu, rồi các giáo dân ngồi bên dưới đáp lại bằng vài câu khác. Đã lâu tôi không bước vào nhà thờ, tôi cũng chẳng đọc kinh, trước bữa ăn cũng quên cảm ơn, nên nằm mơ ra một từ có nghĩa như thế, một từ mà tôi cam đoan, chưa bao giờ biết tới trong đời, làm tôi không khỏi bận tâm. Tôi là một người hoài-nghi, tôi không tin vào những thứ huyền ảo. Nhưng phải thừa nhận, đây là điều kỳ lạ nhất tôi từng gặp, trong đời, nên tôi đến gặp Phương, để hỏi ý kiến. Phương nghe tôi kể xong, thì tỉnh bơ, nó nói ngay, xác suất ra chữ lại là chữ có nghĩa, lại là chữ mà anh chưa từng biết, là thấp, nhưng, nó cũng chưa đủ, để suy ra một điều kỳ dị nào, nên ít nhất, em cần thêm một số thông tin có liên quan, đến điều anh nghe thấy, như là, dạo gần đây, anh có phạm vào tội lỗi gì không?

Tôi phải khai hết, từng chi tiết về chuyện của tôi, cho Phương. Tôi tỏ ra thành khẩn, để phục vụ công tác điều tra. Tôi kể về chùm-bốn, tôi không định kể về tự-khuây-khoả, nhưng để có đủ thông tin cần thiết để xâu chuỗi, ra một kết luận nào đó, có liên quan đến giấc mơ ngỡ-như-thật, đến Litany, nên tôi phải kể hết. Kể xong, nó chỉ cười, vừa lắc đầu, nói, cũng không có gì đặc biệt, đến nổi kỳ bí. Thằng Phương, nó luôn tỉnh như thế. Nhìn bề ngoài, không ai biết trước đây nó là cậu ấm, hồi còn làm cậu ấm, thì nó theo nghề ráp-bơ, lấy nghệ danh là Phượng Hoàng, nó chuyên tụng chữ trên nền nhạc cổ truyền, trong đầu nó là những nhịp điệu, nên khi nói chuyện tôi luôn có cảm giác câu chữ cứ nhấp nhô. Để gặp nó, tôi phải ghé thăm Mũi Kê Gà. Từ Mũi Né đến Mũi Kê Gà chừng ba mươi phút chạy xe, rồi từ đó tôi đi ra một hòn đảo nhỏ. Để ra đảo, tôi thuê tàu đi một đoạn chừng mười phút, để tới một dải đất có diện tích chưa tới một kí-lô-mét vuông. Cậu ấm sống ở ngọn hải đăng, nằm phía cuối dải. Tôi đi lên một chiếc cầu thang vòng xoắn ốc để đến tầng cao nhất, mỗi lần đi trên đoạn thang này, Phương thường nói về ý định của nó, hôm nay Phương kể, nó đang tìm cách chơi lại tuồng Võ Đông Sơn Bạch Thu Hà theo một lối hoàn toàn mới, vừa nói, nó vừa vỗ tay vào thành cầu thang để thể hiện một tiết tấu, miệng nó giả tiếng đàn bầu để chơi một khúc dạo đầu, trước khi nhả những câu chữ đầu tiên của bài hát. Làm nghề ráp-bơ-cổ-truyền thì không có doanh thu, nên nó phải làm hai nghề, nó có một kênh ASMR khá ăn khách trên mạng, hợp đồng quảng cáo trên đó đủ để nó không mấy bận tâm về chuyện tiền nong. Sống ở ngọn hải đăng, nó ghi hình những ngày biển đẹp, nó ghi âm tiếng sóng, tiếng chim hải âu, có hôm tôi ghé, thấy nó đang đi quanh quẩn trên đảo cầm theo chiếc ca-mê-ra, tay nó rà thiết bị sát mặt đất trông như đang đi rà mìn, thực ra, nó ghi hình bọn kiến cỏ. Kênh của Phương, tên là Phương Của Việt Nam, nó đăng lên đó hàng đống cờ-líp, tiếng dế kêu vào những đêm hè Tây Đô, tiếng đò chiều ở Rạch Giá, tiếng sóng biển mà nó đề chi tiết trong phần lời tựa, được thu ngay đêm giao thừa ở Mũi Né, tiếng mưa phùn một đêm lạnh Đà Lạt, tiếng kèn inh ỏi một ngày kẹt xe ở Sài Gòn,….Thật lòng, có vẻ nó quan tâm đến cô Mây hơn là giấc mơ của tôi về một hành tinh ất ơ nào đó, nó quan tâm đến chuyện tôi có bồ hơn là điều tra chuyện kỳ bí. Tôi lại khen Mây như thường lệ, rằng cổ không nhiều lời, rằng cổ sống thật, chứ không hay giả vờ, như tôi. Rằng, Mây quê quán ở Sài Gòn, nhà có tiệm điện thoại. Rằng, tôi đòi ở-đợ, nhưng cổ lại đòi tôi ở-rể. Giờ tôi không biết làm thế nào, nên tôi định, bỏ trốn mấy bữa, để suy nghĩ. Rồi tôi kể tiếp, Mây có nhiều những chi tiết làm tôi mê-mệt, như xin lỗi cái lò nướng, rồi cả 342-bước-chân. Thằng Phương, nghe tôi kể tới con số 342, thì nó mất đi vẻ mặt bình tĩnh thường ngày, nó nói, khoan, dừng khoảng chừng là hai giây, rồi nó hỏi, có đúng là Mây nói với tôi về, chi tiết con số 342-bước-chân, rồi tôi phải khẳng định cho nó, tôi chắc chắn không nghe lầm. Hôm đầu tiên gặp nhau ở quán bia, cổ ngủ nhờ, trước khi ngủ nhờ, cổ có nói, từ nơi cổ ở tới quán, là 342 bước chân. Đến lúc này, tôi mới thực sự thấy Phương để tâm vào câu chuyện. Nó nghĩ ngợi một hồi, rồi nó hỏi, bốn chùm chìa khóa của tôi, có màu sắc hay gì không, tôi trả lời rằng có, bốn chùm, được phân biệt qua cán chìa làm bằng gỗ, trên đó sơn các màu xanh, đỏ, đen và xám. Đến lúc này, Phương mới đứng dậy, vội vã, nó chạy vào phòng máy, và bảo tôi về nhà gấp, để lấy chùm chìa khóa cuối cùng, xong gọi cho nó ngay. Nó sẽ giải thích mọi thứ sau. Thế là tôi từ đảo trở về nhà mà chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, Phương nói, nó sẽ giải thích cho tôi sau khi kiểm tra lại một số thông tin, nhưng nếu đúng như những gì nó nghĩ, thì chữ Litany mà tôi mơ thấy, không phải là tình cờ. Vừa về đến nhà, tôi mau chóng mở cửa, rẽ trái, đến phòng máy vi tính, tôi mở thùng máy ra, từ mấy con ốc bong tróc hết cả, sau đó tôi luồn tay vào một kẽ hở nhỏ bên trong thùng máy, để lấy ra chùm chìa cuối cùng, màu xanh. Tôi đứng dậy, bỏ nó vào túi, vừa lúc đó tôi có cảm giác, như ai đang đứng đằng sau, tôi quay lại, thì thấy Mây đang đứng đó, hôm nay, cổ mặc một bộ đồ thun đen liền mạch, cổ đội cái nón-kết cũng màu đen, bóng từ vành nón che hết nửa gương mặt, làm tôi không thấy một chút gì, từ tâm hồn của cổ, ngoài một cảm giác, lạnh sống lưng.

(HẾT CHƯƠNG MỘT)

***

Quý độc giả thân mến, vậy là tôi cũng đã hoàn thành chương một của Bộ Trưởng Tâm Hồn, trong bốn tháng, ở bên-ngoài, là Sài Gòn mùa dịch giã, suốt ngày quanh quẩn trong nhà, thời gian tôi nghĩ về thế giới bên trong câu chuyện, còn nhiều hơn thời gian ngồi ghi ra nó. Ở bên-trong, chuyện của thằng ĐB, tôi tin, là nó tự quyết định chuyện của nó, rồi từ đó, tôi phải thay đổi vai trò của mình, từ thằng-sáng-tác, tôi làm thằng-đánh-máy, cho phù hợp. Tôi gần như bỏ hết những ý định ban đầu, để ghi ra một thứ hoàn toàn khác. Nói thật, hồi còn nguyện vọng làm thằng-sáng-tác, mỗi lần tắm dưới vòi sen tôi vẫn thường nghĩ, quyển Bộ Trưởng Tâm Hồn này, sẽ giành nô-ben, không phải bây giờ, mà hai, hay ba ngàn năm nữa, loài người tự dưng không trao nô-ben, cho những tác phẩm hiện-thực-xã-hội nữa, mà trao cho tôi, một quyển vui-nhà-vui-cửa, tới mức vô-lý, như bài hát nền trong một bộ a-ni-mê.

Quý độc giả thân mến, Litany là chuyện có thật. Cách đây mười mấy năm, khi còn đi học lớp lập trình viên ở Cần Thơ, một hôm nằm ngủ trưa, trong một căn phòng trọ thuê trên đường Lý Tự Trọng, thì mơ thấy từ Litany, ngay lúc cửa sổ đánh một cái rầm làm tôi giật mình thức dậy. Cứ nghĩ rằng đó là một từ không có nghĩa. Mãi cho đến chiều tối mà tôi vẫn cứ nghĩ ngợi, nên lên mạng tìm nghĩa của từ. Hồi đó tôi chưa có internet như bây giờ, nên phải tra trong cuốn từ điển Anh-Việt, thì mới ra nghĩa Kinh Cầu Nguyện. Tôi cứ nhớ về chuyện đó nhưng không làm gì với nó, cho tới hôm nay, tiếng đập cửa mười mấy năm về trước, được dùng để làm một chi tiết quan trọng trong cuốn tiểu thuyết đầu đời. Một điều nữa, là câu chuyện này tôi viết gần như là trực tuyến, lai-sờ-trim, tức là nghĩ tới đâu, ghi tới đó, rồi đem đăng luôn, nên chắc chắn lỗ hổng sẽ rất nhiều, một số chỗ sẽ diễn tiến hơi vội vã, chủ yếu là vì những chỗ đó, tôi chưa có hứng để ghi ra, nên rất mong quý độc giả thông cảm. Điều tôi lo lắng hơn không phải là những lỗ hổng hay những điều chưa hợp lý của câu chuyện, mà là tôi lo mình sẽ chán và bỏ ngang trước khi hoàn thành. Nên trước mắt tôi sẽ viết cho xong hết, rồi quay lại tô vẽ cho nó sau.

CuỐi cùng, thưa quý độc giả thân mến, mong quý vị nhớ cho, những tâm sự của thằng-đánh-máy, cũng là một phần chính thức, của câu chuyện.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *