Tôi đưa cho thằng Ngộ tờ A4 thứ hai mươi ba, trong đó căn dặn những thứ cần chuẩn bị: Ba con xe bốn-chỗ, đồ ăn thức uống, và hơn hết, là một núi tiền mặt. Tôi dặn, 6 giờ sáng khởi hành, trong ba con xe thì Xa làm tài xế chạy tiên phong, vì anh này rành đường Đà Lạt hơn ai hết, kế đến là Ngộ cầm lái, chở tôi và Mây, sau cùng tôi nhờ nó tìm vài thằng hộ pháp chạy bọc lót, để lỡ bọn nhà Gươm Thiêng có truy đuổi, thì cũng dễ bề đối phó. Cuối cùng tôi ghi một dòng chữ lớn, rằng, trước khi lăn bánh, nhớ nhắc tôi lục soát khắp người Mây, đề phòng cô ả lại chơi trò, làm thích khách. Tôi dặn thêm thằng Ngộ vài thứ linh tinh, tôi dặn, mình khởi hành lúc 6 giờ, nhưng nó phải báo lại với Đồng chí G là 9 giờ.
Chúng tôi lên đường sớm hơn dự định chừng mười lăm phút, trời mưa lất phất, từ đồi Huy Hoàng nhìn xuống thành phố lúc này chỉ thấy một màn sương. Lúc tôi bước ra thì xe đã chờ sẵn, thằng Ngộ đứng tựa người ở đầu xe, vừa thấy tôi thì gật đầu rồi mở cửa băng sau. Trước khi nổ máy, nó quay về phía tôi, ra hiệu cho màn lục soát. Tôi quay sang chỗ Mây rồi hỏi, rằng cổ có mang theo súng không? Thế là cổ nguýt dàiiiiii. Tôi làm vài động tác kiểm tra lấy lệ, cô ả không thèm phản ứng, còn đưa luôn cái túi đang đeo, rồi tự tay cởi áo khoác, tự tay vén lên một phần chiếc đầm đang mặc, rồi giơ hai tay lên, làm như đầu hàng, cho tới khi tôi dừng lại, xong ra hiệu cho Ngộ khởi hành.
Kế hoạch là, phải lấy lại cho bằng được mớ chìa khóa nhà bị cổ trộm hồi ở Mũi Né. Đồng chí G có nhắn tôi, anh làm cách nào cũng được, động viên hay uy hiếp tuỳ ý, miễn là mang về được thứ cần mang, là thiên hạ thái bình. Tôi thậm chí có thể dùng tình cảm nam nữ, nếu thấy cần thiết. Nhưng tôi ba-lăm, đầu gần hai thứ tóc, mà còn bị cô ả hai-lăm dắt mũi, nói chuyện tính kế nghe không khả thi. Vả lại, tôi cũng không thiết tha gì chuyện, giành-giật-địa-bàn của hai bên. Một thằng như tôi, dù có chiến sự diễn ra trước mặt, miễn không ai lôi tôi vào, thì tôi sẽ làm như không có chuyện gì. Mà thậm chí họ có lôi tôi vào đi nữa, thì tôi vẫn cứ né được bao nhiêu, thì né. Nên khi nghe Đồng chí G kêu gọi tôi phải giữ bình-tĩnh, chờ-đợi, rồi cứ nghỉ-ngơi, thì tôi chớp lấy thời cơ để né ngay, bằng cách suy nghĩ, tôi cứ tận hưởng thời gian ở đây trước đã.
Có điều, vài thứ không diễn ra như ý, tôi quên mang theo con loa cầm tay. Dù đêm qua đã tự nhắc nhở, lựa nhạc cho buổi đi chơi xong, thì nhớ bỏ loa vào túi, sáng nay loay hoay mãi với mớ suy nghĩ, làm tôi quên cả loa, lẫn túi. Thấy tôi cứ rấm rứt, Mây gợi ý bọn tôi quay về biệt thự để lấy, dù gì cũng có cả ngày, bỏ chút thời gian cũng không sao. Khi chúng tôi quay đầu xe, lúc này tôi mới để ý chiếc chạy đằng sau, rồi mới biết, vài-thằng hộ pháp tôi nhờ thằng Ngộ thu xếp, thật ra chỉ có một-thằng. Tôi cằn nhằn với Ngộ, thì nó cười cười, rồi trả lời rằng tuy hai mà một, tuy một mà hai. Về tới biệt thự, thằng Ngộ thay tôi lên phòng lấy túi. Trước khi đi, nó nhờ thằng hộ pháp tới chỗ xe tôi để trông chừng, lúc này tôi mới có dịp nhìn rõ tướng tá: Tóc bảy-ba, da ngăm đen, ốm nhom, cao chỉ chừng một-mét-bảy. Thằng hộ-pháp tự giới thiệu nó là Tư Cảnh, tên thật là Tả Văn Cảnh.
Cầm loa trong tay, sau khi mở lên kiểm tra kỹ lưỡng, tôi mới yên tâm khởi hành. Hôm qua, Ngộ hỏi tôi về kế hoạch đi chơi, thì tôi trả lời rằng không có gì to tát hết. Buổi sáng, chạy một vòng trung tâm thành phố, xong rồi kiếm chỗ nào cao hơn chỗ này, vắng hơn chỗ này, để tôi tìm một chút không khí trong lành. Buổi sáng, tôi nói, cả bọn cũng không cần ghé đâu ăn hết, mà chuẩn bị cho tôi hai đòn chả bò, lúc ăn phải còn nóng, trong đó một đòn làm đúng công thức để hai củ tỏi, hột tiêu rắc đều và nhất là không có gân bò, đòn còn lại làm chân phương, chỉ có bò, không gì khác.
Ở băng ghế sau, ban đầu bọn tôi mở cửa kính, để tận hưởng từng cơn gió lạnh lùa vào, nhưng gió còn mang theo những hạt mưa lất phất, lần lượt bám vào từng người trên xe. Thấy Mây cứ nâng tay áo lên để lau mắt, tôi mới nói phải đóng cửa lại, rồi làm bộ rướn người tới phần chốt cửa, tiện thể ngó luôn phần ngực áo, tới chừng nhìn lên, thì thấy cô ả đã lườm sẵn. Tôi lại làm bộ như vô tình, nói qua chuyện ăn sáng, tôi nói, Ngộ, giờ đóng cửa rồi, mình ăn chả bò, nhất là đòn nhiều tỏi, một hồi trong xe sẽ bí bách không chịu được, thôi thì bây giờ em cho chạy lên chỗ nào cao cao, mà vắng người, như đã tính, rồi cả đám ngồi đó ngắm cảnh, hít thở, ăn sáng luôn. Tôi nói một câu dài, ngắt quãng vài lần để câu giờ, tới chừng quay lại, vẫn thấy cô ả đang lườm sẵn.
Từ trung tâm thành phố ra Tà Nung cũng mất chừng nửa tiếng, đường láng dễ đi. Chỉ khi đến đoạn gần nơi cắm trại thì bắt đầu gập ghềnh, nhiều ổ sình lầy nằm rải rác. Có đoạn xe bị lún sình, cả nhóm phải xuống xe hò hét. Chạy thêm một lát nữa thì Xa thông báo đã đến nơi, chiếc xe đi đầu dừng dưới một ngọn đồi nhỏ. Đậu xe dưới chân đồi, chúng tôi bắt đầu đi bộ lên, lối đi được lót đá nhám xếp thành một đường thẳng tắp lên đến đỉnh đồi. Tôi hỏi Ngộ, chỗ này là chỗ nào, không có vẻ là em lựa một chỗ ngẫu nhiên? Thằng Ngộ mới nói, đây là một trong những chỗ nghỉ ngơi của nhà Ba Gai. Tôi không khỏi thảng thốt, ghé vào tai thằng Ngộ, hỏi tiếp, mày quên Mây là người nhà Gươm Thiêng?
Thằng Ngộ cười, giải thích, cả hai nhà đều biết những chỗ nghỉ ngơi của nhau, rồi nói thêm, chỗ này còn thường là nơi đàm phán giữa hai nhà nữa. Nói xong nó quay sang chỗ Mây, nói, anh nhìn đi, thấy chị Mây có thân thuộc với chỗ này không?
**
Thứ đầu tiên tôi nhìn thấy khi đặt chân lên đỉnh đồi, là một hồ nước lớn nằm ôm lấy hai quả núi, phủ lên đó, là nhiều cánh rừng thông xanh rì. Trời vừa tạnh mưa, những tia nắng bắt đầu xuất hiện, khi thấp thoáng, khi chạy đều một mảng lớn rồi lẫn vào triền núi. Nơi tôi đang đứng là một khoảng sân rộng, ở góc sân người ta xây lên căn phòng lớn với bốn bức tường được làm từ dàn cửa kính trong suốt, bên trong là một bàn gỗ lớn cùng hàng ghế chừng vài mươi chiếc xếp đều nhau. Xa là người đến nơi đầu tiên, anh đi một vòng kiểm tra xung quanh, bật công tắc điện, mở cửa phòng rồi tiếp tục kiểm tra đống bàn ghế, trước khi biến mất vào một lối đi để xuống tầng hầm, dẫn đi đâu không rõ. Thằng Ngộ đứng cạnh tôi, không nói gì, một mặt nó nói đây là chỗ-nghỉ-ngơi, mặt khác, nó làm như xung quanh đây toàn kẻ gian, đằng sau lớp kính mát tôi thấy đôi mắt nó di chuyển liên tục từ đông sang tây, từ mặt hồ dài lên những quả núi. Tư Cảnh vẫn chưa lên hẳn đỉnh đồi, nó còn đứng đâu đó bên dưới chừng vài chục bước chân, nhìn ngó xung quanh. Xa, Ngộ và Tư Cảnh liên lạc với nhau qua bộ đàm đeo tai, chừng vài phút sau khi nhận thông báo an toàn từ đồng đội, Ngộ mới để tôi bước đến phần rìa của khoảng sân. Lúc này cơ mặt nó cũng từ từ giãn ra, Ngộ bắt đầu nói về nơi chúng tôi đang đứng.
Tử Hào Loa đối với ông ngoại anh là tiên cảnh – Ngộ kể. Có những lúc khó nghĩ, Đại tá tới đây một mình, ông ngậm tẩu thuốc đi đi lại lại nhiều khi hết cả ngày, còn nhớ có hôm muốn nghe tiếng chim hót, ông dặn tuỳ tùng không ai được nói câu nào. Căn phòng bên trong là nơi nhà Ba Gai họp mặt. Tử Hào Loa không phải là tên của quả đồi, mà là tên của ngôi chùa đằng kia – vừa nói, Ngộ vừa đưa tay hướng đến một ngôi chùa nằm thấp thoáng trong ngọn núi bên kia hồ. Cứ mỗi năm – nó nói tiếp – vào những ngày đầu tháng 10, Đại tá sẽ ở trong đó một tuần, không liên lạc với ai hết. Ông chỉ để một cận vệ thân tín đi theo, mà cũng phải chờ ở phía bên này, nếu có chuyện gì quan trọng cần báo lại, thì dùng thuyền qua bên kia để gặp ông – vừa nói, Ngộ chỉ tay về phía chân đồi, nơi có vài chiếc Kayak đang neo sẵn. Trong suốt một tuần bên đó, đại tá cũng thường đi vào rừng một mình, ban đêm, thỉnh thoảng cũng có thể thấy ông ngồi nhóm lửa đâu đó.
Xa đặt một lò nướng than ngay trước căn phòng cửa kính, mà Ngộ nói nó có tên là Phòng Ngẫm. Bây giờ tôi mới biết, bên dưới tầng hầm là một kho trữ rượu khổng lồ. Tôi kéo Mây đi theo, đâu chừng mười bậc thang là bọn tôi đã đứng bên dưới tầng hầm, mà theo tôi đoán có diện tích gần bằng khoảng sân, dọc theo bờ tường là những kệ gỗ dài chất đầy những chai rượu hảo hạng. Ở góc phòng xếp một hàng dài ba tủ đông lớn để trữ thức ăn. Nổi máu nghề nghiệp, tôi cố đi qua từng kệ, từng kệ một để săm soi từng chai, từng chai rượu một. Căn phòng lạnh lắm, một người chịu lạnh tốt như tôi còn phải thường xuyên xoa tay giữ ấm. Cô Mây tỉnh bơ. Một hồi tôi rủ cổ chụp một tấm hình, ngay trước một vại bia làm từ gỗ sồi, tôi vẫy tay gọi thằng Ngộ tới gần (nó vẫn đứng chờ ngay bậc thềm xuống tầng hầm), rồi đưa cho nó điện thoại để chụp giùm một tấm kỷ niệm. Tấm hình đầu tiên chúng tôi đứng chung một khung hình.
**
Công an tới giữa lúc chúng tôi đang loay hoay chuẩn bị bữa ăn. Nghe tiếng kèn xe, chúng tôi vội ra xem, thì thấy một chiếc bốn-chỗ vừa đậu, rồi ba người đàn ông mặc sắc phục đang từ từ đi lên. Khi đã đến chỗ chúng tôi, anh đội trưởng chưa nói gì, chỉ gật đầu chào, rồi đi một vòng quanh ngọn đồi, trước khi dừng lại ở khu lò nướng. Anh hỏi chúng tôi, anh chị tụ tập ở đây để làm gì? Thằng Ngộ lúc này bắt đầu tháo kiếng mát, từ tốn giải thích, rằng đây là khu đất của gia đình, chúng tôi tới đây ăn uống, nghỉ ngơi, chiều tối thì về nhà. Ngộ nói thêm, ở đây chỉ nhiêu đây người, tới chiều tối, cũng không thêm một người nào, nhiêu đây thôi. Nói xong, nó lấy trong túi ra giấy tuỳ thân, nó giữ đủ giấy tuỳ thân của cả nó, tôi, Tư Cảnh, và cả Mây. Hôm tôi bắt nhốt cổ ở Đồi Huy Hoàng, Ngộ đã giữ giấy tuỳ thân của cổ, dù ai cũng biết mọi thông tin trong đó đều dối trá. Quê Tiền Giang, 22 tuổi, và một đống nốt ruồi. Từ lúc công an đi lên, tôi đã nói đây là chuyện lộn xộn của đàn ông, rồi yêu cầu cổ vào căn phòng cửa kính, ngồi chờ. Nên bây giờ, cổ đang từ trong đó, nhìn ra.
Mấy anh bình tĩnh, lại đây xem cái này – Tư Cảnh nói từ đằng xa, rồi từ từ bước tới chỗ mấy anh công an.
Tư Cảnh tên thật là Tả Văn Cảnh, từ nhỏ Cảnh đã hay chiêm nghiệm về cuộc đời. Có bữa thức dậy sau giấc ngủ trưa, suy nghĩ đầu tiên đến với Cảnh là, đằng nào rồi ai cũng chết, nhắm mắt tắt thở là xong, là hết, là vô tư, vậy làm gì phải buồn? Nhưng khi vừa ngồi dậy thì Cảnh lại ngập trong mớ bòng bong của tiền bạc, của chỗ đứng. Và Cảnh vẫn sợ vợ như thường.
Sợ tới nổi gần như không có chính kiến trong nhà, ngay cả khi muốn đứa con trai nghỉ học cho rồi, vì học xong cũng vậy, lớn lên có xài được gì đâu? Suy nghĩ rành mạch, giọng nói vang lên trong đầu cũng lưu loát, nhưng Cảnh không dám nói thẳng ra, mà phải đi đường vòng. Cảnh nghĩ, thằng chồng như mình, ốm nhách, đen thui, gia thế không có gì, lại chỉ có cái nghề đưa đò kiếm vài đồng bạc mỗi ngày thì lấy cớ gì cho con nghỉ học? Thế là Cảnh nghĩ tới mấy tờ báo, Cảnh nghĩ, vợ mình không tin mình, chứ mấy tờ báo trên mạng ai mà không tin? Lựa tờ nào có vẻ uy tín, nghe tên ai cũng biết, mình gửi bài cho người ta đăng, đọc được có khi vợ mình đổi ý?
Thế là Cảnh lấy hết vốn văn chương học được thời còn đọc truyện tranh, kiếm hiệp, tiếu lâm, để viết ra đâu đó một ngàn chữ, mở bài thân bài y như thầy cô dạy, rồi gửi cho một đống tờ báo lớn nhất nước, những tờ đình đám như Sự Thật, Thay Đổi, Đứng Lên, Đồng Hành vân vân, nhưng không một tờ nào thấy hồi âm. Cuối cùng Cảnh lựa một tờ báo mạng thuộc cấp phường xã, không ai đọc, gửi đại coi như cơ hội lần chót, tái bút còn để câu, nếu quý báo chịu đăng, thì cho tôi gửi tiền thuê chỗ trên trang, số tiền là hai trăm ngàn. Vừa bấm nút gửi xong trong đầu đã tính sẵn kế khác. Vậy mà trời thương, ba bữa sau có hồi âm, ban biên tập người ta đồng ý.
Thấp thỏm cả tháng trời mới thấy bài lên trang, mừng cả buổi sáng. Cảnh đặt cái tựa bài báo rất oách: Chuyện học, chuyện đời nay đã khác xưa. Vì tờ báo ít người biết, nhất là vợ Cảnh cũng như hội chị em chủ yếu chỉ quan tâm chuyện mặc đồ gì hay mua cái gì. Nên Cảnh phải làm như vô tình vội đi đưa đò, rồi để quên máy tính chưa tắt, mở ngay bài báo do chính mình viết cho vợ đọc.
Lần đầu Đại tá Công gặp Cảnh là ngay bữa bài báo được đăng. Cảnh hứng chí lắm, tay đưa mái chèo đầu thì nghĩ ngợi từng câu từng chữ trong bài viết, lâu lâu làm ra vẻ đắc thắng, chắc ăn là bà vợ của mình ở nhà, mà hàng xóm quen gọi là chị Tư Thả, đã đọc và đã hiểu hết, thông suốt hết những gì Cảnh gửi gắm trong từng câu chữ. Mặc dù hơi mắc công, thay vì nói thẳng ra trên bàn ăn, thì phải đi vòng qua tờ báo, nhưng Cảnh hài lòng. Vẻ mãn nguyện rõ trên gương mặt làm Đại tá Công, vốn hay trầm ngâm, ít khi nào hỏi tới chuyện người khác, nay cũng phải để ý.
Đại tá hỏi, anh này (là Cảnh) vui quá, đời anh không có gì để lo sao?
Cảnh còn chưa kịp khép cái mãn nguyện của mình lại, nụ cười còn chưa kịp tắt khi trả lời cho ngài Đại tá – người duy nhất đang trên chuyến đò ngày hôm ấy, anh trả lời rằng: Đằng nào rồi cũng nhắm mắt, cũng vô tư, lo buồn để làm cái gì hả anh?
Lúc này ông đại tá mới cười xoà, rồi gật gù một hồi trước khi nói, anh là thằng sợ chết nhất tôi từng gặp, phải cỡ vài trăm năm rồi tôi mới gặp chứ không ít hơn, anh khỏi chối, một người suốt ngày nghĩ chuyện sống chết, đa phần là những người tiếc rẻ nhân gian này nhất. Nếu anh chối, vậy tôi hỏi thử một câu, anh có muốn sống hoài, sống mãi không? Nếu tôi có thể cho anh sống hoài, sống mãi, anh có nhận không? Anh suy nghĩ rồi quyết định, từ đây cho tới khi cập bến chỗ ngôi chùa đằng kia, phải trả lời, không thì hết cơ hội.
Cảnh đồng ý luôn, gần như không một chút đắn đo. Vì Cảnh nghĩ ông khách này giỡn chơi, lại ngay bữa đang vui vì được lên báo nên Cảnh chiều hết, hỏi gì cũng gật, cũng ừ. Nếu có đắn đo, thì chỉ lo là ông già này không có tiền trả, hoặc tâm thần, mới cứ vặn đi vặn lại cái câu trả lời giỡn chơi của Cảnh, là ừ thiệt không, là chắc chưa?
Thực ra Cảnh không đắn đo cũng đúng. Không lẽ ổng sống vài trăm năm rồi thật? Không lẽ ổng cho mình sống đời thật? Cặp bến xong ông nhờ Cảnh mang giùm một số hành lý lên Chùa, thấy ông đi vào trong mất hút, tưởng mất tiền công rồi, nhưng chừng mười phút sau Đại tá Công bước ra với một cái giỏ nặng trịch, ông dặn Cảnh, ra vẻ hệ trọng lắm, giữ kỹ giùm ông một món trong này. Rồi ông lại mất hút, lần này không thấy trở ra.
50 năm trời cả nhà Cảnh không một ai già đi. Trên chuyến đò hôm ấy lúc cao hứng Cảnh bày đặt ra điều kiện, nếu mà cho sống hoài sống mãi, thì phải cho những người thân của Cảnh như vậy nữa. Thằng con Cảnh đúng 18 tuổi là mặt mày tướng tá nó y nguyên, vợ chồng Tư Cảnh từ cái hôm Cảnh gặp ông đại tá về cũng y nguyên. Mới đầu chị Thả rất khoái, thấy mấy bà hàng xóm cứ ngày một nhăn nheo mà mình vẫn phơi phới. Cho tới khi khoảng cách ngày càng rõ rệt, bạn bè Tư Cảnh lần lượt từng người một nằm dưới sáu tấc đất, đi đám ma Cảnh phải gắn giả mớ tóc bạc, mặt thì lúc nào cũng nhăn nhó, tự kể ra đủ thứ bệnh già cho đám bạn nghe, dù thực chất hai vợ chồng Tư Cảnh không biết tới bệnh tật là gì. Thằng con Cảnh nay đã nghỉ học, đi làm với cái mặt non choẹt người ta ngại cất nhắc lên cao hơn, lại không có bằng cấp gì ngon lành nên càng lẹt đẹt. Cảnh bắt đầu ngờ ngợ về ông Đại tá, không lẽ ngày hôm ấy ổng nói thiệt? Không lẽ?
Người ta dị nghị quá, người ta đồn quá, mà bản thân người ta cũng không giải thích được, thời đại kỹ thuật số rồi, làm gì có cái chuyện trường sinh bất tử, nếu có thì báo đài đã nói um sùm rồi, rồi không lẽ có chuyện ma quỷ? Vô lý. Nhưng cứ sống như vậy mãi, với cái tuổi xuân này mãi cũng không được. Cảnh cũng thử tới chỗ ngôi Chùa tìm ông Đại tá, mà Cảnh cũng không biết tên gì, chỉ biết là Đại tá, Cảnh gọi mãi không thấy ai trả lời, Cảnh đi luôn vào Chùa cũng không thấy ai. Ba bốn bận như vậy, ngôi Chùa vắng tanh. Tới một ngày chịu hết nổi, Cảnh về nhà ra lệnh, lần đầu tiên trong đời Cảnh ra lệnh cho vợ, gói ghém toàn bộ đồ đạc trong nhà ngay trong đêm để ra Chùa sống, ẩn cư luôn. Trước khi rời ngôi nhà đã cho mình nương náu cả trăm năm, Cảnh lấy ra một cuốn sổ, kiểm tra tình trạng kỹ lưỡng, theo thời gian nó đã úa màu, nhưng vẫn có thể đọc được. Cái giỏ ngài Đại tá đưa Cảnh ngày hôm đó chứa đầy tiền mặt, đủ để cả nhà Cảnh sống mấy đời còn chưa hết. Ngay phía dưới cùng, là cuốn sổ, mà Cảnh cho là số tiền công khổng lồ Cảnh nhận là để gìn giữ nó. Thấy vẫn nguyên vẹn, Cảnh yên trí cất vào một góc bí mật trong đám tư trang, trước khi đóng cửa và ra hiệu cho gia đình rời đi.
Ra Chùa sống, cả nhà Cảnh dành cả tuần lễ chỉ để quét dọn. Thằng con trai Cảnh vào khu nhà kho thấy một cái bảng đóng đầy bụi, phủi đi mới biết ngôi Chùa có tên là Tử Hào Loa.
Nếu có chuyện gì đó Cảnh làm giỏi nhất, thì đó là giấu tiền, và nói láo. Theo tác giả, Tư Cảnh chỉ nói láo thua có thằng ĐB – nhân vật chính. Về chuyện giấu tiền, số tiền khổng lồ của Đại tá tuy có làm Cảnh hoang mang một lúc, nhưng chỉ sau một hồi định thần lại, Cảnh bắt tay vào việc cất giấu tài sản như một thú vui. Cảnh chia số tiền làm nhiều phần, rồi đem chôn ở những nơi bí mật, gần bụi cây ít ai để ý sau nhà, rồi một chỗ nữa gần cái ao, rồi một chỗ nữa nằm ngay góc sân. Cứ như vậy mỗi lần cần tiền thì Cảnh lại đào lên. Lạ là, chừng mười năm sau đó, tài khoản ngân hàng của Tư Cảnh lại nhận một số tiền lớn đúng bằng số tiền lần trước Đại tá đưa Cảnh, nên Cảnh đoán là cùng một người. Vậy là từ đó ngoài chuyện trẻ mãi, Cảnh còn có tiền tới đều đều. Sống một cuộc đời có cả tiền và có cả thời gian, Cảnh đúng là trong tiên cảnh.
Về chuyện nói láo, Cảnh nói với vợ, dạo này ngoài chuyện đưa đò, Cảnh còn lên mạng làm nhiều chuyện lặt vặt nên thu nhập khấm khá hơn trước. Để an toàn, Cảnh không bao giờ xài số tiền gì lớn để vợ biết, tuy nhiên chị Thả cần gì là có, thằng Hữu, con trai Cảnh, lớn lên cũng không thiếu thốn gì. Mỗi tháng hai lần cả nhà đi ăn nhà hàng, Mỗi quý đi du lịch, mỗi dịp Tết nhà ê hề đồ ăn và quần áo mới.
Tuy vậy có một điều cứ vướng mắc trong lòng Cảnh. Một trăm năm qua kể từ khi nhận ra những gì ông Đại tá nói buổi chiều hôm ấy là sự thật. Cảnh cứ ao ước được gặp lại ông để tìm câu trả lời. Đôi khi Cảnh bị bao vây bởi những câu cảm thán – giá mà! phải chi mà! Nhưng rồi ngay lập tức Cảnh cũng nhận ra, có quay lại thời điểm đó bao nhiêu lần đi nữa, thì thằng Cảnh của ngày hôm đó vẫn đi theo con đường cũ. Nên tới năm thứ một trăm lẻ một, Cảnh bắt đầu thôi nghĩ tới chuyện cũ. Hàng ngày bên này hồ, Cảnh đi đi lại lại, thơ thẩn nghĩ đủ chuyện. Mỗi khi mệt, Cảnh hay ngồi trước cửa Chùa, rồi nhìn qua bên kia hồ, nơi có căn biệt thự tuy không có người ở, nhưng mỗi năm vào ngày đầu tháng 10, Cảnh đều thấy một nhóm người tới chơi vài bữa. Họ ăn uống, cười nói và ca hát suốt cả ngày. Chưa bao giờ họ qua bên này hồ, ngược lại Cảnh cũng vậy, Cảnh không có thói quen gặp gỡ, hay nói nhiều cho mấy, ngay cả với chị Tư Thả.
Chị Tư Thả, tới lúc chắc ăn là cả gia đình mình đều trẻ mãi không già, chị ra chợ làm một nồi thịt kho hột vịt, món thằng Hữu thích nhất, thêm 2 ký khô cá lóc, món Tư Cảnh thích nhất, rồi hì hục trong bếp làm đủ những món đồ chua cầu kỳ bình thường chị không bao giờ làm. Vậy là trẻ mãi! – Chị nghĩ. Cả nhà ăn uống rôm rả và chắc chắn đó là những ngày vui nhất cuộc đời họ, cái chết không còn đón đợi ở phía trước, mọi kế hoạch, mơ ước, hôm nay không thành, thì hai trăm năm nữa cũng phải thành. Tuy vậy chị cũng như Tư Cảnh, và còn mông lung hơn cả Cảnh. Tại sao lại như vậy? Tại sao nhà mình lại may mắn như vậy? Nhiều đêm những câu hỏi cứ quấy rầy làm chị ngủ không được, lâu lâu lại lay ông chồng dậy hỏi cho ra lẽ. Chị sợ nó là một lời nguyền thì sao? Chị sợ là lỡ mười năm không già đi, tới chừng nó bắt đầu già, nó già nhanh hơn gấp chục lần thì sao? Ngày nào chị cũng soi gương, kiểm tra từng nếp nhăn, tỉ mẩn săm soi từng chút một, tính ra lo lắng cho nhan sắc của mình còn hơn hồi xưa.
Chị Tư Thả tên thật là Thư Thị Thả, là gái quê, chị chất phác, đôn hậu, người duy nhất trên đời chị có thể ăn hiếp là Tư Cảnh, và tin nhất cũng là Tư Cảnh, dù chưa bao giờ chị nói ra. Một hôm đang loay hoay trong bếp thì Cảnh bước vào đưa cho một đống bài báo trên mạng, toàn những tờ đình đám lâu năm như Sự Thật, Đứng Lên, Đồng Hành…nói về hội chứng đột biến làm cho người ta không già đi, là có thiệt, và chính phủ mà kiếm được ai như vậy, sẽ đem ra nghiên cứu, coi như mất hết quyền tự do sống. Nên Cảnh hù chị Thả, nói là, bà muốn yên thân, thì đừng có nói với ai, phải tai vách mạch rừng, nhất là, giữa đêm đừng lay tui dậy nữa. Chị Thả, kiến thức về đời sống trên mạng của chị, kể cả kiến thức khoa học, cũng trẻ như bề ngoài của chị, ngây ngô như chị, nên chị cả tin. Dĩ nhiên là Cảnh nói láo, giờ Cảnh có đầy tiền, gửi mấy tờ báo mạng mỗi nơi vài chục triệu bạc là đồng loạt lên tin răm rắp, muốn kiểu gì cũng được. Cảnh định hướng cho bà vợ xong thì yên trí, là phần của bả, chứ phần Cảnh, Cảnh vẫn muốn gặp lại ông Đại tá, người duy nhất trên chuyến đò định mệnh hơn trăm năm trước, để hỏi cho ra lẽ.
Nhiều năm Cảnh cũng đã thử nhiều cách để tìm Đại tá, Cảnh ráng tìm nguồn gốc của tài khoản ẩn danh chuyển tiền cho mình, nhưng vô phương. Cảnh chỉ có thể đoán, những người này có thể cũng như Cảnh, là sống hoài sống mãi, nên một trăm năm qua tiền vẫn cứ tới đều, đúng mười năm không trễ một ngày nào, hoặc là lệnh chuyển đã được đặt hẹn, hoặc, chỗ ông Đại tá là một tổ chức nào đó, mà vô phương Cảnh tìm ra. Chị Tư Thả, sau nhiều năm sống ẩn cư, cũng trở nên cáu bẳn, cái tính đểnh đoảng lại từ đó càng ghê gớm hơn, hầu như tuần nào Cảnh cũng nghe trong bếp có tiếng chén dĩa rơi vỡ, không thì đồ ăn cũng nấu khét, có bữa gần đây nhất còn làm cháy cả một gian bếp làm Cảnh hết hồn, hơn một trăm năm sống chung, chị chưa từng làm cháy một thứ gì.
Cảnh phải đợi cho thằng bạn sống gần nhà, và cũng là người duy nhất còn lại trên đời biết tới vợ chồng Cảnh, nó chết xong, 2 năm sau đó Cảnh mới về lại chốn xưa, làm vội đôi ba cái mộ cho cả nhà, ghi cho có ngày mất, ghi con số hưởng dương, rồi tên tuổi đầy đủ: Tả Văn Cảnh, Thư Thị Thả, còn thằng Hữu, Cảnh định tầm chục năm nữa sẽ làm cho nó một cái kế bên.
Một ngày đầu tháng 10, đúng 117 năm sau lần đầu gặp ngài Đại tá, Cảnh nhận cuộc gọi của một người lạ, tự xưng quen biết ngài, anh này giới thiệu mình tên Ngộ. Ngộ nhờ Cảnh sáng hôm sau hộ tống cháu của ngài đại tá đi chơi. Chưa kịp đợi Cảnh hỏi, Ngộ đã nói đầy đủ họ tên và tuổi thật của cả gia đình, và chính xác cả số tiền cứ mười năm gửi cho Cảnh một lần.
Dĩ nhiên là Cảnh đi, chờ đợi hơn trăm năm, thì đây là cơ hội rõ ràng nhất để Cảnh chạm tay vào sự thật. Buổi sáng, Cảnh nói với vợ mình đi câu cá, nhưng thay vì rẽ vào con đường quen, Cảnh đánh xe một vòng thành phố, rồi lên Đồi Huy Hoàng. Giới thiệu tên tuổi xong thì được vài thằng hộ pháp cho qua, Cảnh gặp Ngộ ngay tiền sảnh, anh chàng vẫn không nói nhiều, chỉ nói Cảnh sống ở đây đã lâu, rành đường, nên nhờ anh đưa cả nhóm ra chỗ Tử Hào Loa, nhưng mà ở bên kia hồ. Sáng đi chiều về.
Cảnh vẫn mông lung cho tới khi thấy mấy anh an ninh mặc thường phục tới hỏi thăm. Cảnh mới thấy ở đây cuối cùng cũng có chuyện cho Cảnh làm. Tại vì anh đội trưởng của nhóm an ninh nhìn giống y người bạn vừa mới mất của Cảnh. Cảnh biết người đứng trước mặt mình là cháu nội của thằng bạn. Nhìn nét mặt giống bạn mình quá, cả cái tác phong cũng vậy, nên Cảnh mạnh dạn đoán luôn tính tình của nó, cả niềm tin của nó. Cảnh biết, vụ này chỉ có Cảnh giải quyết được
Bước tới chỗ đám người an ninh, Cảnh cười cười, giơ tay chào, rồi nói, chỗ này là nhà của gia đình, hôm nay con cháu tới chơi ăn uống rồi về, chứ không có làm gì trái quy định nhà nước đâu. Nói xong Cảnh cũng móc trong túi ra cái bóp, rồi từ trong bóp lấy ra giấy tờ tuỳ thân, nhưng quan trọng nhất là huy hiệu của an ninh chìm, ở nhà Cảnh có hai ba cái thủ sẵn. Sống chui nhũi với ai cũng được, nhưng với an ninh thì sớm hay muộn cũng phải chào hỏi vài lần, nên Cảnh cũng bung bộn tiền làm mấy cái. Hồi mới chuyển qua Tử Hào Loa an ninh cũng tới, Cảnh đưa huy hiệu ra rồi làm một tràng thông tin giả về lịch sử công tác thì mới tạm yên. Bây giờ Cảnh chỉ đưa ra cái huy hiệu, làm bộ ra vẻ bí mật, rồi nói vài câu về truyền thống gia đình, đọc tên vài ba ông tướng, vài trận đánh, toàn những chuyện thằng bạn đã mất kể cho nghe hồi lâu lắm, lúc cả đám còn có thú vui ngồi uống với nhau trên thuyền.
Những người an ninh cũng như hầu hết an ninh Tư Cảnh từng gặp, là thường chỉ nghe mà không trả lời, nét mặt cũng không bao giờ biểu lộ điều gì, hiếm lắm thì chỉ khẽ gật đầu. Nhưng nhờ rành ông nội của đội trưởng, nên Cảnh biết nhấn nhá vài chi tiết đắt giá làm anh này đôi lúc mắt phải sáng lên, vì ông thiếu tá mà Cảnh đang ca ngợi, chính là ông nội của ảnh chứ không ai khác. Đợi Cảnh nói xong, thì anh đội trưởng mới hỏi vài câu về cái huy hiệu, đơn vị nào, công tác ra sao, vân vân. Cảnh trả lời lưu loát, dĩ nhiên là đáng tin hơn mấy cái thẻ căn cước của thằng Ngộ, Xa, của ĐB và cô Mây. Hỏi xong hết thông tin, anh trưởng nhóm mới làm hai cuộc gọi xác minh, cúp máy xong anh mới nói, tụi tui biết chỗ này là nhà Ba Gai, mà cũng năm bảy năm nay rồi không có ai lui tới, nên tụi tui đoán có khi các anh chị đi nhầm đường, tệ hơn có khi định tổ chức truyền giáo gì trái với quy định nhà nước, nên tụi tui cũng lo. Ảnh nói tiếp, giờ có đồng chí Cảnh ở đây rồi thì không phải lo nữa, tụi tui cáo lỗi, các anh chị cứ vui vẻ nhé.
Nói vậy chứ hồi sau vẫn có một anh đứng dưới chân đồi, làm bộ hút thuốc nhìn ra mặt hồ, nhưng Cảnh biết, là để theo dõi thêm chút coi sao. Nhìn dáng người thanh niên đứng mình ênh dưới cơn mưa lất phất, Cảnh định xuống kêu nó về, nhưng thằng ĐB còn nhanh chân hơn, nó chạy xuống rủ anh ta lên cùng ăn uống, có vẻ thiệt tình lắm. Dĩ nhiên anh ta từ cuối, rồi chúc vui vẻ, chừng 5 phút sau ảnh cũng rời đi, và từ đó Cảnh không thấy bóng dáng an ninh nào nữa.
—
Ở khu vực bàn ăn cô Mây đang tất tả, có khi lại quên mất thân phận sát thủ hay sao mà chăm chú xắt từng miếng chả, tiếng dao va vào thớt chắc nịch, từng miếng từng miếng lần lượt nằm ra ngay ngắn, mớ tóc thỉnh thoảng buông xuống, nên chừng đôi phút cổ lại vén lên, mắt vẫn không nhìn đi đâu hết.
ĐB cứ lòng vòng từ hầm rượu ra ngoài, cứ mỗi lần như vậy là xách ra một hai chai rượu. Lúc này đã có một đống rượu đặt ở khu bàn đá, anh chàng uống thử hết chai này đến chai khác, rồi đem tới cho từng người uống thử. Tư Cảnh tuy là nhà có tiền chất đống, nhưng trăm năm vẫn giữ thói quen uống rượu quê. Nay được mời toàn rượu phương Tây nên chưa quen. Lúc này Xa và Ngộ mới hì hục bê ra một thùng đá, xong pha với nước muối, rồi bắt đầu bỏ những chai bia vào trước khi dùng tay khoáy đều. Vừa nghe âm thanh những viên đá va vào nhau thì ĐB liền tới lấy một chai ra uống, tu một hơi tới cạn chai, rồi khen ngụm bia đầu tiên trong ngày luôn là ngụm ngon nhất. Mưa cũng vừa tạnh, mái che cũng vừa thu mình vào để nhường chỗ cho khoảng trời bao la. Thằng ĐB lại khen cảnh đẹp, tay không quên với lấy thêm một chai bia và lần này cũng một hơi cạn hết chai.
Làm xong hai chai bia là nó lại đi kiếm cô Mây, thực ra suốt cả buổi làm xong chừng vài chuyện lặt vặt là nó lại đi kiếm cổ. Ngay cả lúc mấy anh an ninh tới, nó cũng tìm xem coi cổ ở đâu đầu tiên. Đi đâu thỉnh thoảng lại dừng chân ở bàn ăn, hỏi những câu vô nghĩa, rồi chọc ghẹo trời mưa mà mặc cái đầm tối và dày quá. Cô Mây, do đã quá quen, không thèm liếc, tay và mắt vẫn bận rộn với hàng đống thức ăn đang bày ra trên bàn, và cả khu đồ nướng, và cả trên bếp lửa.
Thì ra Xa và Ngộ nó nói dóc, đồ ăn đâu chỉ có đòn chả bò nóng hổi, tới nơi mới biết đằng sau cốp xe cơ man là đồ ăn. Vậy là tiệc đã được định trước. Tối hôm qua thằng Ngộ bắt đầu gọi cho một đống các bà, các cô ngoài chợ, toàn những liên hệ thứ dữ. Sống ở Đà Lạt từ nhỏ tới lớn, lo cho nhà Ba Gai những việc từ nhỏ tới lớn, trong điện thoại Ngộ có hàng trăm số điện thoại chỉ toàn để đi chợ. Ngộ gọi cho bà chủ tiệm thịt bò đặt 3 ký bò tươi, dặn kỹ là khách quý, phải lấy loại nhất, chính xác hơn Ngộ dặn, phải là nhất trong đám loại nhất, thịt tươi là dĩ nhiên, nhưng phải chọn những thớ có màu đỏ sậm, phân nửa xắt thật mỏng, phân nửa còn lại lựa phần thăn, để nguyên không đụng chạm gì hết. Sáng sớm Ngộ gọi cho cô bán hải sản quen, cô này không bán theo thực đơn định trước, cứ mỗi ngày ghe về cái gì cổ bán cái đó, hôm nay có lươn, Ngộ đặt luôn 3 con lớn, nhờ làm sạch, cắt khúc sẵn. Cuối cùng là đặt hai con gà ta, một con để nguyên đặng đem ra nướng mọi, một con chặt ra làm lẩu. Vậy mới xong.
Bao nhiêu đó món, lại nằm trong những danh mục đồ ăn khác nhau: Bò thì nướng, xào tái lăn. Lươn thì đem đi um. Gà thì con nướng quay vòng, con thì đem đi làm lẩu nấm. Thành ra cô Mây không có thời gian cho mấy chuyện bá láp của thằng ĐB. Thằng ĐB không những không đá động gì tới chuyện làm phụ bếp, mà nó còn nói với cổ, làm đi cho quen. Rồi nó bắt đầu chắp tay đi lòng vòng chỗ cô Mây đang nêm nếm món súp nấm, một hồi sau nó cố ý đứng ngay trước mặt, lấy một tay làm biểu tượng khẩu súng, rồi chỉ vào thái dương, chỉ vô trái tim, rồi nói, nè, lần đó sao không nhắm vào đây là xong, giờ đâu phải cực khổ như vầy.
Chỉ có thằng ĐB là ở không. Tư Cảnh, Xa và Ngộ đều xắn tay áo lên làm phụ bếp. Cảnh quay vòng con gà nướng. Thằng Ngộ thì lật mặt thịt bò, từng miếng từng miếng đã được cô Mây cắt sẵn, cổ còn dặn đi hỏi từng người, ai muốn ăn kiểu gì, chín vừa, chín tái…như thế nào rồi ghi lại, nên chỗ nấu nướng bây giờ có tờ A4 thứ 32 của câu chuyện, trên đó là thực đơn của từng người trên bàn ăn, cứ theo đó mà làm. Xa làm chân chạy vặt cho cô Mây, nhờ canh giùm đám lươn, nhờ lột tỏi, xắt hành tím, chuẩn bị bơ, nhờ mang chén dĩa dọn ra bàn, rửa mớ rau vân vân và vân vân. Vài miếng thịt bò vừa chín đẹp là thằng ĐB lại mò tới gắp ra dĩa rồi lấy con dao xắt một miếng độ dày đúng ý, thịt ứa ra chút mỡ còn đang cháy, thơm phức, nó ăn xong lại uống chút rượu. Tính ra đồ ăn vậy còn ra chưa đủ nhanh, nên ban đầu ĐB phải tự vô bếp, trước khi hỏi mượn chỗ cô Mây, nó đã nói luôn, còn nhớ ở Mũi Né, ai là ông chủ? ai trả lương? Lúc này thì cô Mây liếc thật, còn thằng ĐB lại tỉnh bơ bỏ tỏi, bỏ hành tím và một chút bơ vào chảo trước khi cho mớ thịt bò đã xắt mỏng sẵn vào đảo đều. Cho ra dĩa xong, rắc miếng tiêu lên rồi đi thẳng ra chỗ bàn đá nhìn ra mặt hồ, rồi mất hút ở đó lâu lắm.
Một hồi tự nhiên nhớ ra chuyện gì, ĐB đứng dậy đi tới chỗ thằng Ngộ, nói, em nhớ sắp xếp bàn cho đúng chỗ anh đã dặn, chỗ này là của anh, chỗ này của Mây. Vừa nói ĐB vừa chỉ tay vào hai chiếc ghế liền kề nhau. Xong rồi lại đi qua chỗ có đặt loa, chấn chỉnh lại vị trí hướng về phía bàn ăn. Từ lúc giải quyết xong đám an ninh, ĐB bắt đầu toàn tâm thử rượu và mở nhạc. Trong điện thoại ĐB, theo như nó giới thiệu, có một tỉ playlist, nhưng dạo này nó chỉ nghe nhạc không lời, nó giải thích, sau này nghe nhạc mà có tiếng người nó thấy mệt quá, thằng nào cũng như thằng nấy, cứ lòng vòng trong đầu, rồi lỡ thích ca sĩ nào mà sau đó đời tư cũng không được sạch sẽ thì chán nản, cho dù nhiều khi đời tư và cái khoảnh khắc trong bài hát không có liên quan gì. Nhưng nó vẫn chán như thường. Nó lại giải thích, trong lúc vừa nghía thớ thịt bò đang nướng, là thà nghe nhạc không lời, muốn nghĩ như thế nào thì nghĩ, vả lại sau này nó muốn mọi thứ phải kiệm lời vậy thôi, nghe nhạc đừng có ca sĩ, đi uống bia một mình, ở nhà cả tuần, đồ đạc cái gì không xài đem cho hết. Thậm chí nhạc bây giờ còn kiệm nốt, bài nào đàn nhiều quá cũng không ưng, chuyển qua nghe nhạc toàn tiếng chuông chùa.
Người đã giúp bọn Gươm Thiêng bắt sống ĐB không ai khác ngoài con của Tư Cảnh. Vì ngoài vợ chồng Cảnh ra thì chỉ có thằng Hữu là thông thạo mọi ngõ ngách ở Tử Hào Loa. Cả buổi sáng nó chờ ở bên này hồ đợi thằng ĐB đến, mà nó chờ đến chiều muộn mục tiêu vẫn còn nhởn nhơ trên hồ. Thằng ĐB say bí tỉ xong, nó rủ Mây lấy một thuyền kayak qua Tử Hào Loa, mà không biết có phải vì phong cảnh hữu tình, hay vì nhan sắc của Mây, hay vì cả hai thứ gặp nhau ở một thời điểm, mà nó mãi không chịu đưa mái chèo cho thuyền cập bến. Hai người cầm theo mấy chai rượu, mở nhạc, rồi cứ khua chèo vòng quanh mặt hồ. Thực ra Mây muốn đến Tử Hào Loa, nhưng thằng ĐB cứ chèo hướng ngược lại.
Thằng Hữu đứng bên này Hồ nghe ngóng, ĐB say xỉn bắt đầu nói lung tung, một hồi Hữu nghe chuyện đòi máu loang trên mặt hồ, xong rồi khen ngực cô Mây đẹp, nó khen gần mười lần xong rồi bắt đầu đòi cầm tay thì Mây cự tuyệt. Lúc này Đà Lạt lại mưa, từ hồi cả bọn ngồi ăn với nhau bên kia hồ trời đã mưa, những người bên đó bắt đầu kéo tấm bạt che chắn hết bàn tiệc rồi ngồi ăn uống cho tới khi phát hiện tấm bạt mấy năm không ai lui tới chăm sóc đã rách lỗ chỗ, nên giọt mưa cứ thế men theo rơi xuống bàn ăn, vậy là cả bọn có lúc phải mỗi người cầm một cây dù đi lòng vòng lấy thức ăn, rót rượu. Thằng Hữu bên này chứng kiến hết. Bây giờ ngay giữa hồ trời lại mưa nhưng cả ĐB và Mây đều không màng tới, mưa càng lớn những đường cong lại càng lộ ra rõ hơn, làm thằng ĐB vừa nốc rượu vừa khen bạn cùng thuyền nhiều hơn nữa. Thằng Hữu bên này nghĩ, trời không thương nhà Ba Gai, nên người kế thừa mới rơi vô tay một người như thế này.
Tới lúc cả hai đến Tử Hào Loa, cũng không ai nghi ngờ thằng Hữu, vì nó tường tận mọi đường đi nước bước. Ngay cả Mây ở nhà Gươm Thiêng còn không biết nó là cấp dưới của Gã đội trưởng. Tuy vậy muốn hoàn thành nhiệm vụ không phải dễ, cô Mây không phải tay mơ, một sát thủ lâu năm, cô này đi đâu cũng luôn ở mức cảnh giác. Nên phải chờ tới lúc ĐB đòi đi tè, nó mới có cơ hội ám toán. Vờ dẫn ĐB ra khu nhà vệ sinh, thấy xung quanh vắng vẻ thì nó rút súng chĩa vào sống lưng ĐB yêu cầu đi theo nó rời Tử Hào Loa. ĐB ban đầu còn tưởng cô Mây lừa nó lần thứ hai, nhưng tới khi thằng Hữu cất giọng thì mới giật mình thì ra là gã thầy chùa này đang muốn hại mình. Đi theo Hữu một hồi thì đồng chí Giang và vợ chồng Kẹo Đồng bất ngờ xuất hiện.
Thằng ĐB tuy có hay say xỉn, nhưng lâu lâu nó cũng nói những câu làm người ta chững lại. Như lúc lênh đênh giữa hồ, sau khi khen ngực cô Mây đẹp một tỉ lần, thì tự nhiên nó giơ tay lên, giữa không khí vẽ một vòng tròn, khi Mây hỏi ĐB vẽ cái gì, thì nó trả lời, xưng tôi, là tôi, đang vẽ cầu vồng trên đầu cô.
Chứng kiến ĐB bị tên đội trưởng đánh ngã vật xuống sàn vừa lúc nghĩ ngợi về chi tiết cầu vồng, Mây không khỏi xao động, dù đã nhủ lòng phải tự chủ, lúc này môi cô bất giác run lên trước khi vội nói ra vài câu để che giấu đi cảm xúc đang có. Cô nói với tên đội trưởng, cứ đánh như vầy mãi, người này mà chết, thì chìa khoá không ai biết nơi nào mà tìm, rồi căng thẳng giữa hai nhà sẽ tới đâu nếu anh giết người thừa kế của Đại tá Công?
Chứng kiến ĐB chết, bản thân mình cũng bị thương, nước mắt cứ tuôn ra không cách chi dừng lại được. Mây vuốt ve ĐB thêm vài lần nữa, tay cô di chuyển xuống phần thân dưới, thì chợt phát hiện một vật gì đó đang cộm lên, cô luồn tay vào, thì mới biết có tới hai chỗ đang cộm lên. Chỗ thứ nhất là tờ A4 thứ ba mươi hai được xếp lại thành nhiều lớp, Mây vội mở ra, thì thấy nguệch ngoạc chữ viết tay của ĐB trong đó, cô chỉ kịp đọc vài dòng chữ lớn, nó ghi, giấy chứng nhận tu hành, có điền tên của nó và cô. Rồi cô lại di chuyển bàn tay đến chỗ cộm thứ hai, cảm thấy vô cùng quen thuộc, vì đó là chiếc thuyền được đúc màu bạch kim do vợ chồng Kẹo Đồng làm ra, cũng chính là món quà Mây đã tặng ĐB lúc ở biệt thự Đồi Huy Hoàng.
Tư Cảnh bây giờ mới biết, cái ngày Cảnh gặp Đại tá Công cách đây hơn một trăm năm, còn có một người nữa ở trên thuyền. Người này là ma, nữ. Giờ Cảnh mới hiểu, những cái gật đầu của ngài Đại tá ngày hôm đó không phải là bâng quơ, mà để ra lệnh cho bóng ma trên mặt hồ làm những việc cần thiết cho gia đình Tư Cảnh. Bây giờ đứng trong gian bếp của Tử Hào Loa, Cảnh mới nhận ra người vợ của mình không phải vì sống lâu mà lẩm cẩm, gian bếp tự nhiên bốc cháy, đồ ăn mùi vị không ra thể thống gì là do nơi này không phải để nấu nướng, mà là để bào chế đủ loại thảo dược trên đời. Cô ma nữ bây giờ hiện lên trước Tư Cảnh tự giới thiệu hồn hiệu của mình là Diệu. Diệu đưa cho Cảnh một tờ giấy có ghi tên vài loại cây, lá cần Tư Cảnh đi tìm, rồi cô hướng dẫn Tư Cảnh thứ tự để chế biến thứ cô nói ĐB sẽ cần, cô còn dặn, việc của anh là cứu ĐB, những người khác, không quan trọng. Dù chỉ là hồn ma hiện lên trong hư ảo, nhưng khi nghe Diệu nói câu đó, Cảnh thấy mặt cô như ửng đỏ lên, dù chỉ thoáng qua như một làn khói.
Tư Cảnh xông vào cùng với đám đồng chí Giang, và như lời dặn của Diệu, đợi đến khi sinh khí trong người ĐB tắt hẳn, Cảnh mới lấy ra trong người một viên tiên đơn vừa luyện xong ở Tử Hào Loa rồi đưa vào miệng ĐB. Đồng chí Giang định ngăn cản, nhưng Tư Cảnh đọc ra mật hiệu chỉ vài người trong Ba Gai mới biết, cũng là Diệu dạy cho Tư Cảnh. Giang lúc này mới thôi.
Đó là ngày 7 tháng 7, 7 giờ 7 phút 7 giây. ĐB choàng tỉnh trước sự ngỡ ngàng của cả hai nhà Gươm Thiêng và Ba Gai. Điều đầu tiên nó nói ra chỉ là một câu hỏi duy nhất, Ngoại tôi đâu, lặp lại đúng 7 lần. 7 người đang vây quanh anh: Mây, đồng chí Giang, vợ chồng Kẹo Đồng, Tư Cảnh, thằng Ngộ và Diệu.
Suốt quãng thời gian ĐB tắt thở Diệu đã ở đó, cô ngồi đối diện với Mây, bàn tay cô lúc nào cũng đưa ngang tầm mắt của ĐB, nhiệm vụ của cô ở trần gian được Ngài Đại tá giao phó, quan trọng và duy nhất, là giữ gìn tính mạng của người thừa kế. Bàn tay cô đưa ra, miệng cổ lẩm nhẩm những lời kinh cầu để giữ cho ĐB một luồng sáng, như những bậc thang để trở về. ĐB leo mãi, leo mãi, tia sáng cứ ngày một rõ dần, trước khi nhịp tim đập đều trở lại.
Gã đội trưởng lúc này dù hết hồn, nhưng cũng như Mây, những tay sát thủ thường giỏi che giấu cảm xúc. Hắn nghĩ, lực lượng hai bên bây giờ như nhau, 7 chọi 7. Nếu có đánh nhau cũng không biết ai hơn ai, mà có hơn thì chắc gì đã có cái mình muốn? Chìa khoá chắc gì đã có. Thằng ĐB có chết thì cũng đã chết hẳn? Nên gã ra hiệu cho thuộc hạ rút lui, trước khi đi, gã ném cho Mây một cái nhìn giận dữ, gã gằn giọng, em nghĩ là em sẽ được yên sao? Rồi lại nói tiếp, Mây Sữa, em không về hôm nay thì cũng phải về vào một ngày khác, mà đợi tới ngày khác, em sẽ còn đau khổ hơn một triệu lần bây giờ.
Vừa nói xong, Gã đội trưởng cảm thấy một luồng khi chết chóc chạy qua sống lưng, vô cùng khó hiểu, nhưng rồi cũng nhanh chóng rời đi.