Xưng tội

Thời học sinh, tôi là một tên vô đạo. Sau khi tốt nghiệp, thì tôi vô đạo. Tên thánh của tôi là Paulo. Tôi không đi nhà thờ, mỗi năm tôi đến nhà thờ, nếu có, chỉ vài ba lần. Và mỗi khi đến tôi cũng không vào làm Lễ, tôi chỉ tản bộ bên ngoài hóng gió, tôi tìm những khu ghế đá vắng vẻ, để ngồi nghĩ ngợi. Tôi đọc Kinh mỗi ngày. Buổi sáng, tôi cầu nguyện cho bản thân và gia đình. Buổi tối, trước khi ngủ, tôi đọc Kinh Kính Mừng và Kinh Đức Mẹ. Hôm nay tôi đi xưng tội. Trong gần hai mươi năm làm con của Chúa, tôi phạm nhiều tội trong mười điều răn. Tôi thường phạm vào điều răn thứ sáu, vì tôi ấp ủ những tư tưởng dâm ô, tôi xem khá nhiều phim thiếu vải, và tôi cũng tự-khuây-khoả, gần như mỗi ngày. Tôi cũng hay bịa chuyện, là tội ở điều răn thứ tám. Bây giờ, tôi đang xếp hàng chờ tới lượt mình. Đêm qua say quá, vừa về đến nhà tôi chỉ kịp thay đồ rồi lăn ra ngủ. Trước khi ngủ, tôi trả lời tin nhắn của Mây. Tôi nhắn là. Ok em, chúc em thành công. Sáng ra đọc lại, tôi thấy mình ngu không thể tả, tôi không hiểu được, tại sao đêm qua tôi lại nhắn cụm chữ, chúc em thành công. Tôi không biết Mây sẽ nghĩ gì. Sáng nay tôi thức dậy với vài thông báo trên điện thoại. Thông báo tiền gửi từ đám bạn, cho quỹ lớp 10A12. Thằng Vinh còn gửi thêm hai mươi lăm ngàn đồng, gửi riêng, với nội dung, tiền đi đám cưới. Có một cuộc gọi nhỡ của thằng Duy, tôi không gọi lại, chỉ nhắn nó, tao mới thức, khỏe. Có một tin nhắn của ba tôi, kêu qua nhà dọn dẹp, rồi ăn tiệc cuối năm. Tôi qua, cũng không phải dọn dẹp gì, cứ lòng vòng trong nhà chờ tới giờ tiệc. Tiệc cũng như mọi năm. Ăn xong, còn thấm mệt nên tôi về khách sạn, ngủ một giấc nữa. 5h chiều tôi tắm rửa, thay quần áo. Hôm nay tôi mặc áo thun trắng trơn, tôi xỏ quần thể thao màu xanh đậm có hai đường viền trắnh. Nhìn vào gương, trông tôi tươi tắn, không có vẻ gì là một người tội lỗi. Chiều cuối năm nên nhà thờ vắng vẻ, có lẽ vì ai cũng đang bận rộn chuẩn bị đón giao thừa. Trước mắt tôi là một hàng chờ chưa đến mười người. Trước khi đến đây tôi đã dọn mình. Tôi thà không xưng tội, nhưng một khi đã làm thì phải nói ra hết, nói cặn kẽ tội lỗi của mình, phải nói toàn bộ sự thật. Tôi sợ sẽ bỏ sót sự thật, nên tôi ghi chú ra điện thoại một danh sách những sự thật. Tôi đứng chờ chừng ba mươi phút thì đến lượt mình. Tôi bước đến toà giải tội. Tôi ngồi vào chỗ của hối nhân. Tôi và vị linh mục được ngăn cách bởi một vách ngăn làm bằng gỗ, trên đó khoét những chấm tròn nhỏ, vừa đủ để không thấy mặt người đối diện, nhưng vẫn có thể nghe người kia nói dễ dàng. Chúng tôi lần lượt nói. Nhân danh Cha, và con, và Thánh Thần. Amen. Cha có một giọng nói ân cần và trẻ trung, tuy nhiên qua vách gỗ, tôi thấy thấp thoáng mớ tóc bạc, nên đoán chừng cha cũng ở độ tuổi từ năm đến sáu mươi. Cha nói. Xin Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn con, để con xưng thú tội lỗi với lòng thống hối chân thành. Tôi thưa, Amen. Rồi tôi nói. Thưa Cha, xin cha giải tội cho con vì con là kẻ có tội. Con đã phạm vào điều răn thứ sáu và thứ tám. Xin cha hãy dành cho con chút thời gian, để con kể ra hết mọi thứ. Cha gật đầu, rồi mời tôi nói. Tôi bắt đầu kể cho Cha nghe như những gì tôi kể cho đám bạn tối qua. Về chuyện cho Mây ngủ nhờ. Nhưng tôi thêm vào một tình tiết quan trọng. Tôi nói. Thưa cha, lúc đứng ở quầy, con nói với Mây, với sự chứng kiến của nhiều người, là con đã giao hết cho cổ những chùm chìa khoá dự phòng. Con đã nói dối. Con còn giữ một chùm chìa khoá nữa, chùm thứ tư, nằm trong máy vi tính, bên phòng làm việc. Mọi chuyện lẽ ra sẽ không có gì, vì con nghĩ, giữ lại chùm chìa khoá này, là để sáng hôm sau lỡ đến trưa, mà cổ không bước ra, thì con phải mở cửa kiểm tra xem thế nào. Cũng là vì an nguy cho cổ. Con tự cho mình là người đứng đắn, nên chuyện này vô hại. Mọi chuyện không có gì. Cho đến khi. Buổi đêm hôm đó, trước khi bước ra ngoài, trước khi khoá cửa, thì tự nhiên con quay lại, nhìn cổ một lượt. Một lượt từ trên xuống, từ mái tóc, cho tới bờ vai, dài cho đến gót chân. Con nhìn một lượt, những đường cong, thấp thoáng trên cơ thể. Cổ đang nằm nghiêng một bên. Con tưởng tượng qua một lượt, vài ý đồ. Rồi con quyết định, thay vì đóng cửa, con lẻn vào phòng trở lại. Con đột nhập vào phòng tắm, cũng nằm trong phòng ngủ, cách chỗ Mây nằm chừng hai mét. Con khép cửa phòng tắm, chừa đủ một khoảng cửa nhỏ, để ngó nghiêng ra ngoài, chỗ Mây đang ngủ. Cổ vẫn ư, ư, hơi thở phập phồng. Con, vẫn đang đứng trong cầu tắm, bắt đầu kéo chiếc quần xuống. (Lúc này, Cha phải nhắc nhở. Con, con không cần phải nói quá chi tiết). Tôi không nghe, tôi nói. Thưa Cha, con cần phải nói toàn bộ sự thật. Để Cha có thể nhìn đúng người, đúng tội. Rồi tôi nói tiếp. Con kéo quần xuống để tự-khuây-khoả. Lúc này con tưởng tượng rất cụ thể, ở động tác đầu tiên, con lật ngang cổ ra, rồi từ phần vai, con kéo dây áo xuống, để phần ngực của Mây bắt đầu lộ dần ra, phập phồng, rồi con lại khuây-khoả nhanh hơn. (Cha nói. Nhân danh Chúa, con chỉ cần kể cho Cha ý chính là được). Tôi lại nói. Không, con muốn Cha nhìn đúng người, đúng tội. Tôi tiếp tục. Lúc kéo dây áo xuống, bằng trí tưởng tượng, con thấy Mây mặc một bộ xu-chiêng màu xanh pastel. Con đã hy vọng Mây sẽ mặc màu pastel. Lúc này, dây áo đã đi đến gần vùng bụng dưới. Con cần thêm một số thông tin, nên con lại ngó nghiêng ra ngoài, nhìn cổ một lượt, từ phòng tắm. Con cần thêm thông tin, của người ở ngoài, để đưa vào trong tưởng tượng. (Lúc này, Cha đứng hẳn lên, ngó ra ngoài toà giải tội). Cha ra hiệu cho vài người đang đứng chờ đằng sau tôi di chuyển qua làn kế bên. Có ba làn đang đặt toà giải tội. Mọi người bắt đầu di chuyển. Đợi cho đến khi ở làn của tôi, chỉ còn một mình tôi. Cha mới nói. Con, con tên gì? Tôi trả lời. Dạ thưa Cha, con tên Đăng. Cha lại nói. Đăng nè, về nguyên tắc, cha có nhiệm vụ phải nghe con nói hết, con có quyền tự thú mọi điều con muốn. Tuy nhiên, có những chi tiết Cha thực sự không cần phải nghe. Cha nói với con điều này, Cha đã giải tội cho vô số người trong gần bốn mươi năm, Cha đã nghe những điều kinh khủng hơn chuyện con kể rất nhiều. Nên con hãy tin Cha. Cha sẽ nhìn đúng người, đúng tội. Và nếu Cha cần thêm thông tin gì, Cha sẽ hỏi con sau, con đồng ý không, Đăng? Đến lúc này, tôi mới chịu thôi. Nói thật, tôi khá là khoan khoái khi thuật lại câu chuyện trong phòng tắm. Tôi nói với Cha. Dạ thưa Cha, tóm lại là, con lại tiếp tục khuây-khoả, con tưởng tượng, thêm một hồi nữa. Con tiết lộ với cha thêm chi tiết này, cho đúng người, đúng tội. Nhiều lần trong buổi đêm đó, đáng lẽ con đã khuây-khoả xong, nhưng con cứ lần lựa, để tưởng tượng thêm một chút nữa, con muốn được ở trong phòng, gần Mây, thêm chút nữa. Rồi con đổi bối cảnh. (Cha lại nói, được rồi Đăng). Tôi vẫn tiếp tục, tôi cố gắng nói thật nhanh. Con đổi những nét mặt của Mây, con lại thêm một số tình tiết, cùng một sự việc, con thay đổi cách Mây phản ứng, từ chống cự, sang buông xuôi. (Cha nói, Đăng!). Tôi trả lời. Dạ thưa Cha. Chuyện là vậy, con tưởng tượng đến khi hoàn toàn chiếm đoạt cổ xong, hai, ba lần. Thì con khuây-khoả. Con kéo quần lên, rửa tay, rồi đi ra ngoài. Trước khi ra ngoài, con lại đưa tay lên trán cổ (tay đã sạch), nhìn nhịp thở của cổ. Thấy ổn. Rồi con bước tới cửa, bấm khoá. Con đi ra ngoài quán. Con kéo ghế bố ra nằm, hôm đó là ngày thứ bảy, con mở bài Alesund. Con nghe người đàn ông trong bài hát, anh ta chối, cây guitar này không phải của anh ta, anh ta chối, anh ta cũng không biết hát hò gì cả. Con thấy buồn kinh khủng. Con đã phạm tội trong tư tưởng, lời nói, và cả việc làm. Con kể cho Cha nghe chi tiết, là vì, Cha có nghĩ, con đã phạm tội trong cả việc làm? Cha có nghĩ, ở trong tư tưởng, việc con chiếm đoạt Mây hết lần này đến lần khác, không một chút chần chừ, con đặt cổ trong phòng, con đưa cổ ra ngoài bãi biển, con đem cổ lên rừng, đã là mọi việc-làm? Ý con là, nếu trong thực tại này, không có trách nhiệm, không có trừng phạt, thì con cũng sẽ không hề chần chừ một chút nào? Buổi đêm hôm đó con nghĩ mãi cái lúc, con đứng ở quầy và đặt ba chùm chìa khoá lên bàn. Con là một thằng đạo đức giả. Và khi con quay trở lại quầy, con nghe một người bạn nói. Phải lấy người như anh. Con lại nhớ trước đó ít phút, một người khác lại quả quyết. Yên tâm, thằng Đăng nó đàng hoàng. Rõ ràng, thiên hạ đang tán thưởng một thằng đạo đức giả. Trên đời không có thằng nào nguy hiểm hơn một thằng đạo đức giả. Mọi việc đáng lẽ ra còn châm chước được, ý con là, người ta vẫn có thể nói, chuyện như vậy, vẫn chưa đến nỗi nào. Rằng thằng Đăng, vẫn tương đối đàng hoàng. Cho đến hôm qua, con gọi cho Mây, con hơi bực bội chút đỉnh, thế là con đem chuyện cái thư viện ra nói. Người ta có thể nói, như vậy cũng không đến nỗi nào. Nhưng mà không, phải thấy, trong một tích tắc, con chọn đúng điều quan trọng nhất của Mây, là cái thư viện, con chọn đúng điều buồn nhất của Mây (mà con biết), để xát muối vào đó, con nói, gằn giọng. Bởi vậy ai mà cho mở thư viện. Điều nguy hiểm nhất trong chuyện này là, trong một tích tắc, con kịp nghĩ ra điều làm người ta đau khổ nhất, con chọn đúng đòn trừng phạt tàn nhẫn nhất. Vậy nên, nếu sau này, có giận dữ, mà không phải chuyện linh tinh như hôm qua. Mà cũng không phải qua điện thoại như hôm qua. Nếu con đang đứng mặt đối mặt với Mây, con sẽ trừng phạt cổ bằng cách nào. Con có tìm một cây gậy nào gần đó? Để trừng phạt? Và Cha cũng nên biết thêm sự thật này. Cũng trong đêm hôm đó, cái đêm ngủ nhờ, sau khi đã ra ngoài quán và dằn vặt xong hết. Con lại đứng dậy và đi vào nhà vệ sinh, lần này là nhà vệ sinh của quán. Một lần nữa con đưa Mây lên rừng, xuống biển. Một lần nữa con làm Mây phải buông xuôi. Lúc đó là chừng ba giờ đêm. Rồi con lại ra ghế bố, con mở Alesund cả đêm. Con nghe người đàn ông chối bỏ cả đêm. Con lại dằn vặt, cho đến hơn 5h sáng. Rồi con lại đi vào nhà vệ sinh, lặp lại chuyện cũ. Xong rồi, con ra ghế bố, lần này thì thiếp đi ngay. Tâm trí con mỏi mệt, bàn tay con rã rời hết cả, con ngủ một giấc mê man đến hơn 10h sáng. Lúc này Mây đã ra về. Con thức dậy với tờ giấy để trên bàn, cổ ghi. Cảm ơn anh, anh là một người tốt. Con phải nói với Cha, là sau tất cả những chuyện này, vẫn có một điều gì đó trong con không giải thích được. Con tự trấn an, tuy nghe thật vô lý, rằng con có những hành động đó, là bởi vì, cổ là của con, miễn cổ ở gần con là cổ an toàn. Con tự trấn an, nếu người nằm đó không phải là Mây, thì con sẽ không bao giờ màng tới chuyện làm vậy. Vì đó là Mây, con mới đi vào phòng tắm. Con tự trấn an, tất cả những hành động của con, lột trần cổ, chiếm đoạt cổ, nó đến từ một thứ tình cảm thật lòng. Dù cho thứ tình cảm này bắt đầu bằng thói đạo đức giả. Con nghĩ, lỡ không may, Mây có tình cảm với con thật. Thì cái chuyện này, chuyện tình này bắt đầu không mấy hay ho. Cổ nên gặp một thằng nào khác, ít nhất là biết giữ lời hứa. Một thằng có bao nhiêu chùm chìa. Thì nói bấy nhiêu. Còn con, nói thật với Cha, ở trong này là một con quỷ (tôi lấy ngón tay chỉ vào thái dương). Hồi nhỏ, con từng quăng thẳng đôi dép vô mặt thằng bạn thân nhất, và con đã muốn ăn tươi nuốt sống nó. Con đã nghĩ, nếu ngay lúc đó trên tay con có súng, con sẽ xả một băng đạn không chần chừ. Ngay lúc đó, dù chỉ là một thằng nhóc, dù mọi chuyện khi nhìn vào, chỉ là một thằng nhóc đang chơi đùa với một thằng nhóc khác, nhưng con biết, dòng máu nóng đang chảy trong con khi đó, nỗi tha thiết được giết chóc khi đó, con đã biết, ở đây (tôi lại chỉ tay vào thái dương), là một con quỷ. Con vẫn nhớ như in, dù bao nhiêu năm đã trôi qua, dù cố gắng, cũng không thể tẩy xoá. Lúc đó, thằng bạn con, nó tên Lũ, nó là tay anh chị trong trường, lúc đó, nó để con nhào tới đánh, nó đứng yên chịu trận, liên tục hỏi. Đăng quạo hả, Đăng quạo hả. Đừng giận. Trước đó, con tự nhủ với bản thân, mình lớn lên phải làm một người hoàn hảo. Nhưng ngay khoảnh khắc đó, con biết ý định đó đã phá sản. Con đã biết, sau này khi hai thằng có đi về bên kia thế giới, ở nơi người ta thấy tất cả những gì trần gian không thấy, con gần như chắc chắc, trước mắt thằng Lũ sẽ là những bậc thang hướng lên, có khi nó còn được đặt cách đi thang máy, lên thiên đàng. Còn con, sẽ là những bước chân nặng nề đi xuống một đoạn đường tăm tối, không lối thoát. Chỗ của con là địa ngục. Chỗ của Mây, của Lũ, là thiên đàng. Một con quỷ, ở đây (chỉ tay), thưa Cha. Dạ thưa Cha. Con đã trình bày xong.

Cha vẫn ngồi im lặng. Lúc này, tôi thực sự thấy nhẹ nhõm. Một tuần lễ trôi qua, không một ngày nào tôi không nghĩ đến đêm đầu tiên tôi gặp Mây. Từ hôm đó cho đến nay, tôi chỉ nghĩ về Mây khi khuây-khoả. Tôi không lên mạng lựa chọn ai khác, tôi chỉ nằm trên giường, nhắm mắt lại, và để tâm trí tôi tái hiện cổ ngay trước mắt, bàn tay tôi lại vươn ra, vươn đến chỗ đoạn dây áo. Rồi chúng tôi lại lên rừng, xuống biển. Trong khi chờ Cha sắp xếp cho đúng người, đúng tội. Tôi lại nhìn qua vách ngăn, tôi thấy Cha đang suy nghĩ, thỉnh thoảng trong lúc xưng tội, tôi có nghe tiếng Cha cười. Tôi bâng quơ một hồi thì thấy Cha, sửa soạn lại tư thế ngồi. Cha đằng hắng. Rồi Cha nói. Theo như Cha hiểu, thì con và Mây, mới gặp nhau hồi tuần rồi? Dạ, thưa Cha. Ngay hôm gặp nhau, Mây có ngủ nhờ ở chỗ con? Dạ, thưa Cha. Tụi con là bạn bè bình thường? Dạ, thưa Cha. Rồi cha hỏi tôi. Là Đăng, vậy con đã nói cho Mây nghe việc này chưa? Tôi trả lời. Dạ thưa Cha, chưa. Tôi nói rằng, tôi sợ khi nghe xong thì có thể Mây sẽ bỏ đi mất, là đời tôi kể như hết. Tôi nói rằng tôi không nghĩ cổ sẽ báo công an, dù có thể cổ có vài bằng chứng, cổ có thể đưa cho họ vài đoạn camera an ninh. Nhưng tôi không lo, vì không có tang chứng, vật chứng gì hết. Dẫu sao hành vi phạm tội vẫn chưa được thực hiện, nên không có hiện trường vụ án. Đêm đó, tôi để cửa phòng tắm cũng rất hẹp, chỉ vừa cho đôi mắt nhìn ra, lấy thông tin. Tôi cũng trình bày với Cha, là tôi nghĩ, cổ cũng không phải kiểu người sẽ đi ra đồn, chào hỏi anh công an, rồi xin làm một tờ đơn tố giác. Tôi lại trình bày thêm, là đám camera an ninh, cũng không thể bắt quả tang, trí tưởng tưởng của tôi được. Nhìn qua vách ngăn, tôi thấy Cha đang gật gù. Lát sau Cha nói. Bây giờ, Cha nói như vầy, Đăng. Đầu tiên, là Chúa tha thứ cho con. Kế đến là, Cha muốn được chúc mừng con, vì con là một người tốt. Mây đã đúng. Kế đến nữa, là Cha cho rằng, con không hẳn đến đây để xưng tội. Con có vẻ đang tìm một người bạn để nói chuyện. Cho nên, bây giờ Cha sẽ là bạn của con. Hôm nay là ngày cuối năm, coi như Cha nghỉ ngơi. Cha sẽ cởi bỏ chiếc áo thầy tu này, để ngồi với con như hai người bạn. Và với tư cách một người bạn, Cha sẽ nói gì? Cha sẽ nói với con là. Để phân tích chuyện này, hãy nói từ việc con bắt đầu với ý tốt. Con giữ lại một chùm chìa khoá vì lo cho Mây, con đem những chìa dự phòng để lên bàn cũng với ý tốt, là để cho Mây an tâm. Cho nên những gì cổ nghĩ về con, và những người xung quanh đánh giá con ở thời điểm đó là đúng. Còn cái việc con làm sau đó ở trong nhà tắm, rõ ràng là con sai. Suy nghĩ của con vi phạm điều răn thứ 6, ấp ủ những tư tưởng dâm ô. Nhưng để nói như một người bạn với con, là Đăng à, nếu truy đến tận cùng tất cả những tội lỗi mà con người phạm phải, thì tất cả chúng ta sẽ vào tù hết. Cả con, cả Cha, cả Mây, cả Lũ. Những lời nói dối của con ngày hôm đó, rõ ràng có thể đem lại cho Mây một chút ảo tưởng, những gì những người xung quanh đó nói, có thể vô tình củng cố cho Mây, cho con và cho cả bản thân họ, một ảo tưởng. Nhưng Cha nói với con, bằng cách này hay cách khác. Chúng ta đều sẽ sớm hay muộn, phạm một tội nào đó, chúng ta cũng vừa là tòng phạm, là nạn nhân, trong nhiều chuyện khác. Năm nay Cha 62 tuổi, ngày còn trẻ, Cha nhìn đâu cũng thấy tội phạm, Cha nghĩ chúng ta nên sống ở trong nhà tù hết cả. Nhưng rõ ràng như con thấy. Không một nhà tù nào là đủ cho nhân loại. Thay vì vậy, Chúa làm một việc, là cho ta mười điều răn. Và đặt mười điều răn đó giữa toà án lương tâm. Mỗi người đều có một toà án cho riêng mình, những vị bồi thẩm đoàn của riêng mình. Cái chuyện thư viện, con suy luận không sai, nhưng chưa đủ. Đúng là những mầm móng tuy nhỏ như thế, một lúc nào đó khi hội đủ những điều kiện nó có thể bùng lên, thành trọng tội. Tuy nhiên, Cha nói con nghĩ chưa đủ, là ở chỗ, con đã đưa một chuyện như thế ra toà, tức là lương tâm của con luôn tồn tại. Con vẫn luôn, suy xét, dọn mình. Khi Cha nhìn vào con, Cha không chỉ nhìn vào hành động, Cha nhìn vào lương tâm của con nữa. Mỗi chúng ta ai cũng có những giằng co, là bình thường thôi, bên trong con có quỷ dữ, quỷ dữ đậu một bên vai, thiên thần ở vai còn lại. Là chuyện bình thường thôi. Cha thừa biết là con đã hiểu hết, con đã suy xét xong hết, đúng người đúng tội. Nên Cha mới nói, con không phải đến đây để xưng tội, con chỉ cần có ai đó nói chuyện. Vậy để Cha nói với Đăng, con là một người tốt. Nếu có dịp nào thuận tiện, con có thể nói ra cho Mây biết, để nhẹ gánh đi. Cha chỉ nói thế thôi. Giờ con hãy dọn mình đi. Giờ Cha sẽ làm nghi thức tha tội cho con. Tôi nói với Cha. Con xin hứa sẽ tu tỉnh. Tôi tiếp tục nói. Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Ngay sau đó. Cha làm nghi thức xóa tội cho tôi, kết thúc bằng, vậy Cha tha tội cho con nhân danh Cha và con và Thánh Thần. Amen. Tôi và Cha lúc này cùng đứng dậy, làm dấu thánh giá và nói thêm vài câu nữa để kết thúc phần nghi thức. Tôi cúi gập người xuống chào Cha trước khi ra về. Cha đưa tôi ra hành lang, Cha vỗ vai tôi, nói. Đi xin lỗi cô Mây, trước mắt chuyện thư viện. Rồi từ từ nói chuyện kia. Rồi từ từ, hỏi chuyện khác. Tôi nói với Cha, con hy vọng vậy. Thấy mặt tôi đượm vẻ lo âu. Cha hỏi, đang lo cái gì? Tôi nói. Con đang lo cái máy vi tính trong phòng, mấy con ốc, nó bong tróc hết. Cha ngạc nhiên. Bong tróc? Dạ thưa Cha, đúng, con đang lo, nếu Mây có vào, quét dọn gì đó, rồi vô tình va phải cái thùng máy, để bên dưới, trúng ngay mấy con ốc, bị bong tróc, lơi lỏng, phần che máy bị rơi ra, thì bại lộ hết cả. Có khi cũng chẳng thèm nói năng, cổ bỏ đi luôn, là đời con kể như hết. Tệ hơn nữa, có khi cô ả lại đổi ý, thưa con ra toà. Lần này không chỉ có camera an ninh, có đầy đủ tang chứng vật chứng, mà lôi luôn cả mấy người bạn, thằng Giang, ông Hố Đen, chú Phong, ra làm chứng. Phát hiện ra kẻ gian, bắt tống giam. Đời con cũng kể như hết. Cha cười quá, vang hết cả hành lang. Cha lại vỗ vai. Cái ông này có vẻ suy nghĩ nhiều. Nhiều quá thì cũng không nên, cũng phải thực tế, tránh cái tội này quá, lại phạm cái tội khác. Với lại, nhìn phong độ vầy. Vui lên. Nghe Cha khen phong độ. Tôi đâm ra khoái. Nhưng tôi lại nghĩ mông lung, nhà Mây bán điện thoại, toàn thứ đắt tiền, thiếu gì thằng phong độ tới mua. Tôi lại đâm ra chán nản. Tôi chưa vội ra về mà ra hành lang ngồi. Tôi vẫn đang mặc áo thun trắng và quần thể thao màu xanh, cái áo thun tôi rách lỗ chỗ, ngay cổ áo, tôi chẳng quan tâm

Tôi đang ngồi đánh giá lại tình hình. Chuyện của Mây, giờ có ba vấn đề đáng quan tâm. Một là, cô ả đang giận tôi về chuyện chi phí, việc này có thể tạm gác. Hai là chuyện tự-khuây-khoả, việc này không nói ra thì có trời biết. Ba là, chùm chìa khoá trong máy vi tính, đây có vẻ là chuyện hệ trọng nhất. Nếu tôi có thể phi tang chứng cứ, thì sẽ ăn ngon, ngủ yên. Tôi không định giấu chuyện này mãi, nhưng ít nhất tôi cũng phải có được cổ trước đã, làm sao để ván đã đóng thuyền rồi tự thú cũng chưa muộn. Tôi đang gặp khó, là không thể về Mũi Né ngay bây giờ được, vì còn phải, ăn Tết với gia đình, đi đám cưới thằng Gạo, hẹn hò với đám Bàn Tròn, cả một đống mùng trước mắt. Mà nếu cứ trông chờ vào may mắn, vào mấy con ốc bong tróc đó không lơi lỏng thì cũng là hạ sách. Suy nghĩ một hồi, tôi thấy chỉ có một phương án duy nhất là nhờ người quen ở Mũi Né giúp đỡ, tôi liệt kê trong đầu ra vài người: Thằng Giang, anh Hố Đen, chú Phong và bà nhân viên tiệm giặt ủi. Tôi gạch ngay tên bà giặt ủi, rồi tôi gạch tên chú Phong, vì cả hai người tôi cũng không phải thân thiết lắm, tôi dừng lâu ở vị trí anh Hố Đen, nhưng khó ở chỗ ông này không biết ất giáp gì về máy vi tính, ổng gọi mọi công việc liên quan đến công nghệ thông tin là nghề-bấm-máy-vi-tính, nhờ ổng tới đó, ổng lọng cọng với mấy con ốc bong tróc, Mây nóng ruột vào trợ giúp thì đời tôi kể như hết. Không chỉ cổ phát hiện ra tôi là một thằng dối trá, mà còn là một thằng nham hiểm, là kẻ gian chính hiệu. Nên suy đi tính lại, chỉ có thằng Giang là được nhất, tuy nó có thể nhân cơ hội này loại tôi khỏi vòng chiến, nhưng khả năng này thấp, vì có lần nó say bí tỉ, ở quán, nó thổ lộ với tôi là, em coi anh là bạn thân, mà đã coi là bạn thân thì dù anh có giết người thì anh cũng cứ gọi em, em bao che cho anh. Dĩ nhiên nếu chuyện đó xảy ra thì nó sẽ báo công an. Nhưng về tổng thể, một khi đã nói như thế thì nó là một thằng chơi được. Trong chuyện này tôi cũng không giết người, tôi không phạm điều răn thứ mười ba, mà là điều răn thứ sáu. Tôi chỉ dâm ô. Suy đi tính lại một hồi, tôi khoanh tròn phương án chọn thằng Giang. Việc tiếp theo là phải gọi cho nó để hướng dẫn kỹ lưỡng kế hoạch hành động, ban đầu tôi định lấy lý do nhờ Giang đến sửa máy, nhưng rồi lại nghĩ nên xử lý việc này âm thầm là hay nhất, nên phải tính xem cần đột nhập vào khung giờ nào, bị phát hiện thì phải nói gì, vị trí máy tính nằm ở đâu. Và quan trọng nhất, là vừa bước vô nhà, nó phải rẽ trái chứ không được rẽ phải. Rẽ phải là phòng ngủ, nếu không khéo Mây đang ở trong đó, lại dễ xảy ra những tình cờ, hớ hênh, là đời tôi kể như hết. Nên tôi sẽ biên ra chữ rẽ trái là RẼ TRÁI một trăm lần. Lấy được chùm chìa khoá xong, nó sẽ ném ra biển để phi tang. Nếu mọi việc diễn ra trơn tru, thì chuyện tình của tôi và Mây sẽ như một trang giấy mới. Thẳng thớm, tinh khôi như vở học trò. Tôi cảm thấy yên tâm lạ thường. Tối nay tôi sẽ gọi cho thằng Giang. Rồi trong đầu tôi lại nghĩ ra một sáng kiến, lúc đề nghị thằng Giang giúp đỡ, tôi sẽ treo giải thưởng cho nó là giảm mười phần trăm hoá đơn cả năm, kể cả ngày nghỉ và Lễ Tết, nhưng tôi dặn nó phải nói với Mây, là anh Đăng thấy ăn năn vì mớ lùm xùm mười phần trăm hôm qua, nên anh Đăng muốn chuộc lỗi. Vậy là tạm thời tôi không phải gọi điện xin lỗi gì cô ả, đàn bà con gái xuống nước một lần, là sẽ có lần thứ hai, thứ ba. Thông qua thằng Giang tôi phi tang chứng cứ, và cũng thông qua nó, tôi thể hiện hành động khắc phục hậu quả. Tôi biết tôi lại bịa chuyện. Nhưng phía trước còn mùng một, mùng hai, mùng ba, nếu không giải quyết thì tôi sẽ có những đêm dài không ngủ được. Cha cũng nói, tránh tội này quá, lại phạm tội khác, không phải là không có lý. Nên tạm thời như vậy đã. Thực ra, tôi có thể nói đơn giản là tôi quên, tôi quên tôi có chùm chìa khoá thứ tư. Nhưng hôm đó, lúc quay trở lại quầy xong, để kéo dài sự bảnh tỏn, tôi lại hùng hồn nói ra rất chi tiết về những chùm chìa khoá. Tôi nói, lúc đi làm chìa khoá, anh tính, một chùm phải để ở quán, rồi anh quyết định bỏ dưới bồn rửa tay, vì anh mê Michael trong Bố Già. Một chùm phải để ở khu cửa ra vào, vậy là anh chọn để dưới chậu hoa gần đó. Chùm cuối cùng thì lúc nào cũng cầm theo. Thế là ba chùm, ông thợ tính 270 ngàn, anh đưa luôn 300. Thật ra tôi bịa chuyện, lúc nhận bàn giao nhà, bên thi công đưa tôi bộ bốn chùm chìa khoá, có vậy thôi. Tôi bịa quá chi tiết, tôi còn thòng thêm 270 thành 300, cho ra vẻ hào phóng. Giờ không thể quanh co được. Rồi tôi lại nhớ đến cái tin nhắn hồi tối, chúc em thành công. Vụ này thì quả là nan giải. Nhưng thôi việc đó tính sau, sở trường của tôi là tính sau. Bây giờ, tôi muốn khuây khoả đầu óc chút đã. Tôi muốn ngắm người qua lại, tôi muốn ngắm quang cảnh xung quanh nhà thờ. Buổi chiều hôm nay, là một chiều vàng, hoàng hôn vàng, ngôi nhà thờ màu vàng. Ngay chỗ tôi ngồi, có thể nhìn toàn cảnh. Bên trong nhà thờ, dãy ghế dài cho giáo dân ngồi, ba lối đi thẳng thớm để đến nơi Cha hành Lễ. Cứ mỗi cuối Lễ, chúng tôi sẽ xếp hàng, rồi theo lối đi để đến chỗ Cha nhận Bánh Thánh. Như đa số nhà thờ, ở đây cũng có ngôi trần cao và rộng thênh thang. Đằng sau nơi Cha làm Lễ, là dàn đồng ca. Hôm nay có một dàn đồng ca đang tập, tôi thấy khoảng hai mươi người. Họ đứng đó, vài ba nhạc công, một anh chỉ huy và hai dòng người đứng ngay ngắn, tay cầm cuốn nhạc, hát những bài Thánh Ca, chim đang hót bên ngoài giáo đường. Tôi mê những bài thánh ca. Ở nhà, gần như tuần nào tôi cũng dành ra cả buổi để nghe, tôi hay mở đĩa nhạc Ambrosian Chant.

Đang khuây khoả đầu óc thì Mây lại mò đến, cổ cứ quanh quẩn, cứ để não tôi phải làm thêm giờ. Có một việc tôi lại đâm ra lo. Tôi hay đâm ra lo. Tôi lo, Mây như thế này thì chỉ có thể tồn tại, trong tiểu thuyết trữ tình. Tôi lo, tôi đang sống trong thế giới của một thằng đánh máy nào đó. Mà mấy thằng đánh máy truyện trữ tình là mấy thằng giết người không gớm tay. Bọn nó hay trốn tránh thực tại bằng cái vùi đầu vô chữ nghĩa, vùi lâu thành ám ảnh, ám ảnh lớn đến một mức nào đó thì phải tìm cách tháo chạy, về với thực tại. Đến lúc đó, Mây không bệnh hiểm nghèo thì cũng tai nạn giao thông, không chắn đạn cho tôi thì cũng trầm mình ở đâu đó. Rồi cuối truyện, thằng đánh máy sẽ cho tôi đứng dọn dẹp quầy, cho tôi treo ảnh Mây bên gian bếp, ở nơi chỉ một mình tôi thấy. Rồi sẽ nhét chữ vào miệng tôi, nó nhét: Anh mong em ở suối vàng sống một cuộc đời như em mơ ước. Rồi nó sẽ kết thúc câu chuyện bằng một câu y như câu mở đầu: Quán bia của tôi nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Mũi Né. Nghĩ tới đó, tôi bắt đầu nhìn lên bầu trời, tôi không thấy nó đẹp một chút nào nữa, tôi chỉ muốn xé toạc nó ra, và nếu đúng như tôi nghĩ, qua khoảng không gian vừa bị xé ra đó, tôi sẽ thấy những ngón tay đang gõ lốc cốc, của thằng đánh máy. Tôi chợt nghĩ, nếu là như thế thật thì tôi sẽ tuyên chiến. Tôi sẽ xem cả quyển sách là bãi chiến trường. Tôi sẽ bày binh bố trận khắp các chương. Tôi sẽ, không cho Mây xuất hiện ở những chương đầu, để mấy gã cảnh sát của thằng đánh máy có tấn công, từ bìa sách trở vô, thì sẽ không thấy cổ ở đâu cả. Tôi sẽ cho thằng Giang canh gác ở những chương đầu, lúc này tôi sẽ gọi nó là Đồng Chí G (gi), tôi sẽ gọi nó, là thành trì cuối cùng của chương một. Tôi cho hội Bàn Tròn án ngữ ở những chương cuối. Ngay đoạn cuối cùng, tôi cho Mây giả chết. Vậy là bọn âm binh có tấn công từ hướng nào cũng được, đoạn đầu, không thấy Mây, đoạn sau có thấy, thì Mây cũng chết, giả chết. Tôi sẽ đánh lại số thứ tự các chương. Nếu sách có 7 chương. Tôi sẽ đánh: 1, 2, 3, 7, 4, 5, 6. Kết thúc câu chuyện nằm ngay ở giữa. Tôi và Mây, xây một cái tháp ngà yên ấm ở đoạn giữa, chúng tôi sẽ bên nhau đến muôn thuở, muôn đời. Mà có khi dời cái kết vô giữa, thằng đánh máy dù có phát giác được, mà đọc xong nó thấy có lý, nó ngửi có mùi nobel văn chương, thì sẽ vì cái danh cái phận mà để yên cho chúng tôi. Đang thấy yên trí, thì con quỷ tiêu cực trong tôi lại xuất hiện. Nó ngồi kế bên, nói. Sách như vầy. Chương hồi rối loạn, nhiều tình huống không đứng đắn, dễ gì được lưu hành. Quan trọng nữa, toàn mớ triết lý đạo đức giả, mà mấy quyển đạo đức giả, người ta không in. Vì không biết đọc xong rồi, người đọc nên rút ra cái gì, cái nào, là đạo đức thật, rồi cái nào, là đạo đức giả. Tôi nói với nó. Lỡ mà thằng đánh máy thì may, có mùi nobel là nó sẽ bằng mọi cách đem ra bàn dân thiên hạ, chứ mà vô thằng sáng tác chân chính thì mệt lắm, vì cái tự tôn nó cao, lỡ mà ẵm Nobel, thì giải thưởng phải thực sự trao cho tài nghệ của nó. Chứ thằng đánh máy, nó giả danh trí thức, miễn sao có giải là được. Nhưng dù sao, vậy cũng đỡ cho tao. Tao có cảm giác, thằng đang gõ ra cuốn này, là thằng đánh máy. Nó chỉ gieo hạt, nó gieo thằng Đăng, cô Mây, 25 tuổi, nó gieo ra cái quán. Rồi sống thế nào, làm gì, nó để mày quyết định. Nó chỉ đi theo mày, nó gõ. Rồi mày mà sống tốt, thì lưu danh thiên cổ. Mà nghĩ lại, sống trong sách mà được tự do, có khi còn sướng hơn đời thực. Mày ở ngoài, mày sống, không có ai ghi chép lại, chết rồi thì cũng mồ mả xanh tươi là giá chót. Sống trong này, nép mình trong những con chữ, là sống muôn đời. Mày thấy, đám người tiền sử, giờ xương cốt đâu không ai biết, chỉ có vài tranh vẽ trên đá, vài con chữ, là sống mãi. Con quỷ gật gù, ra vẻ đồng ý. Nhưng rồi nó lại nói, lỡ nó là thằng sáng tác thì sao. Tôi nói luôn. Nếu nó là thằng sáng tác, thuộc hàng máu lạnh, nó cho Mây trầm mình, tao nhảy theo luôn, tao sẽ xé toạc đám chữ, tao đốt hết giấy, tìm cách tẩu thoát khỏi suy nghĩ của nó. Trước khi tao không còn xuất hiện trong một câu văn nào, rồi tao tan ra thành những chữ cái vô nghĩa. Tao sẽ nói. Chào ba chào mẹ. Chào mẹ chào ba. Chào mấy thằng bạn. Chào những ai đã từng cho tôi mượn tiền. Chào cơ quan thuế. Xong rồi tao sẽ vươn tay ra, tìm Mây. Tôi dừng lại một chút, rồi nói tiếp. Nhưng tao nghĩ nó là thằng đánh máy, vài lần trong này nó cũng nói là viết tới đâu nghĩ tới đó, rõ ràng nó không có chuẩn bị gì hết, và hơn nữa, nó còn lười enter xuống hàng. Và với một thằng đánh máy lười xuống hàng. Thì tao nghĩ tụi mình có thể đàm phán được.

Tuy nói vậy nhưng tôi vẫn thấy lo, thế là tôi lấy điện thoại ra gọi cho Mây. Đáng lẽ tôi không nên gọi, xuống nước một lần, là sẽ có lần thứ hai, thứ ba. Mây bắt máy, lần này tôi chờ cổ alo đàng hoàng xong rồi mới nói. Tôi nói. Dạo này triều cường lên xuống thất thường, em có đi bơi thì cẩn thận đừng bơi xa bờ, đừng bơi xa anh (tôi lại tán tỉnh chút đỉnh), có đi dạo ngoài biển thì cũng để ý mà đi. Lúc này tuyệt đối không đi lặn. Cổ chỉ. Uhm. Tôi cũng Uhm. Rồi tôi nói tiếp, chuyện hôm qua, khỏi phải tính gì nữa hết, anh không có ý định thay thế em. Dù sao, lúc anh về lại Mũi Né, thì em cũng bỏ đi thôi (tôi lại tán tỉnh chút đỉnh), thì sau đó cái quán như hồi đó tới giờ, một mình anh thôi, có bao giờ khác đâu, một mình anh, đứng sau quầy, rót bia, làm món, dọn quán. Có gì khác đâu. Nói xong tôi ngừng một lúc, để nghĩ, tôi đang giả vờ tội nghiệp, nhưng dàn đồng ca phía sau đang hát một bài thánh ca buồn quá, tôi ngồi một mình bên hành lang của một ngôi nhà thờ vàng trong một buổi chiều vàng, có khi tôi sắp rơi nước mắt thật. Nên tôi nói nhanh vài câu nữa. Rồi tôi cúp máy.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *